Đề xuất tăng thuế nhập khẩu xăng dầu: Bài né giảm giá?

 Sau động thái tăng thuế nhập khẩu đối với các mặt hàng xăng dầu đầu tháng 12 của Bộ Tài chính, nhiều DN kinh doanh xăng dầu đề xuất tăng thêm thuế nhập khẩu để giảm áp lực khó khăn do giá xăng dầu thế giới liên tiếp sụt giảm mạnh. Mục đích thực sự của đề xuất có vẻ “ngược đời” này là gì?

Đề xuất tăng thuế nhập khẩu xăng dầu: Bài né giảm giá?

Doanh nghiệp “than” lỗ

Trước hết, cũng cần nhắc lại những đề xuất “khó tin” của các DN kinh doanh xăng dầu trong những ngày gần đây. Đầu tiên là văn bản gửi liên Bộ Công thương-Tài chính của Tổng công ty Dầu Việt Nam (PV Oil) đề nghị tăng thuế nhập khẩu các mặt hàng xăng dầu. Theo đó, DN này đề nghị liên bộ xem xét tăng thuế nhập khẩu xăng dầu từ 5 - 7% so với mức thuế hiện tại, đồng thời đề nghị duy trì mức trích quỹ bình ổn giá xăng dầu 300 đồng/lít để giữ ổn định giá bán lẻ.

PV Oil cho rằng, việc tiếp tục tăng thuế sẽ hỗ trợ DN tháo gỡ khó khăn, ổn định sản xuất - kinh doanh và nhất là tăng nguồn thu cho ngân sách nhà nước khi giá dầu thô giảm ở mức thấp nhất trong vòng 4 năm trở lại đây. Mặt khác, “việc tăng thuế cũng nhằm tránh ảnh hưởng tâm lý trong điều hành giá xăng dầu trong nước khi giá thế giới tăng trở lại”, văn bản của PV Oil nhấn mạnh.

Theo ông Nguyễn Anh Toàn, Phó tổng giám đốc PVOil, DN này đang gặp rất nhiều khó khăn trong điều kiện giá xăng dầu trên thị trường thế giới liên tục giảm, trong khi DN kinh doanh xăng dầu trong nước phải chấp hành dự trữ lưu thông theo quy định tối thiểu 30 ngày kinh doanh bình quân. Mức giá vốn hàng tồn kho của PV Oil cao hơn nhiều so với giá bán lẻ xăng dầu hiện hành tại thị trường trong nước. Với những khoản lỗ phát sinh từ tháng 8 đến nay do tồn kho xăng dầu trong điều kiện giá bán lẻ liên tục giảm, kết quả kinh doanh của PV Oil trong năm 2014 có thể không có lãi, thậm chí đối mặt với nguy cơ lỗ từ kinh doanh xăng dầu.

Tình hình này cũng diễn ra tương tự đối với Tập đoàn Xăng dầu (Petrolimex), DN đầu mối lớn nhất, chiếm gần một nửa thị phần xăng dầu. Theo ông Bùi Ngọc Bảo, Chủ tịch Petrolimex, năm 2014, Petrolimex sẽ lỗ lớn trong lĩnh vực kinh doanh xăng dầu và Tập đoàn buộc phải lấy lợi nhuận từ các lĩnh vực khác để bù vào, may ra mới đạt kế hoạch. Với 11 lần giảm giá bán lẻ xăng dầu trong thời gian qua, ông Bảo cho rằng, hầu hết DN liên quan đến hoạt động sản xuất - kinh doanh xăng dầu đều đang thua lỗ.

Về quyết định tăng thuế nhập khẩu xăng dầu của Bộ Tài chính vừa qua, ông Bảo cho rằng, đây là quyết định hợp lý để bình ổn giá xăng dầu.

“Bình ổn không phải là cố định, bình ổn là có tăng, có giảm, nhưng nằm trong biên độ không tác động mạnh tới thị trường. Trong giai đoạn giá xuống, chỉ có một công cụ giúp Nhà nước bình ổn thị trường là thuế”, ông Bảo nói.

Vấn đề đặt ra ở đây là nếu không tăng thuế thì có lẽ giá xăng trong nước sẽ còn giảm tiếp. Song với động thái tăng thuế, giá xăng sẽ được duy trì, người tiêu dùng và các DN mất đi cơ hội được tiết giảm chi phí; mặt khác, giá cả hàng hóa thường lấy giá xăng dầu làm “thước đo”, nên giá nhiều hàng hóa khó giảm theo, khó kích thích tiêu dùng. Còn đối với các DN kinh doanh xăng dầu, với việc tăng thuế, dường như họ đã tránh được một lần phải giảm giá xăng dầu. Do đó, đề xuất tăng thuế nhập khẩu vừa qua của nhiều DN là hoàn toàn dễ hiểu.

Về vấn đề này, đại diện Petrolimex cho rằng, việc điều chỉnh giảm giá bán lẻ xăng dầu 11 lần vừa qua là thực hiện trên nguyên tắc Nhà nước, DN và người tiêu dùng cùng chia sẻ.

“Trước đây, khi giá xăng dầu thế giới tăng, DN không có lãi, Nhà nước phải giảm thuế, nay giá giảm mà để Nhà nước thất thu, DN lỗ là không sòng phẳng. Do đó, tăng thuế là công cụ bình ổn và đảm bảo hài hòa lợi ích giữa 3 bên: Nhà nước, DN và người tiêu dùng”, ông Bảo nhấn mạnh.

Cân nhắc giữa được và mất

Nhìn ở góc độ tổng thể, các chuyên gia kinh tế cho rằng, việc tăng thuế không phải là giải pháp tối ưu hiện nay. Theo chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh, việc giá dầu thô giảm, Việt Nam xuất khẩu dầu sẽ bị hụt nguồn thu ngân sách, đó là điều hiển nhiên. Song mặt khác, Việt Nam được lợi khi nhập khẩu các sản phẩm từ dầu thô như xăng dầu, sợi tổng hợp, phân bón.

“Cần cân nhắc giữa cái được và cái mất. