Bộ trưởng GD-ĐT: Đổi mới nhưng không gây “sốc”

“Chúng ta tính toán đổi mới để học sinh phát triển thuận lợi, hoàn thiện hơn và không gây sốc”.

Đó là ý kiến của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận trong Chương trình “Dân hỏi-Bộ trưởng trả lời” phát sóng trên VTV, ngày 24/8.

Thưa Bộ trưởng, trong một lá thư gần đây của một em học sinh lớp 12 ở Trung tâm Giáo dục thường xuyên huyện Châu Đốc, tỉnh An Giang gửi Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam công khai trên mạng Internet đã được rất nhiều người ủng hộ. Xin được trích nguyên văn để Bộ trưởng cùng suy ngẫm:

“Chính Bộ GD-ĐT đã độc quyền sách giáo khoa, đã tạo ra một bộ sách giáo khoa với 3 điều khó: khó hiểu, khó để tự học và khó để vận dụng vào đời sống thực tế. Chính bộ sách “3 khó” này và kỳ thi 3 chung phân ban đã đẩy học sinh vào xu thế phải học lệch để tối ưu hóa cơ hội đỗ đại học, chấp nhận từ bỏ niềm vui khi khám phá tìm tòi tri thức”, Bộ trưởng nghĩ gì về ý kiến này?

Bộ trưởng Phạm Vũ Luận: Đây là một nhận định đúng. Chương trình và sách giáo khoa đang sử dụng được thiết kế và biên soạn theo tư duy là chú trọng truyền thụ kiến thức. Do vậy, tiêu chí lựa chọn kiến thức đưa vào chương trình giảng dạy ở phổ thông dựa vào vị trí, tầm quan trọng, mức độ phát triển của lĩnh vực khoa học.

Do cách thức thiết kế sách giáo khoa theo từng lĩnh vực khoa học, làm cho kiến thức dạy và học trong trường phổ thông mang tính hàn lâm và không gần cuộc sống. Dễ hiểu vì sao học sinh không tự học và hạn chế tính sáng tạo, tự học của học sinh.

Nghị quyết 29 đi đến quyết định chiến lược, chuyển nền giáo dục chú trọng truyền kiến thức một chiều sang chú trọng phát triển năng lực và phẩm chất, kiến thức, tri thức.

Nói về phân ban khối thi và “3 chung” (chung đề, chung đợt, chung kết quả xét tuyển), thì cách đây 40 năm, tôi đi thi đại học cũng đã thi theo khối và số lượng các khối thi lúc đó chưa nhiều như bây giờ.

Thi 3 chung xuất hiện cách đây hơn 10 năm, gần 20 năm từ thực tế thi theo khối do các trường đại học tự lo, dẫn đến luyện thi nặng nề. Lúc đó, Bộ GD-ĐT quyết định thay vì từng trường ra đề theo khối thi thì Bộ ra đề thi chung.

Nói như thế để thấy mấy chục năm nay, không thay đổi cách thi như thế thì không phù hợp với tình hình thực tiễn.

Bộ trưởng GD-ĐT: Đổi mới nhưng không gây “sốc” - 1

Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận.

Liên quan đến Đề án Đổi mới toàn diện, căn bản nền giáo dục nước nhà, một người dân có băn khoăn: “Học thế nào thì thi thế ấy. Tôi không biết năm 2015 Bộ có còn cho thi đại học tập trung nữa hay không, nhưng các cháu tôi từ cấp THCS đến nay đã được định hướng học và ôn thi đại học theo các khối A, B, C rồi. Chúng nó học lệch hết cả, giờ đổi mới toàn diện, mọi mặt ngay lập tức thì liệu các cháu tôi có đứt gánh giữa đường không?”.

Bộ trưởng Phạm Vũ Luận: Các ý kiến của xã hội trước bất kỳ sự thay đổi nào, đặc biệt ở lĩnh vực giáo dục đều khác nhau, trái chiều có và đều đúng cả.

Quan điểm của Bộ GD-ĐT là phải thay đổi, bởi những hạn chế hiện tại gây bức xúc, kìm hãm phát triển. Nhưng sự thay đổi không đột ngột, không gây khó cho học sinh, không căng thẳng xã hội và làm từng bước, căn bản, có lộ trình.

Một học sinh tên là Trần Hà Phương ở miền Trung có gửi thư về chương trình: “Kính thưa Bộ trưởng, cháu là một thí sinh vừa thi ĐH và không đậu nguyện vọng 1 vào trường dự thi. Năm nay, cháu định ở nhà ôn để năm sau thi tiếp nhưng cháu mới biết tin Bộ GD-ĐT sẽ đổi mới toàn diện giáo dục và việc thi cử từ năm sau, đặc biệt là không tổ chức thi ĐH nữa. Vậy những thí sinh muốn thi lại ĐH như cháu thì sẽ như thế nào? Kính mong Bộ trưởng có câu trả lời sớm để cháu xác định lại nên học nguyện vọng 2 hay năm tới thi lại. Xin Bộ trưởng làm rõ thông tin này?

Bộ trưởng Phạm Vũ Luận: Tất cả những thay đổi trong quá trình dạy và học, kiểm tra đánh giá thi cử trong năm học, đặc biệt là sự thay đổi trong kỳ thi tốt nghiệp THPT và kỳ thi đại học đều phải tính toán đến lợi ích của học sinh. Chúng ta tính toán đổi mới để học sinh phát triển thuận lợi, hoàn thiện hơn và không gây “sốc”.

Tôi đảm bảo rằng những ưu việt của kỳ thi tuyển sinh vừa qua sẽ được bảo lưu và những đổi mới của kỳ thi tới đây cũng theo lộ trình là học sinh sẽ thuận lợi hơn.

Ví dụ, trước đây học sinh thi 2 kỳ, giờ thi 1 kỳ. Bài làm trước đây theo hướng học thuộc lòng, giờ không phải học thuộc lòng.

Chúng tôi ý thức, nhà trường, các thầy cô giáo và cán bộ quản lý giáo dục phải nhận phần khó để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các cháu và phụ huynh học sinh.

Xin trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!

nguồn: 24h.com.vn


{fcomment}