Bao giờ rắc rối tại Everpia được giải quyết?

 Mâu thuẫn giữa các cổ đông lớn và Ban điều hành CTCP Everpia (EVE) - DN sở hữu thương hiệu chăn ga gối đệm Everon, đã bùng nổ suốt 3 năm nay và đang có diễn biến xấu hơn.

Bao giờ rắc rối tại Everpia được giải quyết?

Sau khi nhận được những phản ánh trên của Công đoàn Everpia, Báo ĐTCK đã có cuộc trao đổi với đại diện RRH và Temasia để cung cấp thêm thông tin về vụ việc này.

Báo ĐTCK nhận được đơn thư của Ban Chấp hành Công đoàn CTCP Everpia, với nội dung phản ánh những hoạt động nằm ngoài quyền hạn cổ đông của hai nhà đầu tư nước ngoài Red River Holding (RRH) và Temasia Capital. Đây là 2 quỹ thành viên của Groupe Artemis, hiện nắm giữ 13,7% vốn điều lệ Everpia.

Có 3 vấn đề được Công đoàn Everpia phản ánh.

Thứ nhất, RRH đã phủ quyết toàn bộ các tờ trình tại ĐHCĐ Everpia năm 2014 và 2015, nhằm mục đích buộc Công ty trả cổ tức cao.

Gần đây nhất, tại cuộc họp thường kỳ quý IV/2015 của HĐQT Everpia diễn ra ngày 9/12/2015, Ban điều hành Công ty đề xuất mức thưởng 300% lương cơ bản cho cán bộ, nhân viên dựa trên đánh giá kết quả kinh doanh sẽ hoàn thành vượt mức kế hoạch đã được ĐHCĐ giao phó. Tuy nhiên, ông Jean Charles Belliol, thành viên HĐQT Everpia (đại diện CTCP Quốc tế Trí Tín, đơn vị tư vấn đầu tư cho 2 nhà đầu tư RRH và Temasia) đã không đồng ý với đề xuất này và đề xuất mức thưởng tối đa chỉ là 70% lương cơ bản, đồng thời đề xuất mức trả cổ tức bằng tiền năm 2015 là 50%.

Thứ hai, 2 quỹ trên đề nghị Everpia mua lại cổ phiếu với giá cao hơn giá thị trường và cáo buộc ông Lee Jae Eun, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty, không hỗ trợ các cổ đông thoái vốn.

Thứ ba, nhà đầu tư trên đã lấy thông tin nội bộ từ thành viên HĐQT Everpia là ông Jean Charles Belliol để chất vấn về hoạt động sản xuất - kinh doanh của Công ty.

Trước đó, trong 2 kỳ ĐHCĐ năm 2014, 2015, Báo ĐTCK đã có các bài viết phản ánh diễn biến đại hội và đề cập đến các mâu thuẫn giữa RRH và ông Lee Jae Eun, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty.

Công đoàn Everpia cho rằng, RRH yêu cầu chia cổ tức cao 50% bằng tiền, trong khi không đồng ý chia thưởng 300% lương cơ bản cho người lao động là không hợp lý. Quan điểm của các ông về vấn đề này, tại sao RRH lại phản đối đề xuất chia thưởng cho người lao động?

Chúng tôi đã có công văn trả lời Công đoàn Everpia rằng, các vấn đề Công đoàn nêu trong văn bản gửi chúng tôi và các cơ quan báo chí là không chính xác và không thuộc phạm vi cũng như quyền hạn của Công đoàn.

Nội dung văn bản của Công đoàn Everpia có những thông tin sai lệch và phiến diện do ông Lee Jae Eun là Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty cung cấp và thao túng.

Thứ nhất, RRH và Temasia Capital mặc dù là cổ đông lớn theo tiêu chí của Luật Chứng khoán, nhưng lại là cổ đông không tham gia điều hành Everpia và không nắm cổ phần chi phối, nên không có khả năng phản đối việc chia thưởng cho người lao động.

