7 dự án tuyến đường Hồ Chí Minh có vấn đề

Khá nhiều sai sót liên quan tới việc kiểm soát tiến độ, lựa chọn nhà thầu... được Kiểm toán Nhà nước phát hiện tại 7 dự án thành phần (đoạn qua khu vực Tây Nguyên) thuộc Dự án Đường Hồ Chí Minh giai đoạn II.

7 dự án tuyến đường Hồ Chí Minh có vấn đề

Sau 6 tháng tiến hành kiểm toán 7 dự án thành phần (đoạn qua Gia Lai, Đắc Lắc, Đắc Nông và Kon Tum) thuộc Dự án Đường Hồ Chí Minh, giai đoạn II, với tổng kinh phí được kiểm toán là 2.003 tỷ đồng, Kiểm toán Nhà nước vừa có Văn bản số 162/TB - KTNN thông báo kết quả kiểm toán.

Đây là các dự án nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 14 đoạn qua Tây Nguyên thuộc Dự án đường Hồ Chí Minh, giai đoạn II, gồm: đoạn qua trung tâm TP. Pleiku (gói thầu số 3); đoạn kéo dài phía Nam TP. Pleiku (tỉnh Gia Lai); đoạn phía Bắc TP. Buôn Ma Thuột (tỉnh Đắc Lắc); đoạn phía Nam TP. Buôn Ma Thuột (Đắc Lắc); đoạn qua thị xã Kon Tum (Kon Tum); đoạn qua thị trấn Kiến Đức (Đắc Nông) và đoạn qua thị trấn Đắc Mil (Đắc Nông).

Không đảm bảo tiến độ cam kết

Trong quá trình triển khai xây dựng, phần lớn các dự án thành phần nói trên đều đã từng được Bộ Giao thông - Vận tải, Bộ Xây dựng thanh tra. Trên cơ sở kiến nghị của các đoàn thanh tra, những lỗi vi phạm, sai sót đã được đơn vị quản lý dự án là Ban Quản lý Dự án Đường Hồ Chí Minh kịp thời chấn chỉnh, khắc phục.

Đây là lý do mà Kiểm toán Nhà nước đã không phải dùng cụm từ “sai phạm” một lần nào trong bản kết luận dài chưa đầy 8 trang A4 về 7 dự án thành phần thuộc Dự án Đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên. Tuy vậy, quá trình triển khai, thực hiện đầu tư vẫn còn không ít “sạn”, ít nhiều làm ảnh hưởng tới hiệu quả đầu tư của các công trình.

Cụ thể, hạn chế đầu tiên được Kiểm toán Nhà nước chỉ ra là phần lớn các gói thầu xây lắp tại 7 tiểu dự án trên đều không đảm bảo tiến độ so với hợp đồng ban đầu và đều phải kéo dài thời gian thi công từ 1 đến 3 năm. Đặc biệt, Gói thầu số 4 đoạn qua trung tâm TP. Pleiku (do Sở Giao thông - Vận tải Gia Lai làm chủ đầu tư) chậm tới 7 năm. Nếu không có sự nhầm lẫn của Kiểm toán Nhà nước, thì đây chính là một trong những kỷ lục “rùa” về tiến độ trong số các dự án hạ tầng do ngành Giao thông - Vận tải quản lý.

Theo phân tích của Kiểm toán Nhà nước, nguyên nhân chậm tiến độ chủ yếu là do thời gian thực hiện đền bù, giải phóng mặt bằng chậm, không đáp ứng được tiến độ thi công. Điều đáng nói là, tại thời điểm kiểm toán (tháng 3/2014), Dự án vẫn còn một số gói thầu chưa thể bàn giao hết mặt bằng, như đoạn kéo dài phía Nam TP. Pleiku; gói 2 đoạn phía Nam TP. Buôn Ma Thuột.

Bên cạnh đó, một số gói thầu bị chậm do thời tiết, tác động trực tiếp của việc đình hoãn, giãn tiến độ theo Nghị quyết số 11/NQ - CP ngày 24/2/2011 của Chính phủ.

Theo một chuyên gia xây dựng, bên cạnh thời tiết, thiếu vốn, mặt bằng - những lý do “kinh điển”, bất khả kháng thường được viện dẫn; thì công tác kiểm soát, quản lý hợp đồng của chủ đầu tư còn khá “nhẹ tay” cũng khiến cho tiến độ một số gói thầu tại Dự án bị chậm.

Nhận định này là hoàn toàn có cơ sở, bởi trong quá trình triển khai, chủ đầu tư đã không quyết liệt xử lý, thay thế một số nhà thầu năng lực tài chính yếu, không huy động đủ số máy móc, nhân lực thi công như yêu cầu cam kết trong hợp đồng.

“Chủ đầu tư cần làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm của từng bên trong việc chậm tiến độ thực hiện hợp đồng để xử lý tài chính theo quy định đối với gói thầu số 3, đoạn phía Bắc TP. Buôn Ma Thuột; gói thầu số 3 đoạn qua thị xã Kon Tum”, Phó tổng kiểm toán Nhà nước Nguyễn Văn Thành yêu cầu.

Biên bản, sổ sách ghi chépquá sơ sài

Kiểm toán Nhà nước cũng chỉ ra những khiếm khuyết tại khâu lựa chọn nhà thầu thông qua việc chủ đầu tư và tổ chuyên gia đấu thầu đã mắc phải sai sót trong việc tính điểm, nhận xét các hồ sơ dự thầu. Thậm chí, chủ đầu tư là Sở Giao thông - Vận tải Gia Lai còn chấp nhận cả các gói thầu có vi phạm tiêu chí loại bỏ (hồ sơ dự thầu của Công ty 508); thời gian xét thầu và thẩm định kết quả đấu thầu chậm so với quy định (gói thầu D3 đoạn qua TP. Pleiku).

Nhưng điểm “gợn nhất” trong công tác quản lý chất lượng các gói thầu xây lắp tại Dự án là nhật ký thi công quá sơ sài, chưa đủ nội dung theo quy định; thiếu một số biên bản trong quá trình quản lý, như biên bản kiểm tra chất lượng, danh mục kiểm tra quy cách…

“Sai sót trong công tác quản lý của các ban quản lý dự án và nhà thầu tại các dự án thành phần này tuy nhỏ, nhưng cũng gây khó chịu theo kiểu “giắt răng”, ảnh hưởng phần nào tới chất lượng, tiến độ triển khai công trình”, một chuyên gia trong lĩnh vực xây dựng cơ bản đánh giá.

Theo Anh Minh
baodautu.vn

{fcomment}