Chủ tịch PVI: “Vốn dưới 100 triệu USD chỉ bắt chuột nhỏ”

 Tại Hội nghị thường niên thị trường bảo hiểm năm 2015 tổ chức cách đây không lâu, ông Nguyễn Anh Tuấn, Chủ tịch HĐQT CTCP PVI (PVI Holdings), đồng thời là Chủ tịch HĐTV Tổng công ty Bảo hiểm PVI (do PVI Holdings nắm 100% vốn) là đại diện duy nhất của khối phi nhân thọ chia sẻ những trăn trở cũng như đề xuất một số giải pháp để ngành bảo hiểm Việt Nam nâng tầm khu vực.

Chủ tịch PVI: “Vốn dưới 100 triệu USD chỉ bắt chuột nhỏ”

Cũng bởi, năm 2014, Bảo hiểm PVI đã vươn lên dẫn đầu thị trường bảo hiểm phi nhân thọ Việt Nam, đứng đầu nghiệp vụ bảo hiểm hàng không bên cạnh việc tiếp tục duy trì nhà bảo hiểm công nghiệp số 1. Trước đó, vị Chủ tịch này là đại diện duy nhất của khối DN bảo hiểm dự lễ đánh cồng khai trương phiên giao dịch chứng khoán đầu xuân Ất Mùi trước sự chứng kiến của Thủ tướng Chính phủ.

Vốn điều lệ lớn nhất thị trường vẫn là nhỏ

Tại Hội nghị, với giọng nói sang sảng, cử chỉ mạnh mẽ, ông Tuấn gây ấn tượng với người nghe bởi hành động của ông toát lên khát vọng cháy bỏng và quyết tâm mãnh liệt là “vượt lên chính mình”.

“Cả Bảo hiểm Bảo Việt và Bảo hiểm PVI, vốn điều lệ đều chưa đến 100 triệu USD. Nếu vốn mãi nhỏ như vậy thì cũng chỉ là mèo nhỏ bắt chuột nhỏ”, ông Tuấn mở đầu câu chuyện thách thức của thị trường bảo hiểm phi nhân thọ bằng việc chỉ ra hạn chế về quy mô vốn, ngay cả với 2 “ông” được xem là lớn nhất thị trường. Bảo hiểm PVI hiện có quy mô vốn điều lệ lớn nhất thị trường với 2.100 tỷ đồng, sau khi tiến hành bổ sung vốn vào năm ngoái, còn Bảo hiểm Bảo Việt đang có vốn điều lệ 2.000 tỷ đồng. Nếu so với các DN bảo hiểm ở một số nước thì quy mô vốn này còn khiêm tốn.

“Mèo nhỏ bắt chuột nhỏ” ở đây có nghĩa là vốn nhỏ thì sẽ có những hạn chế trong hoạt động kinh doanh cũng như trong tiềm lực tài chính, năng lực bồi thường…,những chỉ tiêu được xem là quan trọng đối với hoạt động của một nhà bảo hiểm. Ngoài ra, vốn nhỏ cũng là một trong những thách thức nếu doanh nghiệp muốn thành công trong đánh giá xếp hạng quốc tế (rating).

“Chúng ta phải nhanh chóng thoát ra khỏi những hạn chế kể trên để xây dựng tiềm lực tài chính vững mạnh hơn”, ông Tuấn nói.

Thực tế, trong những năm gần đây, tăng vốn là chủ trương mang tính chỉ đạo của Bộ Tài chính và được các doanh nghiệp bảo hiểm lên kế hoạch triển khai. Tuy nhiên, nền kinh tế cũng như thị trường tài chính gặp khó khăn khiến việc thu hút vốn, đặc biệt là vốn ngoại đã khó lại càng khó hơn, khó với cả doanh nghiệp lớn. Có doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nhỏ, chật vật mãi mới bổ sung đủ vốn theo quy định (300 tỷ đồng).

Cũng có quan điểm cho rằng, phát triển tiềm lực tài chính “nói thì dễ nhưng làm mới khó”, nhất là trong bối cảnh nền kinh tế cũng như thị trường tài chính chưa hết khó. Thế nhưng, nếu nhìn vào các nấc thang tăng vốn dần đều của Bảo hiểm PVI thì mới thấy các DN bảo hiểm cần nỗ lực để vượt qua chính mình.

1.500 tỷ đồng vốn điều lệ năm 2011, 1700 tỷ đồng vốn năm 2012 và đến nay là 2.100 tỷ đồng, Bảo hiểm PVI đã tăng vốn như thế thông qua nguồn vốn được rót từ công ty mẹ là PVI Holdings sau khi phát hành thành công cho cổ đông chiến lược nước ngoài (Quỹ đầu tư Oman của Chính phủ Oman, tiếp đó Tập đoàn bảo hiểm Talanx của Đức).

Màn tăng vốn đầy ấn tượng của DN này trong bối cảnh thị trường tài chính những năm qua gặp khó đã khiến các chuyên gia trong ngành không khỏi thán phục. Tất nhiên, tăng vốn thành công thôi, đó mới là bước đầu, sử dụng đồng vốn được tăng thêm sao cho hiệu quả hay giữ vốn thành công (không bị cổ đông chiến lược bất ngờ đòi thoái vốn do bất thành trong kinh doanh) mới là điều DN bảo hiểm cần chạm tới.

Kinh doanh an toàn, hiệu quả, bền vững trong bối cảnh vốn ngày một nhiều, doanh thu thì ngày một tăng đang được một số DN bảo hiểm, trong đó có Bảo hiểm PVI đặc biệt coi trọng, xem đó là định hướng chiến lược trong mọi hoạt động của mình.