Chính sách chia thưởng cho người lao động là do Ban giám đốc và HĐQT Công ty xem xét, quyết định. Tỷ lệ chia thưởng cho người lao động và Ban giám đốc cũng do Ban giám đốc quyết định.

Quan điểm của chúng tôi là không bao giờ phản đối việc chia thưởng cho người lao động để khuyến khích người lao động gắn bó với Công ty và làm việc hiệu quả hơn. Cụ thể, trong thư gửi cho ông Lee Jae Eun vào năm 2012 và thư gửi cổ đông Everpia năm 2014, chúng tôi đã chủ động đề xuất việc chia thưởng cho nhân viên Everpia từ nguồn cổ phiếu quỹ của Công ty, nhưng không được ông Lee Jae Eun chấp thuận.

Về nguyên tắc, chúng tôi luôn ủng hộ việc chia thưởng cho nhân viên phải gắn liền với hiệu quả hoạt động kinh doanh, đóng góp của từng cá nhân và phải được phân chia công bằng, tránh tình trạng tập trung phần nhiều vào một số lãnh đạo Công ty.

Trước câu trả lời và tài liệu mà RRH đã cung cấp cho báo ĐTCK, chúng tôi đã liên hệ với Everpia để có thêm thông tin đa chiều về những vấn đề này. Tuy nhiên, sau hơn 2 tuần, chúng tôi vẫn chưa nhận được phản hồi chính thức từ Công ty và ông Lee Jae Eun. Báo ĐTCK sẽ tiếp tục tìm hiểu và có các bài phản ánh tiếp theo.

Tôi cũng xin lưu ý là thông tin Công đoàn Everpia đưa ra là từ nguồn nào? Bởi vì, những vấn đề về phân phối lợi nhuận hiện nay của Everpia chưa hề có công bố thông tin chính thức cho cổ đông. Do đó, chúng tôi không nắm rõ về những con số và chưa từng có ý kiến gì về vấn đề này. Chúng tôi cũng chưa được biết kết quả kinh doanh năm 2015 của Everpia như thế nào, cũng như cơ sở cho việc đề xuất chia thưởng 300%, nên không thể có ý kiến.

Everpia là DN kinh doanh hiệu quả, tại sao RRH chưa thực hiện được việc thoái vốn khỏi Everpia?

Khi có nhu cầu thoái vốn, chúng tôi cùng một số cổ đông khác đại diện 50% vốn cổ phần của Everpia đã thuê một tổ chức tư vấn chuyên nghiệp để tìm người mua.

Bên tư vấn đã làm việc với một số NĐT tiềm năng quan tâm mua lại phần vốn của Everpia từ các cổ đông. Nhưng khi NĐT tiếp xúc với ông Lee Jae Eun để hiểu rõ tình hình kinh doanh và quản trị tại Everpia, ông Lee Jae Eun đã tuyên bố là kể cả khi NĐT có mua cổ phiếu từ các cổ đông hiện hữu để nắm giữ 50% cổ phần, thì cũng chỉ được phép có 1 thành viên HĐQT và không được quyền tham gia quản trị điều hành Công ty.

Các NĐT này đã không chấp nhận rủi ro lớn là bỏ vốn mua cổ phần của Everpia, nhưng không thể quản lý khoản đầu tư. Kết quả là sau khi gặp ông Lee Jae Eun, các NĐT đã từ bỏ ý định đầu tư vào Everpia thông qua việc mua lại cổ phiếu từ các cổ đông hiện hữu như chúng tôi.

Ngay từ khi biết các cổ đông hiện hữu muốn thoái vốn tại Everpia, ông Lee Jae Eun đã đề xuất với nhóm cổ đông này rằng, sẽ tìm người mua giúp cho họ.

Ông Lee Jae Eun đã dàn xếp người gặp từng cổ đông để đàm phán mua lại cổ phiếu với giá thấp hơn giá trị sổ sách. Khi RRH không chấp thuận mức giá và hành vi dàn xếp này, ông Lee Jae Eun đã có những hành động trả đũa như không cung cấp thông tin về hoạt động kinh doanh và tình hình cổ đông của Công ty, gần đây nhất là tuyên bố rằng, sẽ khiến cho Everpia không trả cổ tức trong vòng 5 năm tới.

