10 sự kiện nổi bật trên thị trường bất động sản 2015

 Năm 2015 mang lại nhiều niềm vui cho thị trường bất động sản khi sự hồi phục thể hiện rõ ở mọi phân khúc, dù vẫn còn những hạt sạn.

10 sự kiện nổi bật trên thị trường bất động sản 2015

Sự phục hồi này đến từ sự nỗ lực của cả cơ quan quản lý và các thành viên thị trường. Dưới đây là 10 sự kiện nổi bật của thị trường bất động sản 2015 do Đầu tư Bất động sản bình chọn.

1. Luật nhà ở và Luật kinh doanh Bất động sản sửa đổi chính thức có hiệu lực

Ngày 1/7/2015, hai sắc luật quan trọng của thị trường bất động sản là Luật Nhà ở sửa đổi và Luật Kinh doanh bất động sản đã chính thức có hiệu lực. Sau khi 2 sắc luật này có hiệu lực, Chính phủ đã ban hành nhiều nghị định hướng dẫn như Nghị định 76/2015, Nghị định 99/2015, Nghị 100/2015; Nghị định 101/2015, Nghị định 117/2015, Nghị định 119/2015.

Điểm đáng chú ý nhất của chính sách mới là việc mở rộng cho đối tượng người nước ngoài và Việt kiều sở hữu và kinh doanh bất động sản tại Việt Nam; bắt buộc bán nhà ở hình thành trong tương lai phải có bảo lãnh của ngân hàng; cưỡng chế quỹ bảo trì chung cư…

2. Sự trở lại của căn hộ cao cấp

Sau thời gian dài đóng băng, thị trường đã chính thức hồi phục trong năm 2015 với sự bùng nổ về hoạt động mở bán và giao dịch.

Cụ thể, năm 2015, Hà Nội có khoảng 19.350 giao dịch thành công (tăng 1,7 lần so với 2014), TP. HCM có khoảng 18.700 giao dịch thành công (tăng 1,8 lần so với 2014). Tồn kho bất động sản đến 20/12/2015 đã giảm77.659 tỷ đồng so với quý I/2013, còn khoảng 50.889 tỷ đồng, tương đương giảm 60,41%.

Điểm đáng chú ý nhất của thị trường trong năm 2015 là sự trở lại ngoạn mục của phân khúc căn hộ cao cấp. Đây là phân khúc có tồn kho lớn nhất thị trường và từng là phân khúc bị xa lánh trong giai đoạn đóng băng. Nhưng khi thị trường phục hồi, phân khúc căn hộ cao cấp là phân khúc dẫn dắt và chiếm lĩnh thị trường cả về nguồn cung và giao dịch.

3. Ồ ạt mở bán dự án bất động sản nghỉ dưỡng

Ngoài phân khúc căn hộ cao cấp, thị trường năm 2015 cũng ghi nhận sự trở lại ấn tượng của phân khúc bất động sản nghỉ dưỡng. Cùng với sự tăng trưởng trở lại của nền kinh tế, sự phục hồi của thị trường bất động sản, phân khúc được ví như “nàng công chúa ngủ trong rừng” đã tỉnh giấc.

Hàng loạt dự án bất động sản nghỉ dưỡng ở cả 3 miền được các chủ đầu tư ồ ạt giới thiệu và mở bán ra thị trường với nhiều chương trình bán hàng hấp dẫn.

Do đó, có giá trị cao, nhưng các đợt mở bán sản phẩm của phân khúc này đều nhận được sự quan tâm lớn của khách hàng, như FLC Samson (Thanh Hóa) của Tập đoàn FLC, Premier Village Đà Nẵng, Premier Village và Premier Residences Phú Quốc của Sun Group, Vinpearl Nha Trang, Vinpearl Phú Quốc của Vingroup…

4. Cắt ngọn dự án vượt tầng

Việc xây sai phép, vượt tầng, không đúng quy hoạch đã xảy ra nhiều năm qua tại hàng loạt dự án trên địa bàn cả nước, đặc biệt là Hà Nội, nhưng việc xử phạt chỉ mang tính hình thức, “phạt cho tồn tại” khiến các chủ đầu tư bị “nhờn”. Trong năm qua, lần đầu tiên vụ việc vi phạm xây vượt tầng đã bị xử lý một cách nghiêm khắc.

Cụ thể, Dự án Discovery Complex 2 (Dự án 8B Lê Trực ) do CTCP May Lê Trực làm chủ đầu tư, có vị trí gần Quảng trường Ba Đình (Hà Nội) đã xây vượt 16 m (tương đương 5 tầng) và diện tích sàn xây dựng vượt 6.000 m2 so với giấy phép.

