Bí mật hang đồ cổ khổng lồ được chôn vùi dưới lòng đất

Trong một lần vào rừng, anh Tòng bỗng phát hiện hang đồ cổ khổng lồ được chôn vùi dưới lòng đất. Rất nhiều người dân hiếu kỳ đã tìm đến gia đình anh Tòng để “mục sở thị”.

Anh Phùng Giùn Tòng (1980), trú tại thôn Xuân Thượng (xã Đức Xuân, huyện Bắc Quang, tỉnh Hà Giang) từng là tâm điểm của dư luận một vùng sau khi đào được kho cổ vật dưới hang sâu đầu năm 2013. Với số lượng lên đến hàng trăm cân cổ vật, nhiều người nghi ngờ có thể là vật dụng của một bộ tộc hoặc của một làng bản nào đó được quy tụ lại, rồi chôn sâu dưới lòng đất trước đó đã vài thế kỷ.

Vào rừng tìm…cổ vật

Trò chuyện cùng chúng tôi, anh Tòng cho rằng việc anh may mắn tìm thấy đồ cổ là hoàn toàn tình cờ. Ban đầu anh chỉ vô tình tìm thấy cái chiêng cổ, nhưng rồi sau đó một người hàng xóm đào được hũ bạc của người xưa, đã thôi thúc anh ngược dòng kí ức ngày đó, quay trở lại và tìm thấy kho đồ cổ khổng lồ.

Bí mật hang đồ cổ khổng lồ được chôn vùi dưới lòng đất - 1

Bí mật hang đồ cổ khổng lồ được chôn vùi dưới lòng đất - 2

Một số cổ vật do anh Tòng đào được.

“Khi ấy vào khoảng đầu năm 1992, khi đó tôi vẫn còn chưa lập gia đình. Cái nghèo cứ bủa vây lấy gia đình tôi, để cải thiện bữa ăn hàng ngày,, tôi đã lên rừng đặt bẫy chuột dọc theo cánh rừng ở bản Xuân Đường. Sau nhiều ngày liên tục di chuyển bẫy, một hôm tôi tình cờ nhìn thấy một vật màu đen, bên trong đã phủ đầy đất. Thấy kỳ lạ tôi mang về cọ rửa thì phát hiện đó là một chiếc chiêng cổ của người xưa. Tuy nhiên, nghĩ là không có giá trị nên từ đó đến trước lúc tìm được kho cổ vật tôi cũng đã không đến đó nữa”, anh Tòng kể lại.

Khoảng tháng 2/2013, một người hàng xóm của anh tên Lý Văn Tòng vô tình đào được một hũ bạc cổ và bán được số tiền lớn. Anh chợt nhớ ra là ngày trước mình cũng đã từng tìm thấy đồ cổ là chiếc chiêng bằng đồng, trong đầu anh nghĩ rất có thể nếu trở lại tìm biết đâu sẽ khai quật được một kho đồ cổ lớn. Bởi thế, ngay sau đó, anh Tòng đã quyết tâm một mình quay trở lại nơi mà hơn 10 năm về trước anh đã tìm thấy chiếc chiêng cổ.

Quanh đi quẩn lại nơi trước đây từng đặt bẫy chuột, anh Tòng quan sát mọi ngóc nghách và phát hiện thấy một chiếc búa đinh bằng đồng kẹp giữa hai hòn đá. “Tôi cũng chỉ tìm một cách mơ hồ rồi thi thoảng thấy đàn dơi hạ cánh bay tọt vào một lùm cây. Thấy lạ, không có hang đá nào mà dơi lại bay xuống đó rồi lại không thấy ra nữa, nên tôi đã cầm dao phát quang khu vực đó thì phát hiện một chiếc búa đinh kẹp hai hòn đá lớn. Lúc đó tôi dùng đèn điện thoại soi vào đó mới ngạc nhiên nhìn thấy một kho cổ vật lồ lộ trước mắt”, anh Tòng đôi mắt đỏ rực khi nhớ đến ngày phát hiện thấy hang đồ cổ.

Hoang mang vì đồ cổ

Anh Tòng cho biết, sau khi tìm thấy hang đồ cổ, anh đã gọi thêm 7 người anh em trong nhà mang cuốc và xà beng lên cạy cửa hang để vào trong lấy đồ cổ về. Tuy nhiên, với số lượng quá lớn đồ cổ nên mấy anh em phải làm cáng để khiêng mới chuyển hết đồ về.

Theo anh Tòng, khối lượng đồ cổ ban đầu anh mới mang về nhà có thể lên đến hơn 200kg, vì phải mất đến 8 người khiêng mới hết. Một số bát sứ còn lại trong hang thậm chí anh còn để lại không mang về nữa vì quá nặng.

Bí mật hang đồ cổ khổng lồ được chôn vùi dưới lòng đất - 3

Anh Phùng Giùn Tòng kể chuyện đào được kho đồ cổ khổng lồ.

Ngay sau khi tin anh Tòng bỗng đào được đồ cổ, người dân trong làng đã nườm nượp đổ về nhà anh xem thực hư. Trước số lượng quá lớn của kho đồ cổ, một số người trong làng dự đoán, kho đồ cổ rất có thể là của cả một bộ tộc hoặc là đồ dùng của cả một làng bản, chứ nếu là một gia đình thì không thể nhiều đến thế.

Anh Tòng cũng cho biết, cách đây vài tháng, Phòng Văn hóa – Thể thao và Du lịch huyện Bắc Quang, Sở Văn hóa –Thể thao và Du lịch tỉnh Hà Giang, cùng Bảo tàng tỉnh cũng đã đến gia đình anh xem cổ vật. Theo đó, anh cũng đã kí kết văn bản sẽ không bán số đồ cổ còn lại để các cơ quan chức năng xem xét và có hướng thu hồi.

“Niềm vui đào được cổ vật là thế, nhưng gia đình tôi ai cũng lo lắng vì rất có thể cổ vật trong hang đã bị người ta yểm bùa. Ngay sau khi mang về, chúng tôi đã làm lễ giải hạn cho toàn bộ họ hàng anh em trong gia đình. Thêm vào đó, khi có đồ quý trong nhà, không ngày nào tôi được ngủ ngon giấc vì sợ kẻ trộm. Cho đến bây giờ, gia đình tôi đã mang số đồ cổ như thỏa thuận với cơ quan chức năng đem cất vào nơi an toàn”, anh Tòng chia sẻ.

Anh Mai Văn Dự, cán bộ văn hóa xã Đức Xuân cho biết, qua quá trình xem xét của các cơ quan chức năng cấp trên bằng văn bản và thực tế trước đó cho thấy, phần lớn những đồ vật mà anh Tòng nhặt được hầu như không có giá trị về mặt chất liệu, còn một số ít thì vẫn đang được cấp trên xem xét lại.

Những già làng ở vùng này cho biết, hơn một thế kỷ về trước, vùng đất này vốn là một nơi hẻo lánh chỉ có núi rừng trùng điệp, chứ hoàn toàn không có người dân sinh sống. Bởi thế, nếu đồ số cổ này thực sự có giá trị, thì rất có thể niên đại của chúng phải là vài thế kỷ trước đó rồi.

{fcomment}