Boeing, Walmart, Amazon muốn tìm nhà cung cấp ở Việt Nam

Boeing, Walmart, Amazon, IKEA, Decathlon và nhiều tập đoàn nước ngoài khác muốn tìm kiếm doanh nghiệp Việt tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu của họ.

Tại chuỗi sự kiện Kết nối chuỗi cung ứng hàng hóa quốc tế do Bộ Công Thương và UBND TP HCM tổ chức ngày 13/9, ông Lionel Adenot, CEO hãng đồ thể thao và dã ngoại Decathlon tại Việt Nam, cho rằng Việt Nam đang có cơ hội lớn để trở thành mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Cơ hội này có ý nghĩa lớn với doanh nghiệp nội địa trong bối cảnh thương mại quốc tế đối mặt nhiều thách thức như thiếu nguồn nguyên liệu thô, dư chấn của đại dịch vẫn kéo dài, ảnh hưởng đến nhu cầu và khả năng cung cấp hàng hóa.

"Chúng tôi đang tìm kiếm những nhà cung cấp tự chủ và tự lực để tin tưởng hợp tác", ông cho biết.

Tương tự, ông Oliver Langlet, Tổng giám đốc chuỗi bán lẻ Central Retail tại Việt Nam, đánh giá ngành sản xuất nội địa càng ngày phát triển tốt khi cho ra nhiều sản phẩm có chất lượng cao, đội ngũ lao động lành nghề. Theo ông, 30 năm qua, Việt Nam đã có bước tiến đáng kể về nguồn nguyên liệu thô, trở thành nơi có ngành công nghiệp chế biến phát triển mạnh mẽ.

Không riêng Central Retail hay Decathlon, nhiều tập đoàn tên tuổi toàn cầu như Walmart, Amazon, Boeing và AES (Mỹ), Carrefour... cũng mong muốn tìm kiếm nhà cung ứng Việt Nam, để tham gia chuỗi cung ứng của họ trên toàn cầu.

Tuy vậy, để tận dụng thời cơ tham gia chuỗi cung ứng, CEO Dacethlon Việt Nam khuyên các doanh nghiệp Việt sớm đưa hoạch định trong trung hạn, nhanh chóng thích ứng và thay đổi trước những xu hướng toàn cầu.

Thời gian hoàn thành đơn hàng ngắn, theo ông Adenot, sẽ là điểm cộng lớn. Điều này đòi hỏi nhà cung cấp phải có khả năng linh hoạt và ưu tiên sử dụng nguyên vật liệu địa phương, sử dụng năng lượng hiệu quả. Ông cũng lưu ý thêm, các chính sách giảm thiểu tác động tới môi trường cũng là tiêu chí quan trọng nếu muốn tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu, mà điều này đang được một bộ phận doanh nghiệp Việt thực hiện tốt.

Với góc nhìn của người điều hành ngành Công Thương, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nói phát triển thị trường xuất khẩu và xúc tiến thương mại là hai yếu tố góp phần quan trọng cho tăng trưởng kinh tế thời gian qua. Ông hy vọng sự góp mặt của loạt doanh nghiệp lớn từ 30 quốc gia và vùng lãnh thổ trong chuỗi sự kiện lần này sẽ hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam tham gia sâu hơn và thích ứng tốt hơn với chuỗi cung ứng toàn cầu.

Về phía TP HCM, Phó chủ tịch Võ Văn Hoan cho hay thành phố đang tích cực tham gia vào hội nhập kinh tế quốc tế, tập trung tháo gỡ khó khăn vướng mắc để doanh nghiệp phục hồi sau giai đoạn khó khăn. Thời gian tới, TP HCM sẽ tập trung tìm hiểu năng lực đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu của doanh nghiệp, từ đó có các hoạt động hỗ trợ, kết nối chuỗi cung ứng toàn cầu

Thành phố cũng sẽ chú trọng hỗ trợ doanh nghiệp kết nối các sàn giao dịch thương mại điện tử. Theo ông Hoan, đây là kênh phân phối giúp mở rộng thị trường xuất khẩu hiệu quả và tiết kiệm chi phí, nắm bắt nhanh xu hướng tiêu dùng.

Tại chuỗi sự kiện, 10 cuộc hội thảo chuyên đề và các diễn đàn doanh nghiệp giao thương sẽ được tổ chức. Hoạt động kết nối với các nhà phân phối, bán lẻ quốc tế sẽ được tập trung vào các ngành nghề mà Việt Nam có thế mạnh như thực phẩm, dệt may, giày dép, túi xách, đồ thể thao, đồ gia dụng, nội thất và công nghiệp hỗ trợ.

Tám tháng đầu năm nay, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam đạt hơn 435 tỷ USD, với cán cân nghiêng về xuất siêu hơn 20 tỷ USD. Tuy nhiên, giá trị xuất khẩu giảm 10% so với cùng kỳ năm trước, đạt gần 228 tỷ USD.

nguồn: Vnexpress