Cổ phiếu cần quan tâm ngày 24/9

Đầu tư Chứng khoán trích báo cáo phân tích một số cổ phiếu cần quan tâm trước phiên 24/9 của các công ty chứng khoán.

 

Cổ phiếu cần quan tâm ngày 24/9

 

CVT: Khuyến nghị mua mạnh

CTCK BIDV (BSC)

Chúng tôi khuyến nghị MUA MẠNH cổ phiếu CVT với giá kỳ vọng 12 tháng tới là 45.700 đồng/cp (upside 76%) theo 2 phương pháp định giá P/E và FCFF. Chúng tôi đánh giá mặc dù thị giá của CVT đã tăng nhiều trong thời gian gần đây, giá hiện tại vẫn chưa phản ánh đúng giá trị thực và tiềm năng tăng trưởng của doanh nghiệp.

Triển vọng trung hạn của doanh nghiệp đang có các yếu tố chuyển biến rõ rệt. Ngành sản xuất gạch ốp lát có dấu hiệu phục hồi 6 tháng đầu năm 2014 nhờ thị trường bất động sản đang ấm lại tại phía Bắc, và tiếp tục tăng vào cuối năm khi các công trình đến giai đoạn hoàn thiện. CVT có hiệu quả kinh doanh tốt thể hiện qua tăng trưởng doanh thu với dòng tiền từ hoạt động kinh doanh thuần lớn.

Dòng tiền 2013 dương so với cùng kỳ 2012 âm, cộng với dòng tiền 6 tháng 2014 tăng 67% so với cùng kỳ. Chúng tôi dự kiến doanh thu, lợi nhuận công ty sẽ tăng đột biến 6 tháng cuối năm 2014 và tiếp tục tăng trưởng từ năm 2015 nhờ:

(1) Nhà máy 1 đang vận hành 110% công suất và sẽ hết khấu hao vào cuối năm 2014 CVT được hưởng lợi ít nhất 6 tỷ đồng năm 2014 và khoảng 20 tỷ đồng từ năm 2015.

(2) Nhà máy 2 chuyển sang sản xuất gạch Granite có biên lợi nhuận gộp cao hơn nhiều so với gạch Ceramic, trong khi tiêu thụ gạch Granite tăng trưởng tốt. Nhà máy 2 đang vận hành với công suất khoảng 70%.

(3) Dự án Nhà máy 2 mở rộng và tăng vốn 1:1. Chúng tôi cũng lưu ý, theo tính toán của chúng tôi, nếu dự án xây dựng dây chuyền giai đoạn 2 thành công như giai đoạn 1, dự án sẽ mang lại 24 tỷ đồng dòng tiền mỗi năm.

Dự báo kết quả kinh doanh 2014. Theo thông tin từ phía doanh nghiệp, tiêu thụ gạch đang khá khả quan với tốc độ bán hàng khoảng 70 tỷ đồng/tháng, lợi nhuận trước thuế 9 tháng dự kiến là 40 tỷ đồng, bằng 95% kế hoạch cả năm. Chúng tôi dự báo năm 2014, doanh thu thuần đạt 731 tỷ đồng (+23% so với cùng kỳ năm ngoái), lợi nhuận sau thuế đạt 44 tỷ đồng (+136% so với cùng kỳ năm ngoái) vượt kế hoạch, tương đương EPS là 5.815 đồng/cp. Giá cổ phiếu CVT hiện tại chỉ tương đương với P/E FW 2014 là 4,47 lần.

>> Tải báo cáo

JVC: Hưởng lợi nhờ nhiều hợp đồng chuyển sang từ năm 2013

CTCK BIDV (BSC)

Chúng tôi đã tham dự ĐHCĐ bất thường và cập nhật lại triển vọng kết quả kinh doanh 2014 và kế hoạch phát hành của JVC như sau:

Kết quả kinh doanh: Theo thông tin từ ban lãnh đạo công ty, JVC đã vượt qua giai đoạn khó khăn nhất trong năm 2013, kết quả kinh doanh tăng trưởng vượt bậc trong năm 2014. Cụ thể, quý II/2014, doanh thu ước tính đạt 300 tỉ đồng (gấp 3 lần cùng kỳ 2013), lợi nhuận sau thuế đạt 60 tỉ đồng (gấp 6 lần cùng kỳ 2013).

