Cổ phiếu cần quan tâm ngày 18/9

Đầu tư Chứng khoán trích báo cáo phân tích một số cổ phiếu cần quan tâm trước phiên 18/9 của các công ty chứng khoán.

 

Cổ phiếu cần quan tâm ngày 18/9

 

HSG: Khuyến nghị mua vào

CTCK FPT (FPTS)

Doanh thu thuần 9 tháng niên độ tài chính 13/14 đạt 10.966 tỷ đồng, tăng 28,1% so với cùng kỳ, hoàn thành 78,3% kế hoạch năm. Doanh thu tăng mạnh do sản lượng tiêu thụ tôn mạ và ống thép tăng 30,3% so với cùng kỳ.

Lợi nhuận sau thuế 9 tháng niên độ tài chính 13/14 đạt 281,5 tỷ đồng, giảm 47,7% so với cùng kỳ, hoàn thành 46,9% kế hoạch năm. Lợi nhuận giảm chủ yếu do biên lợi nhuận gộp trong 9 tháng niên độ tài chính 13/14 chỉ đạt 11,4% (cùng kỳ 2013 đạt 15,9%) và chi phí bán hàng tăng 150 tỷ đồng so với cùng kỳ.

10 tháng niên độ tài chính 13/14, HSG tiêu thụ 510.800 tấn tôn mạ, tăng 19,5% so với cùng kỳ. Đặc biệt, sản lượng tiêu thụ tháng 5 đạt mức cao kỷ lục với 59.600 tấn. Dự báo cả năm HSG tiêu thụ khoảng 604.000 tấn tôn mạ, tăng 17,8% so với cùng kỳ. Tiêu thụ ống thép trong 10 tháng niên độ tài chính 13/14 đạt 147.600 tấn, tăng 88,7% so với cùng kỳ. Dự báo cả năm HSG tiêu thụ khoảng 180.000 tấn ống thép, tăng 80% so với cùng kỳ.

7 tháng đầu năm 2014, HSG dẫn đầu thị phần cả nước về tôn mạ với 37,2%. HSG tạo ra vị thế vững chắc tại Việt Nam về dòng sản phẩm tôn mạ và bỏ xa các đối thủ cạnh tranh về thị phần. Đối với dòng sản phẩm ống thép, 7 tháng đầu năm 2013 HSG chỉ chiếm 12,8% thị phần cả nước, đứng thứ 3 sau HPG và SeAH VN, nhưng sản lượng tiêu thụ ống thép trong 7 tháng đầu năm 2014 đã có sự tăng trư ởng mạnh mẽ và HSG vươn lên dẫn đầu thị phần cả nước về ống thép với 19,9%.

Dự phóng kết quả kinh doanh 2014, HSG đạt 14.949 tỷ đồng doanh thu, tăng 27,1% so với cùng kỳ. Trong đó, doanh thu từ tôn mạ và ống thép lần lượt đạt 11.177 tỷ đồng và 3.060 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế ước đạt 400,1 tỷ đồng, đạt 66,7% kế hoạch năm. EPS forward 2014 ước đạt 4.150 VND/cổ phiếu.

Trong giai đoạn 2014-2016, chúng tôi dự phóng doanh thu mảng tôn mạ sẽ tăng trưởng với tốc độ 15,9-27,1%/năm nhờ đưa vào hoạt động giai đoạn 2 nhà máy tôn Hoa Sen Phú Mỹ. Giai đoạn 2017-2020, tốc độ tăng trưởng chậm lại và đạt 8,4-8,9%/năm. Tốc độ tăng trưởng dài hạn chúng tôi ước tính cho HSG là 4,7%/năm.

Công ty hiện có 138 chi nhánh và 6 tổng kho. Theo kế hoạch mở rộng, mỗi niên độ tài chính công ty sẽ có thêm 40 chi nhánh mới và đạt 314 chi nhánh vào niên độ tài chính 17/18. Doanh thu HSG qua hệ thống phân phối này chiếm 36,5% tổng doanh thu trong 9 tháng niên độ tài chính 13/14.