Với sai phạm này, UBND TP. Hà Nội đã yêu cầu chủ đầu tư phải cắt bỏ phần xây vượt, nếu chủ đầu tư không tự thực hiện, Thành phố sẽ thực hiện cưỡng chế và chi phí sẽ do chủ đầu tư chịu.

Trước ý tưởng “hiến” phần sai phạm cho Nhà nước của đại diện chủ đầu tư, ông Phạm Quang Nghị, người phụ trách Đảng bộ TP. Hà Nội đã bác bỏ và cho rằng: “Nhà nước không khuyến khích những việc làm như thế. Nếu Nhà nước chấp thuận thì lần sau các chủ đầu tư khác cũng làm sai”.

Ngoài vụ cắt ngọn Dự án 8B Lê Trực, thì việc UBND TP. Đà Nẵng cưỡng chế tháo dỡ biệt phủ 100 tỷ đồng trên đèo Hải Vân của đại gia vàng vì xây trái phép, cho thấy cơ quan quản lý đã bắt đầu dùng “bàn tay sắt” với các sai phạm trong xây dựng.

5. Bùng nổ M&A bất động sản

Cùng với sự ấm lên của thị trường, hoạt đông mua bán, chuyển nhượng (M&A) dự án bất động sản trong năm 2015 cũng diễn ra rất sôi động với sự tham gia của nhiều tên tuổi lớn cả trong nước và nước.

Trong năm qua, Vingroup đã mua lại nhiều dự án lớn, có vị trí đắc địa, như Dự án StarCity Centre nằm tại góc ngã tư đường Trần Duy Hưng, Khuất Duy Tiến, Nguyễn Thị Thập (Hà Nội), dự án tổ hợp quy mô 110.000 m2 tại 233-235 Nguyễn Trãi (Hà Nội), hay mua lại CTCP Bất động sản Hồng Ngân thông qua công ty con là CTCP Đầu tư và Phát triển đô thị Sài Đồng để phát triển dự án “Khu chức năng đô thị Thành phố Xanh (Green City) tại phường Cầu Diễn, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội...

Ngoài ra, cũng phải kể đến hàng loạt thương vụ M&A khác có yếu tố nước ngoài, như Tập đoàn Lotte (Hàn Quốc) mua lại 70% cổ phần của Dự án Diamond Plaza (TP. HCM) từ Posco (Hàn Quốc); Gaw Capital Partners nhận chuyển nhượng lại 4 dự án bất động sản từ Indochina Land; Gamuda Land Việt Nam đã nhận chuyển nhượng 40% cổ phần (tương đương 64,1 triệu USD) của các đối tác trong nước để độc quyền phát triển Dự án Celadon City (quận Tân Phú, TP. HCM); Quỹ Crees Group (Nhật Bản) rót 200 triệu USD vào CTCP Đầu tư và phát triển bất động sản An Gia để phát triển các dự án bất động sản tại TP. HCM…

6. Lần đầu tiên cư dân khởi kiện đòi quỹ bảo trì chung cư

Ngày 3/11/2015, sau nhiều lần yêu cầu chủ đầu tư bàn giao phí bảo trì chung cư không thành, Ban quản trị Chung cư D11 Khu đô thị mới Cầu Giấy (Hà Nội) đã chính thức đệ đơn lên Tòa án Nhân dân quận Hoàn Kiếm kiện chủ đầu tư là CTCP Xây dựng số 3 Hà Nội - Hanco3.

Trong năm 2015, các vụ tranh chấp về quỹ bảo trì chung cư cũng diễn ra tại nhiều dự án như Keangnam Landmark Hà Nội, Sky City 88 Láng Hạ, Dự án N017-1 và N017-2, Khu đô thị Sài Đồng.

Cũng trong năm 2015, thị trường lần đầu tiên ghi nhận sự kiện khách hàng Dự án Keangnam Hà Nội thắng kiện chủ đầu tư là Công ty Keangnam Vina, yêu cầu chủ đầu tư trả lại 781 triệu đồng cho khách hàng.

Ngoài tranh chấp quỹ bảo trì, trong năm qua cũng chứng kiến tranh chấp bùng phát trở lại giữa chủ đầu tư và khách hàng tại nhiều dự án, như Thăng Long Numer One, Hồ Gươm Plaza… tại Hà Nội, hay Chung cư 4S Riverside, Chung cư Era Town, Chung cư 584 Lũy Bán Bích… tại TP. HCM. Trong đó, có những vụ tranh chấp đã dẫn tới xô xát.