Kế hoạch kinh doanh năm 2014, doanh thu đạt 905 tỉ đồng (+52%), lợi nhuận sau thuế đạt 140 tỉ đồng (+233%). Trong đó, đang chú ý, năm 2014, JVC được hưởng lợi từ việc thực hiện nhiều hợp đồng chuyển sang từ năm 2013. Lĩnh vực bán thiết bị y tế dự kiến vượt kế hoạch 48%, đạt 767 tỉ đồng. Chúng tôi lưu ý, kế hoạch kinh doanh này của công ty được thực hiện dựa trên kết quả dự toán 12 tháng (tính từ 1/4/2014 tới 31/3/2015).

ĐHCĐ bất thường 2014 thông qua việc miễn nhiệm thành viên hội đồng quản trị đối với ông Mark Gerald Gillin (đại diện quỹ Indochina Development Partners L.P- chiếm 4,24%). Theo thông tin chúng tôi được biết, quỹ này dự định sẽ thoái vốn khỏi JVC trong năm nay.

Kế hoạch phát hành: ĐHCĐ bất thường 2014 thông qua kế hoạch phát hành 50.000.076 cổ phiếu, giá phát hành là 15.000 đồng. Thời hạn đăng ký và nộp tiền đối với cổ đông dự kiến vào ngày 21/10/2014-21/11/2014. Sau thời gian trên, Hội đồng quản trị sẽ chịu trách nhiệm phân phối hết số cổ phiếu chưa được cổ đông đăng ký mua.

Kế hoạch đầu tư:

JVC dự kiến mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh trên các lĩnh vực: (1) xe khám lưu động, (2) đầu tư liên kết; (3) trung tâm y khoa kỹ thuật cao; (4) Tổng thầu vật tư tiêu hao. Đây đều là những lĩnh vực được công ty đánh giá là có nhu cầu cao, tiềm năng tăng trưởng lớn trong tương lai. JVC là người đi đầu trong các mảng hoạt động này. JVC ước tính hoạt động đầu tư mới sẽ đóng góp 290 tỉ đồng doanh thu và 106 tỉ đồng lợi nhuận sau thuế vào năm 2015 cho công ty.

Tổng nhu cầu vốn đầu tư dự kiến: 1.008 tỉ đồng, trong đó, JVC dự kiến huy động từ phát hành cổ phiếu là 750 tỉ đồng, phần còn lại sẽ sử dụng vốn vay.

(1) Xe khám:

- Hiện công ty có 30 xe khám (mô hình xe bus), trong đó 11 xe đã đi vào hoạt động ổn định. Doanh thu mảng xe khám lưu động năm 2013 là 15,3 tỉ đồng. Biên lợi nhuận thuần cao, đạt 52% (cao hơn so với mảng bán hàng hiện tại).

- Đầu tư thêm 100 xe khám (mô hình xe container), tổng vốn đầu tư dự kiến: 140 tỉ đồng. So với mô hình xe bus, ưu điểm của mô hình xe container mới là vốn đầu tư thấp (1,2-1,4 tỷ đồng so với 4,5 tỉ đồng của mô hình xe buýt cũ) và thời gian hoàn vốn nhanh (1,5-2 năm so với 3-4 năm của mô hình cũ).

- Đây là mảng có nhu cầu thị trường lớn với hơn 371 khu công nghiệp và 7,2 triệu công nhân trên cả nước. JVC có lợi thế là công ty duy nhất trong nước triển khai mảng xe khám lưu động này và có mối quan hệ thân thiết với các công ty Nhật Bản (đây là đối tượng khách hàng chính, với mức độ trung thành cao, tạo ra nguồn doanh thu ổn định cho JVC). Mục tiêu của công ty là mở rộng thị trường ra các khu công nghiệp miền bắc và miền Nam, đặc biệt là tại các tỉnh Bình Dương và Thành phố Hồ Chí Minh (Tính tới thời điểm hiện tại, JVC cho biết công ty đã thắng thầu tại 718 công ty tại Bình Dương và thành phố Hồ Chí Minh).

(2) Đầu tư liên kết:

Nhu cầu đầu tư liên kết lớn: Nhu cầu khám chữa bệnh tại các bệnh viện hiện đang quá tải. Theo tính toán của JVC, thị trường Việt Nam hiện có nhu cầu đầu tư liên kết 3.677 thiết bị chuẩn đoán hình ảnh; 771 thiết bị sinh hóa. Trong hoạt động này, JVC được hưởng 70% từ phí khám dịch vụ.

- Thiết bị chuẩn đoán hình ảnh: JVC hiện có 44 khách hàng tiềm năng, trong đó có 21 bệnh viện đã thương thảo thành công. Tổng nhu cầu vốn là 426 tỉ đồng.