Định giá theo phương pháp FCFF

Chúng tôi sử dụng mô hình 3 giai đoạn (tăng trưởng nhanh, giai đoạn chuyển tiếp và tăng trưởng đều) để định giá Tập đoàn Hoa Sen. Trong đó, giai đoạn tăng trưởng nhanh NĐTC 14/16 (tăng trưởng doanh thu 15,9-27,1%/năm), giai đoạn chuyển tiếp niên độ tài chính 17/20 (tăng trưởng doanh thu 8,4-8,9%/năm) và tăng trưởng dài hạn từ niên độ tài chính 20/21 về sau đạt 4,7%/năm. Giá kỳ vọng trong 12 tháng tới đối với cổ phiếu HSG là 56.500 đồng/cp.

Với mức giá dự phóng cho 12 tháng tới theo phương pháp FCFF là 56.500 đồng/cp, cao hơn 28,4% so với giá thị trường 44.000 đồng (ngày 15/09/2014), chúng tôi khuyến nghị nhà đầu tư MUA cổ phiếu HSG vào danh mục để đầu tư trong trung và dài hạn.

PVT: Khuyến nghị nắm giữ

CTCK Vietcombank (VCBS)

PVT có tiềm năng tăng trưởng trong dài hạn với doanh thu vận tải năm 2018 có khả năng tăng 1,5 lần so với hiện tại nhờ:

(1) Nhà máy lọc dầu Dung Quất sau khi được sửa chữa bảo dưỡng định kỳ đã đi vào hoạt động trở lại với công suất tối đa (có thời điểm vượt công suất thiết kế). Trong khoảng 2,5 năm tới (cuối năm 2016-đầu 2017), Nhà máy lọc dầu Dung Quất mới phải bảo dưỡng lần tiếp theo. Năm 2018, Nhà máy lọc dầu Dung Quất sẽ được mở rộng với công suất lên tới 10 triệu tấn/năm (hiện tại là 6,5 triệu tấn năm).

(2) Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn sẽ đi vào hoạt động vào khoảng giữa năm 2017. PVN sở hữu 25% cổ phần tại đây và liên doanh với đối tác của Nhật Bản và Kuwait. Công suất Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn khoảng 10 triệu tấn năm. Tỷ lệ quyền vận chuyển giữa các đối tác vẫn chưa được đàm phán, nhưng phần vận chuyển của PVN sẽ do PVT đảm nhận. PVT dự định sẽ đầu tư 1 tàu 200.000-250.000 DWT để vận chuyển dầu thô cho Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn. Tuy nhiên do chi phí đầu tư tàu lớn (trên 100 triệu USD) nên PVT sẽ thuê tàu trong những năm đầu tiên.

(3) Từ tháng 7/2014, PVT bắt đầu mua than của Vinacomin và vận tải tới cho NM Nhiệt điện Vũng Áng. Hiện nay công ty đã thực hiện được 3 chuyến tàu. PVT ước tính doanh thu năm đạt 100 tỷ đồng, năm 2015 đạt 500 t đồng. Đội tàu hàng khô đang được PVT thuê ngoài. Năm 2015-2016, nếu hoạt động vận tải than đi vào ổn định, PVT có khả năng sẽ đầu tư thêm 1 tàu hàng khô 20.000 – 30.000 DWT.

(4) Cuối năm 2014, PVT có kế hoạch đầu tư thêm 1 tàu LPG, nâng tổng số đội tàu LPG lên 8 chiếc và góp phần giữ vững 90% thị phần chở khí LPG tại Việt Nam.

Ngoài ra, hoạt động FSO cũng sẽ tăng trưởng cao trong năm 2015 khi đến cuối năm 2014. PVT tiến hành xong việc hoán cải từ tàu chở dầu thô 105.000 DWT và bắt đầu chạy thử. Đến tháng 4/2015, kho nổi sẽ hoạt động chính thức tại mỏ Đại Hùng, thay thế cho FSO Kamari. Tàu Kamari có doanh thu khoảng 30.000 USD/ngày trong khi tàu hoán cải mới sẽ có doanh thu là 50.000 USD/ngày.

Một số thông tin đáng chú ý khác trong quý III/2014:

- Trong tháng 8/2014, PVT đã bán FSO Kamari và thu về khoản lợi nhuận khoảng vài chục tỷ đồng. Theo đó, nếu không có nhiều biến động, lợi nhuận quý III của PVT có thể đạt trên 100 tỷ đồng.

PVN đang sở hữu hơn 58% cổ phần tại PVT và đang có kế hoạch thoái 7% (khoảng 18 triệu CP) từ đây đến cuối năm. Công ty đang tìm đối tác để chuyển nhượng thỏa thuận số cổ phần này.

