Chuyện ông cựu chủ tịch xã hơn 15 năm theo đuổi vụ “án chồng án” Huỳnh Văn Nén

Trong vụ “đại án” Huỳnh Văn Nén đang được dư luận cả nước đặc biệt quan tâm, một trong những nhân chứng quan trọng là ông Nguyễn Thận (56 tuổi) - khi đó đang là Chủ tịch UBND xã Tân Minh (huyện Hàm Tân, tỉnh Bình Thuận). 

Chân  dung ông Nguyễn Thận.
Chân dung ông Nguyễn Thận.

Với dự cảm của một người từng làm trưởng CA xã và trước những chứng cứ buộc tội Huỳnh Văn Nén còn rất mơ hồ, ông Thận đã cùng Huỳnh Trung Nghĩa (anh rể Nén) và ông Huỳnh Văn Truyện (cha Nén) lặn lội nhiều lần ra Hà Nội, gặp gỡ nhiều người, nhiều cơ quan chức năng để đi tìm sự thật.

Nỗi ám ảnh ai giết bà Bông?

Gặp ông Thận ngay tại ngôi nhà mà ông sắp phải bán đi để lấy tiền trang trải cho các khoản nợ suốt hơn 15 năm ông đeo đuổi sự thật của Huỳnh Văn Nén, nhưng ông vẫn cười nói rất vui vẻ như vừa bắt được vàng.

Ông Nguyễn Thận cho biết: “Cảm xúc hiện tại của tôi là rất vui mừng vì đã tìm được sự thật, kháng nghị giám đốc thẩm của VKSND tối cao khiến tôi phấn khởi, có niềm tin vào cơ quan pháp luật, đặc biệt là VKSND tối cao. Tôi sẽ đi đến cùng, tới khi Huỳnh Văn Nén chính thức được minh oan. Đó là nguyện vọng thiết tha của tôi”.

Khi chúng tôi đặt câu hỏi, không thân thích gì với gia đình Huỳnh Văn Nén, sao ông lại bỏ cả 15 năm cuộc đời để giúp họ, ông Thận đáp: “Đối với tôi, tìm được sự thật và minh oan cho Huỳnh Văn Nén là điều mà tôi mong muốn suốt 15 năm qua và để chính tôi cũng tìm được niềm tin vào cuộc sống, tìm lại được sự tin tưởng vào cơ quan chức năng, đặc biệt là Viện KSND tối cao, và niềm tin vào công lý”.

Ông Thận cũng đã viết đơn gửi TAND tối cao và VKSND tối cao để kiến nghị làm rõ đơn tố cáo của Nguyễn Phúc Thành - người ngồi trong tù viết đơn kêu oan cho ông Huỳnh Văn Nén. Trong đơn, ông Thận cho biết: Trong quá trình công tác từ 1990 - 2003, với trách nhiệm là Chủ tịch UBND xã Tân Minh, tại địa bàn xã xảy ra hai vụ án giết người hết sức phức tạp và nghiêm trọng. Đó là vụ án vườn điều năm 1993 và vụ giết bà Lê Thị Bông năm 1998…

Sau khi nhận được đơn của Nguyễn Phúc Thành tố cáo Nguyễn Thọ và Hồ Văn Việt là thủ phạm giết bà Lê Thị Bông, chứ không phải là Huỳnh Văn Nén đang thi hành án chung thân được hơn 15 năm, UBND xã đã gửi công văn tới các cơ quan chức năng có thẩm quyền và tôi đã trực tiếp vào TPHCM gặp ông Nguyễn Xuân Phát - Phó Chánh án TAND tối cao xét xử phúc thẩm ở phía Nam và ông Đinh Thế Trạc - Viện trưởng Viện KSND tối cao xét xử phúc thẩm tại TPHCM.

“Từ lá đơn tố cáo không được giải quyết đó, với lương tâm, trách nhiệm của một người cán bộ, tôi cứ bị ám ảnh mãi bởi câu hỏi: Ai đã giết bà Bông? Chính vì vậy, suốt 15 năm qua, tôi vẫn mải miết đi tìm câu trả lời, cùng thân nhân gia đình Huỳnh Văn Nén giải oan cho ông Nén”, ông Thận nói.

Khi là Chủ tịch UBND xã Tân Minh, H.Hàm Tân (1990 - 2003) ông Nguyễn Thận đã trực tiếp chỉ đạo CA xã phối hợp với cơ quan chức năng thu thập tài liệu của 2 vụ án nghiêm trọng và qua quá trình đó, ông thấy có nhiều vấn đề bất cập trong quan điểm của CQĐT.

Chính vì vậy, lúc tiếp nhận đơn thư tố cáo của Nguyễn Phúc Thành, ông Thận đã trình tập thể ban thường vụ, sau đó viết văn bản gửi các cấp có trách nhiệm, làm rõ nội dung đơn thư tố cáo có đáng tin cậy không, để không bỏ lọt tội phạm và nhanh chóng minh oan cho ông Huỳnh Văn Nén.