- Thiết bị sinh hóa: đầu tư 46 máy (đáp ứng 5,97% nhu cầu) tại 18 bệnh viện. Tổng nhu cầu vốn 69 tỉ đồng.

(3) Trung tâm y khoa kỹ thuật cao:

- Tổng vốn đầu tư dự kiến: 316 tỉ đồng tại 3 bệnh viện là Bệnh viện 115 (đã hoàn thành, dự kiến khai trương tháng 9/2014) , Bệnh viện Gia Định ( đang cài thiết bị, dự kiến khai trương tháng 11/2014) và Bệnh viện 7A (dự kiến hoàn thành tháng 1/2015). JVC đánh giá đây là dự án mang lại nhiều doanh thu và lợi nhuận cho công ty do nhu cầu chuẩn đoán hình ảnh và xét nghiệm tại 3 bệnh viện trên đều đã quá tải (trên 40%).

- Đây là dự án đầu tư mới với JVC. Theo đó, JVC sẽ mở các trung tâm y tế kỹ thuật cao trong khuôn viên các bệnh viện (đầu tư cơ sở hạ tầng và toàn bộ máy móc thiết bị cần thiết trong khám chữa bệnh, cử kỹ thuật viên đến khám). Khám chữa bệnh và thu phí từ dịch vụ khám chữa bệnh của mình.

- Theo tính toán của JVC, hoạt động của các trung tâm này sẽ góp phần giảm tải tình trạng quá tải trong các bệnh viện (25% bệnh nhân quá tải tại bệnh viện công trong ngày thường và 100% bệnh nhân vào cuối tuần). Do có liên kết với các bệnh viện, sau khi khám tại các trung tâm của JVC, bệnh nhân (nếu có nhu cầu chữa bệnh trong bệnh viện) sẽ được chữa bệnh mà không phải tái khám như khám tại các phòng khám ngoài bệnh viện).

(4) Tổng thầu vật tư tiêu hao:

- Đây là dự án đầu tư mới đối với JVC. Công ty dự kiến góp vốn liên doanh với một đối tác Nhật Bản, thành lập công ty SPD, trong đó, JVC chiếm 51% vốn, tương đương 215 tỉ đồng.

- Đây là mô hình đã rất thành công ở Nhật. Công ty SPD cung ứng giải pháp tổng thể cho các bệnh viện. Hiện nay, một bệnh viện sẽ phải lựa chọn, làm việc rất nhiều nhà cung cấp (khoảng 300 nhà cung cấp). Theo mô hình mới, Công ty SPD sẽ đứng ra là một nhà cung ứng trung gian giữa bệnh viện và các nhà cung ứng khác giúp bệnh viện tiết kiệm chi phí quản lý, vận hành và được hưởng lợi từ giá rẻ do mua tập trung với khối lượng lớn. Kế hoạch này hiện đang được rất nhiều bệnh viện hưởng ứng, ủng hộ.

- Năm 2015, công ty dự kiến sẽ thử nghiệm mô hình này tại 2-3 bệnh viện. Dự kiến, thử nghiệm mô hình tại 10 bệnh viện (2 bệnh viện nhà nước và 2 chuỗi bệnh viện tư nhân gồm 8 bệnh viện con).

DHG: Lợi nhuận sẽ tăng mạnh từ quý I/2015

CTCK BIDV (BSC)

Triển vọng tăng trường từ 2 nhà máy mới

Chúng tôi đã gặp DN và cập nhật lại triển vọng kết quả kinh doanh 2014. DHG là doanh nghiệp dược phẩm dẫn đầu các doanh nghiệp dược niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam về quy mô vốn, năng lực sản xuất, cũng như doanh thu, lợi nhuận. DHG đứng thứ 3 trong số 5 công ty dược có thị phần lớn nhất tại Việt Nam. Công ty luôn giữ được tốc độ tăng trưởng cao (trên 20%), cao hơn tăng trưởng trung bình ngành.

Chúng tôi cho rằng DHG sẽ tiếp tục duy trì được tốc độ tăng trưởng doanh thu, lợi nhuận cao sau khi 2 nhà máy mới (Betalactam và Nonbetalactam) đi vào hoạt động ổn định.