Chúng tôi kỳ vọng doanh thu năm 2014 có thể đạt 5.154 tỷ đồng (+4% với cùng kỳ năm ngoái, vượt 10% kế hoạch) và lợi nhuận sau thuế đạt 330 tỷ đồng (+5% so với cùng kỳ năm ngoái, vượt 142% kế hoạch) do (1) mảng vận tải trong 6 tháng cuối năm tiếp tục tăng trưởng tốt sau khi đội tàu chở dầu thô hoạt động trở lại và Nhà máy lọc dầu Dung Quất hoạt động hết công suất, PVT tăng được doanh thu vận tải từ tàu Mecury đi vào hoạt động cuối năm trước và công ty có được doanh thu từ vận tải than cho Nhà máy nhiệt điện Vũng Áng với kế hoạch đạt 100 tỷ đồng, (2) mỏ Đại Hùng dừng hoạt động ảnh hưởng không nhiều tới hoạt động khai thác dầu của PVT; doanh thu mảng này sẽ giảm khoảng 1/3 trong quý IV, (3) tỷ giá liên ngân hàng kỳ vọng sẽ được giữ bình ổn theo cam kết của NHNN và việc điều chỉnh từ đây đến cuối năm (nếu có) sẽ không quá 1%, (4) PVT bán FSO Kamari và thu về khoản lãi vài chục tỷ đồng.

Trong năm 2015, kết quả kinh doanh của PVT được dự báo sẽ tăng khoảng 10% khi (1) PVT thu được thêm khoảng 500 tỷ đồng doanh thu từ vận tải than, (2) doanh thu FSO tăng 66% khi tàu mới hoán cải được đưa vào sử dụng, (3) công ty đầu tư thêm 1 tàu LPG và doanh thu vận tải khí dự báo sẽ tăng thêm khoảng 100 tỷ đồng. Với thị giá hiện tại, chúng tôi ước tính P/E forward năm 2014 là đang ở mức 19x, P/E forward năm 2015 là 17x, tương đối cao. Trong ngắn hạn, PVT không còn là cổ phiếu hấp dẫn do thị giá hiện tại đã phản ánh nhiều kỳ vọng của thị trường về kết quả kinh doanh tốt trong năm nay. Tuy nhiên nhà đầu tư có thể cân nhắc NẮM GIỮ trong dài hạn với những triển vọng tăng trưởng nêu trên.

BCC: Khuyến nghị mua mạnh

CTCK BIDV (BSC)

Chúng tôi tiếp tục duy trì khuyến nghị MUA MẠNH trung và dài hạn cổ phiếu BCC như báo cáo trước đây ngày 09/12/2013 (link), và điều chỉnh tăng mức giá mục tiêu kỳ vọng 1 năm lên 18.035 đồng/cp (tăng 58,20% so với mức giá ngày 10/09/2014) dựa trên phương pháp định giá FCFF.

Như đã từng lạc quan với HT1 và cả ngành xi măng, chúng tôi đánh giá bức tranh lợi nhuận cũng như triển vọng của cổ phiếu BCC sẽ được cải thiện mạnh mẽ từ năm 2014. Thêm vào đó, BCC sẽ là trường hợp cổ phiếu có kết quả kinh doanh cải thiện đột biến nhờ yếu tố tỷ giá giống như HT1 và PPC. Với EPS 2014 được dự báo là 1.614 đồng, cổ phiếu BCC đang được giao dịch với PE forward 7,06x, thấp hơn khá nhiều so với PE của HNX hiện là 15,18x. Cụ thể:

(1) BCC sẽ sớm hoàn thành phân bổ lỗ chênh lệch tỷ giá trong giai đoạn đầu tư xây dựng dây chuyền mới: hiện khoản lỗ này còn khoảng 98,29 tỷ đồng, Công ty cho biết sẽ phân bổ 37 tỷ đồng mỗi quý trong năm 2014 để hoàn thành việc phân bổ này vào đầu năm 2015. Nếu không tính khoản trích lập này thì Lợi nhuận của BCC đã đột biến ngay từ năm 2014.