7. Liên tiếp các vụ cháy chung cư

Vấn đề an toàn phòng cháy chữa cháy tại chung cư lại nổi lên trong năm qua. Đầu tiên phải kể đến các vụ cháy tại một số chung cư do Công ty Tư nhân xây dựng số 1 Điện Biên của đại gia Lê Thanh Thản làm chủ đầu tư như CT4A Khu đô thị Xa La (Hà Đông), HH4A Khu đô thị Linh Đàm và trước đó nữa là các vụ cháy, chập điện xảy ra tại CT5 và CT6 cũng thuộc Khu đô thị Xa La.

Từ các vụ cháy, Hà Nội đã thanh tra toàn bộ các dự án nhà giá thấp do công ty này làm chủ đầu tư trên địa bàn và phát hiện nhiều sai phạm, nhất là về phòng cháy chữa cháy. Với những sai phạm trên, UBND TP. Hà Nội đã dừng cấp phép dự án mới cho chủ đầu tư này.

Không chỉ dự án nhà giá thấp của đại gia Lê Thanh Thản, các dự án căn hộ cao cấp cũng bị “bà hỏa” hỏi thăm như Chung cư Vimeco (Cầu Giấy, Hà Nội), Chung cư Hồ Gươm (Hà Đông, Hà Nội), Chung cư cao cấp The Flemington Parkson (quận 11, TP. HCM), Chung cư Hưng Phát (đường Lê Văn Lương, huyện Nhà Bè, TP. HCM)…

8. Hàng loạt đại gia địa ốc đầu tư vào hạ tầng

Việc các doanh nghiệp bất động sản đầu tư vào hạ tầng theo hình thức BT hoặc BOT đã có từ những năm trước như Vinaconex, Cienco 5 Land, Nam Cường…, nhưng sau đó xu hướng lắng xuống.

Sang năm 2015, xu hướng này lại nở rộ với những tên tuổi lớn như Vingroup (với các dự án đường giao thông, cảng biển và mới đây muốn tham gia di dời các nhà ga đường sắt), Tập đoàn T&T của bầu Hiển cũng muốn di dời các nhà ga đường sắt, UDIC với dự án Dự án đường cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn, Phát Đạt với Dự án Cầu Mỹ Lợi, Phú Long muốn tham gia Dự án Đầu tư nhà ga mới tại Cảng hàng không Cam Ranh, Tân Hoàng Minh với dự án giao thông…

9. Doanh nghiệp nhà nước không được đầu tư vào bất động sản

Ngày 13/10/2015, Chính phủ ban hành Nghị định 91 về đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp và quản lý, sử dụng vốn, tài sản tại doanh nghiệp. Theo đó, từ 1/12/2015, doanh nghiệp nhà nước không được đầu tư vào bất động sản, ngân hàng, chứng khoán, trừ trường hợp đặc biệt được Chính phủ cho phép hoặc doanh nghiệp có ngành nghề chính là những lĩnh vực nêu trên.

Trường hợp doanh nghiệp nhà nước đã góp vốn, đầu tư vào các lĩnh vực trên mà không được Thủ tướng cho phép, phải tiến hành cơ cấu lại và chuyển nhượng toàn bộ vốn đã đầu tư theo
quy định.

10. Chính thức được đầu tư dự án Casino

Đầu năm 2015, Thủ tướng Chính phủ đã chấp thuận chủ trương đầu tư dự án khu du lịch, dịch vụ và vui chơi giải trí tổng hợp có casino tại huyện đảo Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang. Theo nguồn tin đáng tin cậy của Báo Đầu tư, chủ đầu tư dự án casino ở Phú Quốc là một tập đoàn kinh doanh bất động sản lớn ở Việt Nam.

Dù trên thực tế, tại nhiều dự án ở Việt Nam đã có không ít casino, nhưng được gọi bằng cái tên là khu vui chơi có thưởng dành cho người nước ngoài - được xây dựng ở Việt Nam. Do đó, việc Thủ tướng Chính phủ đã chấp thuận chủ trương đầu tư dự án casino tại Phú Quốc đánh dấu lần đầu tiên, Việt Nam chính thức cho phép triển khai dự án casino và nó được kỳ vọng sẽ giúp ngành du lịch, cũng như bất động sản du lịch của Việt Nam phát triển mạnh hơn nữa.

Nguồn Tin nhanh chứng khoán