Các ông đã cáo buộc thành viên HĐQT Everpia có những hành vi vi phạm pháp luật. Đâu là những bằng chứng để đưa ra các cáo buộc như vậy?

Chúng tôi đã có báo cáo những vi phạm của ông Lee Jae Eun lên Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và Tòa án nhân dân TP. Hà Nội. Dưới đây là một số hành vi thao túng ban đầu mà chúng tôi thu thập được trong thời gian vừa qua.

Ông Lee Jae Eun đã chỉ định 12 người Hàn Quốc nắm giữ các chức danh quan trọng trong Everpia, mà nhiều vị trí không cần thiết phải do người Hàn Quốc nắm giữ. Nhiều thành viên HĐQT, Ban kiểm soát Everpia cũng là người Hàn Quốc và là anh em, họ hàng, bạn bè của ông Lee Jae Eun.

Mặc dù tình hình kinh doanh khó khăn, giảm sút từ năm 2012, nhưng ông Lee Jae Eun đã tăng lương, thưởng cho chính mình và Ban giám đốc, trong đó đa phần là người Hàn Quốc.

Việc tăng lương này không được HĐQT Everpia thông qua theo quy định của pháp luật. Ông Lee Jae Eun còn cho thành viên Ban giám đốc vay tiền của Công ty mà không được phê duyệt bởi HĐQT và ĐHCĐ, trái quy định của pháp luật.

Chúng tôi muốn nhấn mạnh rằng, tất cả các thông tin về sai phạm trong quản lý và điều hành Công ty của ông Lee Jae Eun nêu tại đây đều được chúng tôi thu thập từ báo cáo thường niên, báo cáo tài chính của Everpia, hoàn toàn không liên quan gì đến bất kỳ thành viên HĐQT nào của Everpia.

Chúng tôi có những nghi vấn về việc ông Lee Jae Eun và vợ là thành viên HĐQT và cổ đông lớn của một công ty được thành lập tại Hàn Quốc là một trong những nhà cung cấp chính cho Everpia, nhưng ông Lee Jae Eun che giấu, không công bố thông tin về mối quan hệ này theo quy định của Luật Doanh nghiệp và Luật Chứng khoán.

ơn nữa, các giao dịch với nhà cung cấp này đã không được phê duyệt bởi HĐQT Everpia một cách hợp lệ, dẫn đến khả năng có thể có các giao dịch không minh bạch giữa Everpia và công ty đó.

Chúng tôi đã chất vấn nhiều lần về các vấn đề này, nhưng đến nay chưa nhận được sự giải đáp rõ ràng từ ông Lee Jae Eun.

Công ty tại Hàn Quốc đó từng có tên là Everpia, sau đó đổi tên là EP International, website của Cục Xúc tiến thương mại, đầu tư Hàn Quốc (Korea Trade) tại thời điểm đó ghi rõ ông Lee Jae Eun là Chủ tịch EP International. Nhưng sau khi bị chúng tôi chất vấn tại ĐHCĐ Everpia năm 2015, trên website của Korea Trade, Chủ tịch EP International không còn là ông Lee Jae Eun.

Cũng tại ĐHCĐ năm 2015, khi chúng tôi chất vấn liệu ông Lee Jae Eun có liên quan hay sở hữu gì tại EP International hay không, ông Lee Jae Eun đã thừa nhận là nắm giữ 5% cổ phần tại đây.

Khi chúng tôi có nghi vấn về việc ông Lee Jae Eun sử dụng người đứng tên hộ để mua thâu tóm Everpia và yêu cầu cung cấp danh sách cổ đông, ông Lee từ chối cung cấp, mà không đưa ra bất kỳ giải thích nào và chỉ đến khi có yêu cầu của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước mới chịu thực hiện.

Nguồn Tin nhanh chứng khoán