(2) BCC sẽ hưởng lợi chênh lệch tỷ giá với khoản nợ dài hạn còn lại do đồng EUR giảm giá: theo báo cáo kiểm toán bán niên, tính đến ngày 30/06/2014, BCC còn 64,61 triệu EUR nợ dài hạn. Hiện tại nhiều Ngân hàng lớn đã dự báo đồng EUR sẽ tiếp tục giảm giá, chúng tôi dự tính BCC sẽ có thêm khoản lãi tỷ giá khoảng 73 tỷ đồng trong năm 2014.

(3) Tiêu thụ xi măng nội địa của BCC tiếp tục duy trì ổn định và đứng vị trí thứ 4 cả nước (chỉ sau Holcim, Hà Tiên 1 và Nghi Sơn), theo Hiệp hội xi măng Việt Nam, tiêu thụ nội địa lũy kế đến 18/08/2014 của BCC đạt 1,96 triệu tấn, ủy thác xuất khẩu khoảng 400 nghìn tấn (lũy kế đến tháng 8) với giá 55 – 60 USD/tấn xi măng và 35 – 37 USD/ tấn clinker. Thị trường mới tại khu vực Quảng Ngãi phát triển nhanh với sản lượng tiêu thụ đạt 30.000 tấn/tháng (BCC mới bắt đầu phát triển thị trường này từ đầu năm nay).

Dự báo kết quả kinh doanh 2014: Chúng tôi dự báo doanh thu thuần 2014 sẽ đạt 4.838 tỷ đồng (+29,76% so với năm ngoái), lợi nhuận sau thuế công ty mẹ BCC đạt 154,41 tỷ đồng (trong khi cùng kỳ 2013 là -21,62 tỷ đồng), EPS 2014 đạt 1.614 đồng/cp và tăng đột biến lên mức 3.253 đồng/cp vào năm 2015 khi công ty đã hoàn thành nghĩa vụ phân bổ lỗ tỷ giá (tỷ giá VND/EUR được tính chéo theo tham khảo dự báo USD/EUR và VND/USD của của Credit Suisse Group, BNP Paribas và Standard Chartered).

TÍCH LŨY cổ phiếu PVD trong DÀI HẠN

CTCK Rồng Việt (VDSC)

So với khu vực, Tổng CTCP Khoan và dịch vụ khoang dầu khí (PVD) là một doanh nghiệp tương đối trẻ trong ngành khoan và khai thác dầu khí nhưng đã đạt được những bước tiến đáng kể trong thời gian qua.

Đặc biệt, chúng tôi đánh giá cao việc liên doanh với các đối tác nước ngoài không chỉ góp phần vào lợi nhuận mà còn giúp nâng cao năng lực kỹ thuật và tiềm năng phát triển trong tương lại của doanh nghiệp.

Trong nửa cuối năm 2014, chúng tôi tin rằng triển vọng lĩnh vực hoạt động của PVD vẫn tiếp tục tích cực nhờ định hướng chung của Tập đoàn đối với hoạt động khai thác thượng nguồn. Các giàn đang hoạt động tiếp tục gia hạn hợp đồng cho năm 2015-2016, đồng thời giàn PV Drilling VI dự kiến đi vào hoạt động trong tháng 3/2015.

Ngoài ra, PVD cũng đang nghiên cứu đầu tư thêm giàn PV Drilling VII nhằm tận dụng cơ hội đến từ sự sôi động của hoạt động khai thác và thăm dò dầu khí tại khu vực Đông Nam Á, bao gồm Việt Nam.

Chúng tôi ước tính doanh thu và lợi nhuận sau thuế cho năm 2014 của Công ty đạt lần lượt 19.000 tỷ đồng và 2.342 tỷ đồng (tăng 28,5% và 24,4% so với năm 2013). Trong năm sau, chúng tôi cho rằng công ty có thể duy trì được mức tăng khá, khoảng 15% về doanh thu và 18,5% về lợi nhuận.

Hiện tại, P/E của các công ty cùng ngành trong khu vực đang ở mức 15,77x trong khi PVD đang giao dịch với P/E chỉ khoảng 12,52x. Tuy nhiên, chỉ số PEG của công ty đang ở mức 1,13 (lớn hơn 1 và cao hơn mức bình quân của ngành trong khu vực đang có chỉ số PEG ở mức 0,78). Do đó, chúng tôi cho rằng, sự tăng trưởng của PVD trong quá khứ vẫn chưa tương xứng với mức định giá P/E kỳ vọng, nên chúng tôi thực hiện chiết khấu P/E và P/B kỳ vọng đối với cổ phiếu PVD về lần lượt 13,6x và 2,2x.