Từ đó tới nay là 15 năm, ông Thận kiên trì theo đuổi và giúp ông Huỳnh Văn Truyện (cha ruột của Huỳnh Văn Nén) tới gặp luật sư bào chữa miễn phí ở Hà Nội. Mặc dù có những lúc bi quan, chán nản, bởi tờ trình gửi cơ quan bảo vệ pháp luật hơn 13 năm mà không ai tới hỏi, không có cơ hội minh oan cho ông Nén, tuy nhiên, cuối cùng tiếng “kêu cứu” đã được cơ quan chức năng để ý và dẫn tới kháng nghị giám đốc thẩm mới đây.

Bị nhồi máu cơ tim, vẫn đeo đuổi sự thật

Hiện ông Thận đang sinh sống một mình tại mảnh đất sắp không còn thuộc sở hữu của ông. Ông Thận ngủ rất ít. Ông ăn uống cũng rất ít. Trên cơ thể gầy còm chỉ có bộ râu kẽm là hằn rõ lên trên gương mặt gân guốc. Mỗi khi nói chuyện xúc động, ông lại vộc tay vào túi áo, lấy mấy viên thuốc màu hồng, tống thẳng vào miệng và nuốt. Ông Thận giải thích: “Đây là thuốc chống nhồi máu cơ tim, nó có tác dụng ngay lập tức!”.

Vốn bị bệnh nhồi máu cơ tim, nhưng ông không ngại ngùng, vẫn hăng hái ra Hà Nội cùng anh Huỳnh Trung Nghĩa (anh rể Nén), kêu oan cho Nén. Anh Nghĩa cũng đã phải bỏ cả công việc đưa cha vợ ra Hà Nội kêu oan cho em vợ. “Có lần xe đi ra tới Hà Tĩnh thì tim lên cơn đau đột ngột, anh Nghĩa đề nghị đưa tôi vào bệnh viện, nhưng vì cần đi gấp để kịp cuộc hẹn với luật sư và nhà báo tại Hà Nội, tôi cố gồng mình, dùng thuốc cá nhân “thủ” sẵn trong túi uống. Một lúc sau thấy đỡ, chúng tôi lại lên đường. Giờ nghĩ lại vẫn còn sợ!”, ông Thận vừa nói vừa nhoẻn miệng cười.

Anh Nghĩa kể: “Lúc đó tình thế cũng nguy cấp, chưa biết nên làm thế nào thì ông Thận đã tự xử lý được, nên chúng tôi lên xe đi tiếp, nhưng cảm giác thì vừa mừng, vừa lo. Sau này, khi nhận được bản kháng nghị giám đốc thẩm của VKSTC, tôi thấy những gian khổ trước đây của tôi, của anh Thận, của ông già hơn 90 tuổi Huỳnh Văn Truyện được đền đáp”.

Trước đó, khi biết tin 9 người trong vụ án “vườn điều” được trả tự do, ông Thận cũng đã bật khóc vì mừng. Từng là chủ tịch UBND xã Tân Minh hơn chục năm, khi cơ quan điều tra bắt giam những người trong 2 vụ án trên, ông Thận đã trực tiếp thảo công văn, ký tên, đóng dấu gửi đi khắp nơi để kêu oan giúp họ.

Chính ông Thận đã xin nghỉ phép để đưa cha ruột Huỳnh Văn Nén là ông Huỳnh Văn Truyện (90 tuổi) từ Cà Mau đi Hà Nội gõ cửa các cơ quan chức năng để kêu oan cho con trai. Để có chi phí, ông già 90 tuổi này đã phải cầm cố 6 công đất ở xã Thới Bình, huyện Thới Bình, Cà Mau lấy tiền cùng ông Thận ra Hà Nội.

“Tôi biết khi tôi làm đơn kêu oan cho những người dân chẳng thân thuộc, họ hàng là tự mang rắc rối vào người. Bởi suy cho cùng, khi minh oan được cho những người dân vô tội cũng đồng nghĩa với việc chứng minh sai phạm của những người từng cầm cân nảy mực. Đó là chưa nói đến việc, với kẻ thủ ác thật sự, tôi sẽ là cái gai trong mắt họ…”, ông Thận tâm sự.

Ở đây còn có câu chuyện buồn về những đứa trẻ là cháu nội, ngoại của bà Nguyễn Thị Lâm (mẹ vợ Huỳnh Văn Nén), khi cha, mẹ vướng vào vòng lao lý. Không chỉ lo kêu oan cho Huỳnh Văn Nén, ông Thận còn lo lắng cho con cháu của đại gia đình bị vướng vào án oan này. Cha đi tù, mẹ bỏ đi. Không thể để những đứa trẻ lăn lóc ngoài đời, ông Nguyễn Thận - Chủ tịch xã Tân Minh ngày ấy - đã đưa cả 7 đứa trẻ vào làng SOS (Gò Vấp, TPHCM). Có thời gian, 3 người con của Huỳnh Văn Nén đều được ông Thận đưa vào làng trẻ em SOS để sinh sống, những đứa trẻ lớn hơn thì phải tự bươn trải để sống.

Theo Dân trí

{fcomment}