Mọi doanh nghiệp bảo hiểm nên cổ phần hóa và niêm yết

Liên tiếp tăng vốn và đạt mức vốn điều lệ cao nhất thị trường, nhưng với Chủ tịch Bảo hiểm PVI, 2.100 tỷ đồng mới chỉ là những bước đệm ban đầu. Công ty cần tăng vốn lên cao hơn nữa, bên cạnh “người anh em” PVI Re (do PVI Holdings nắm trên 50% vốn). Đó cũng là lý do Bảo hiểm PVI đang được lên kế hoạch cổ phần hóa trong tương lai gần.

Tính đến một nấc thang mới cho PVI cũng như ngành bảo hiểm, tại Hội nghị trên, ông Tuấn kêu gọi các doanh nghiệp bảo hiểm nên hướng tới việc cổ phần hóa và niêm yết trên sàn chứng khoán.

“Mọi doanh nghiệp bảo hiểm nên hướng tới việc cổ phần hóa và niêm yết trên sàn chứng khoán. Bộ Tài chính, Cục Quản lý và Giám sát bảo hiểm, với tư cách là đơn vị chủ quản cũng nên yêu cầu các doanh nghiệp bảo hiểm xây dựng lộ trình cổ phần hóa, lên sàn, tăng vốn, rating…, đi đôi với việc tăng cường kiểm tra, giám sát kết quả thực hiện”, ông Tuấn đề xuất.

Ở khía cạnh rating, tăng vốn chính là điều kiện cần để các doanh nghiệp bảo hiểm nâng cao khả năng thành công trong đánh giá xếp hạng quốc tế, qua đó đưa doanh nghiệp tiệm cận với các chuẩn mực quốc tế một cách công khai, minh bạch.

Tuy nhiên, quan trọng vẫn là tăng vốn để tăng cường năng lực tài chính nhằm nâng cao khả năng giữ lại, đồng thời phát triển mạng lưới, sản phẩm dịch vụ, tạo nguồn vốn đầu tư tài chính, đầu tư cơ sở vật chất…

Bởi vậy, những doanh nghiệp bảo hiểm đã được rating như Bảo hiểm PVI, PVI Re, Vinare, Samsung Vina vẫn có kế hoạch tăng vốn trong thời gian tới. Với các doanh nghiệp có kế hoạch rating như PJICO, ông Đào Nam Hải, Tổng giám đốc chia sẻ, Công ty phải ưu tiên tăng vốn trước rồi mới nghĩ đến rating.

Theo thống kê, trong năm 2014, có 8 doanh nghiệp bảo hiểm hoàn thành tăng vốn điều lệ, với tổng số tiền là 2.037,14 tỷ đồng. Tính đến cuối năm 2014, có 43/45 doanh nghiệp bảo hiểm đảm bảo an toàn về vốn theo quy định.

Vươn tầm khu vực

Tăng vốn, cổ phần hóa, niêm yết, rating, đó chính là những đầu việc phải làm liên quan đến quản trị doanh nghiệp để hướng tới mục tiêu vươn tầm khu vực, sau đó là hội nhập quốc tế, bên cạnh các thách thức cần giải quyết như trục lợi bảo hiểm, nâng cao năng lực cạnh tranh...

Ấn tượng với sức phát triển của thị trường bảo hiểm trong suốt 20 năm qua, nhưng ông Tuấn cũng cùng chung nhận định với các chuyên gia rằng, thị trường bảo hiểm Việt Nam vẫn còn quá nhỏ. Năm 2014, doanh thu phí bảo hiểm phi nhân thọ toàn thị trường ước đạt 27.307 tỷ đồng, tăng 11,36% so với năm 2013.

Doanh thu phí bảo hiểm gốc đạt trên 10 tỷ USD nêu trên, theo ông Tuấn, chưa bằng 1/10 doanh số của Công ty Allianz, một công ty bảo hiểm của Đức. Vì thế, vị Chủ tịch Bảo hiểm PVI cho rằng, thay vì tập trung vào việc cạnh tranh trong nước, các doanh nghiệp bảo hiểm nên hướng tới vươn ra thị trường khu vực và thế giới.

“Bảo hiểm PVI dù được đánh giá cao về mức độ tăng trưởng, nhưng với chúng tôi, kết quả đó vẫn chưa là gì. Nếu chúng ta không cùng sớm cải thiện, phát triển, thì sẽ gặp nhiều vấn đề”, ông Tuấn nói.

Cũng như tăng vốn, quan điểm vươn ra thị trường khu vực, thị trường quốc tế, rating hay cổ phần hóa, lên sàn chứng khoán… đều không phải quá mới lạ và ít nhiều đã được hiện thực hóa tại một số doanh nghiệp bảo hiểm. Thậm chí, quan điểm vươn ra thị trường khu vực và quốc tế có thể bị coi là hơi sớm khi thị trường trong nước còn khá tiềm năng, cần tập trung làm tốt, vững chân ở thị trường trong nước trước đã, lúc đó mới nên bước chân ra bên ngoài.

Tuy nhiên, trong tâm thế nhà bảo hiểm tiên phong thực hiện các ý tưởng mới, Bảo hiểm PVI đang chứng tỏ khát vọng “vượt lên chính mình” để không còn là “mèo nhỏ bắt chuột nhỏ”.

Nguồn Tin nhanh chứng khoán