Với lập luận trên, chúng tôi đưa ra khuyến nghị TÍCH LŨY cổ phiếu PVD trong DÀI HẠN với giá mục tiêu 122.000 đồng/cp.

MBB: Nhiều yếu tố ảnh hưởng đáng kể đến lợi nhuận 6 tháng cuối năm

CTCK MB (MBS)

Ngân hàng TMCP Quân đội (MBB) đã trở thành một trong những ngân hàng TMCP hàng đầu tại Việt Nam với vốn điều lệ đạt 11.256 tỷ đồng.

MBB có mối quan hệ tốt với các doanh nghiệp nhà nước, đặt biệt là các doanh nghiệp quốc phòng. Nhờ đó, MB có cơ sở khách hàng cho vay và huy động ổn định, đảm bảo được các mục tiêu tăng trưởng tín dụng và huy động.

MBB là ngân hàng cổ phần đầu tiên hoàn thành và áp dụng việc xây dựng hệ thống xếp hạng tín dụng nội bộ. Với việc áp dụng chuẩn mức phân loại nợ thận trọng nên nợ xấu của MB được đánh giá tốt hơn so với các Ngân hàng TMCP khác. Tỷ lệ dự phòng nợ xấu của MB luôn ở mức cao trên 80% trong những năm gần đây.

Trong 6 tháng đầu năm 2014, hoạt động kinh doanh của MBB là khả quan. Tăng trưởng tín dụng của MB đạt 7,8% trong 6 tháng đầu năm 2014, vượt trội so với tăng trưởng chung của toàn ngành là 3,62%. Tăng trưởng huy động đạt 15.9%. Lợi nhuận sau thuế đạt 1.338 tỷ đồng.

Tuy nhiên, nợ xấu nhóm 3-5 tăng mạnh, đạt 2.914 tỷ đồng, tăng 35.8% so với đầu năm. Trong đó, nợ nhóm 5 (nợ có khả năng mất vốn) tăng 21,5%, nợ nhóm 3 tăng 80%. Lãi suất cho vay giảm nhanh hơn lãi suất huy động làm cho thu nhập lãi thuần nhiều khả năng sẽ giảm trong thời gian tới.

Tỷ số dư nợ trên tiền gửi (LDR) giảm xuống chỉ còn 56%, so với mức trung bình chung của ngành là 75-85%. Chúng tôi đánh giá, các yếu tố trên sẽ ảnh hưởng đáng kể đến lợi nhuận của MBB trong 6 tháng cuối năm.

CDC: Đáng được xem xét đầu tư dài hạn

CTCK Maybank KimEng (MBKE)

Kế hoạch lợi nhuận trước thuế 2014 được đặt ra ở mức 10 tỷđồng, tăng mạnh hơn 3,5 lần so với năm 2013. Kế hoạch này chủ yếu đến từ các hoạt động kinh doanh chính của Công ty như xây lắp, dự án và cho thuê văn phòng. Ngoài ra, Công ty cũng kỳ vọng một phần doanh thu của Dự án Tân Hương sẽ được ghi nhận trong năm nay.

Có thể nói, thị trường bất động sản được kỳ vọng sáng hơn trong năm 2014 nhờ gói hỗ trợ30.000 tỷ đồng giải ngân nhanh hơn. CDC cho biết, được vay 120 tỷ đồng từ gói này, hỗ trợ kế hoạch bán hàng dự án nhà ở xã hội Chương Dương Home.

Chúng tôi đánh giá tiềm năng dài hạn của CDC khá tốt khi Công ty đang trong quá trình tái cơ cấu nguồn vốn nhằm giảm tối đa gánh nặng chi phí lãi vay. CDC cũng kỳ vọng khoản vay từ ADB sẽ được duyệt trong năm sau.

Chúng tôi cho rằng, cổ phiếu CDC đáng được xem xét đầu tư dài hạn vì ngoài việc cổ phiếu CDC đang giao dịch ở mức P/B thấp (0,5 lần), mức tỷ suất cổ tức kỳ vọng cao (khoảng 12,5%). Công ty cho biết, năm nay phấn đấu trả cổ tức 10% (kế họach ĐHCĐ là 5%).

T.Thúy

nguồn: Tinnhanhchungkhoan.vn


{fcomment}