Kết quả kinh doanh 8 tháng đầu năm 2014: Doanh thu thuần: 2.315,6 tỉ đồng, tăng 15,4% so với cùng kỳ năm ngoái (đạt 60% kế hoạch năm). Trong đó, doanh thu hàng sản xuất đạt 2.118,7 tỉ đồng, tăng 18,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Doanh thu hàng kinh doanh đạt 184,4 tỉ đồng, giảm 10,03% do năm 2014 DHG không còn phân phối hàng Eugica. Lợi nhuận trước thuế là 469,4 tỉ đồng, giảm 11,2% so với cùng kỳ năm ngoái (đạt 68% kế hoạch năm).

Nếu loại trừ thu nhập bất thường từ thương vụ chuyển nhượng Eugica ra khỏi hoạt động sản xuất kinh doanh năm 2013, lợi nhuận trước thuế đạt 445 tỉ đồng, tăng 19,7% so với cùng kỳ năm ngoái.

Dự báo kết quả kinh doanh: Chúng tôi đánh giá, doanh thu thuần của DHG năm 2014 đạt khoảng 4.066 tỉ đồng, tăng 15% so với năm 2013. Lợi nhuận sau thuế đạt 549 tỉ đồng, giảm 7% so với năm 2013 do không còn khoản lợi nhuận bất thường từ chuyển nhượng thương hiệu Eugica như năm 2013.

Hiện cổ phiếu DHG đang được giao dịch tại mức P/E là 12,63x và P/B là 3,89x. Chúng tôi cho rằng, các yếu tố cơ bản hiện đã được phản ánh vào giá cổ phiếu DHG. Chúng tôi kỳ vọng lợi nhuận của công ty sẽ tăng mạnh từ quý I/2015 khi nhà máy mới được khấu trừ thuế.

Theo ước tính của chúng tôi, năm 2015, với thuế suất thu nhập doanh nghiệp nhà máy mới là 0% sẽ giúp công ty tiết kiệm hơn 70 tỉ đồng tiền thuế TNDN. Trong 4 tháng cuối năm, công ty dự kiến tạm ứng cổ tức đợt 1 năm 2014 bằng tiền mặt 10-15% cho cổ đông.

(1) Sản xuất:

DHG hiện có hai nhà máy mới là Nonbetalactam và Betalacam tại khu công nghiệp Tân Phú Thạnh, tỉnh Hậu Giang, cách nhà máy hiện tại và trụ sở công ty khoảng 15 km. Dự kiến, tổng công suất các nhà máy của DHG tăng lên khoảng 9 tỉ đơn vị sản phẩm/năm, tăng gấp đôi so với công suất quý I/2014. Theo kế hoạch của công ty, khoảng 80% công suất các xưởng 1,2 và 5 sẽ được chuyển qua sản xuất tại nhà máy mới.

Tháng 4/2013, nhà máy Nonbetalactam đi vào hoạt động, công suất 4 tỉ viên. Theo thông tin từ phía công ty, nhà máy mới hiện được sản xuất song song với nhà máy hiện tại. Năm 2014, 62% công suất các xưởng 1 và 5 sẽ được chuyển sang nhà máy Nonbetalactam mới.

Năm 2015, dự kiến máy mới sẽ hoạt động với 70-75% công suất (tương đương 2,8 tỉ đơn vị) và lấp đầy công suất vào khoảng năm 2018. Nhà máy Betalactam dự kiến hoàn thành vào tháng 12/2014. T

uy nhiên, do phải mất thời gian xin chứng nhận GMP đối với nhà máy và xin cấp visa đối với các sản phẩm sản xuất tại đây nên theo ước tính của chúng tôi cũng phải đến quý 2/2015 nhà máy Nonbetalactam mới đi vào hoạt động.

Năm 2015, theo kế hoạch nhà máy Nonbetalactam mới sẽ sản xuất khoảng 500-600 triệu đơn vị sản phẩm trên tổng công suất là 1 tỉ đơn vị sản phẩm. Ước tính nhà máy Betalactam sẽ lấp đầy công suất vào năm 2018.

DHG đã xin lùi thời gian bắt đầu được hưởng ưu đãi thuế TNDN 2 nhà máy mới sang năm 2015 (0% trong 4 năm đầu, 5% trong 9 năm tiếp theo và 10% trong 2 năm kế tiếp) nhằm tận dụng tối đa lợi thế về ưu đãi thuế.

Sau khi nhà máy mới đi vào hoạt động, các xưởng 1,2 và 5 sẽ chủ yếu sản xuất dòng sản phẩm chức năng với tổng công suất nhà máy cũ là 3 tỉ đơn vị sản phẩm/năm (lấp đầy công suất vào khoảng năm 2017-2018). Dự kiến, năm 2020, công suất nhà máy cũ sẽ tăng lên và đạt 4,5 tỉ đơn vị sản phẩm. Chi phí đầu tư cải tạo nhà máy cũ chuyến sang sản xuất dòng sản phẩm chức năng khoảng 54-55 tỉ đồng.

Lưu ý, trong giai đoạn đầu hoạt động, sản xuất thực phẩm chức năng có thể chưa đạt được kế hoạch đề ra, công ty sẽ tăng cường hoạt động đầu tư liên kết, gia công hàng hóa… Khi đó, biên lợi nhuận hàng sản xuất sẽ giảm so với hiện tại.

(2) Bán hàng:

DHG dẫn đầu ngành dược về hệ thống phân phối với 1.200 nhân viên kinh doanh, 12 công ty con bán hàng, 24 chi nhánh, 68 hiệu thuốc và hơn 22.000 khách hàng trên cả nước. Công ty cũng xây dựng được mối quan hệ thân thiết với khách hàng. Tình hình bán hàng trong quý I/2014 kém khả quan. 2 quý trở lại đây, năng lực bán hàng của DHG đã tăng trở lại, sản phẩm được tiêu thụ tốt, đặc biệt là trên thị trường OTC ( thuốc bán tại các nhà thuốc). Công ty có lợi thế là hệ thống bán hàng sâu rộng và chủ yếu tập trung vào thị trường OTC (chiếm khoảng 90% doanh thu thuần) nên không chịu nhiều ảnh hưởng tiêu cực của thông tư 36/2013/TTLT-BYT-BTC về đấu thầu thuốc trong các bệnh viện.

(3) Về kế hoạch đẩy mạnh hoạt động sang thị trường Myanmar:

Trong chiến lược 2014, công ty dự kiến đầu tư mua lại 72,86% cổ phần của công ty Cổ phần Dược phẩm Ánh Sao Việt ( ASV Việt Nam) để nắm giữ 51% cổ phần của công ty liên doanh ASV Pharma tại Myanmar). Trong bản tin IR gửi cổ đông, DHG cho biết Ban Tổng giám đốc công ty đã quyết định ngưng đầu tư 91,075 tỉ đồng mua cổ phần của ASV Pharma Việt Nam. DHG sẽ đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường Myanmar theo thông qua việc mở rộng mạng lưới phân phối và đầu tư Marketing.

CEO: Quý IV sẽ chào bán đồng loạt các sản phẩm

CTCK MB (MBS)

CEO hoạt động chủ yếu trong các lĩnh vực bất động sản và giáo dục đào tạo, cung ứng nhân lực và xuất khẩu lao động.

Cho đến thời điểm hiện tại, vốn điều lệ của CEO là 343 tỷ VNĐ, tốc độ tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận khá ổn định. CEO hiện đang sở hữu 16 dự án ở Hà Nội và khắp các tỉnh thành trên cả nước, với tổng quỹ đất là trên 700 ha.

CEO sở hữu tòa nhà văn phòng là CEO Tower với tỷ lệ lấp đầy luôn đạt hơn 97%. Ngoài ra, CEO đã và đang thực hiện nhiều dự án bất động sản như: Khu đô thị mới Chi Đông; Khu đô thị mới Sunny Garden City, Khu đô thị mới River Silk City… Hiện Công ty đang dồn nguồn lực cho các đại dự án tại Phú Quốc.

Ngay trong quý IV/2014, CEO sẽ chào bán đồng loạt các sản phẩm tại các dự án Sunny Garden City (giai đoạn 2), River Silk City (giai đoạn 1) Sonasea Villas & Resort (giai đoạn 1). Với trụ cột thứ hai, CEO tập trung vào đào tạo nghề gắn với xuất khẩu lao động, thị trường chính là Nhật Bản. Lĩnh vực này tuy không đem lại lợi nhuận đột biến, nhưng có không gian lớn, thị trường nhiều tiềm năng, tạo ra nguồn thu ổn định dài hạn.

Trong năm 2013, doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế của Công ty lần lượt đạt hơn 169,9 tỷ đồng và 21,2 tỷ đồng, tương ứng tăng 1,17% và 378,85% so với năm 2012. Công ty đặt kế hoạch với mục tiêu doanh thu 172,6 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 37 tỷ đồng.

T.Thúy

nguồn: Tinnhanhchungkhoan.vn


{fcomment}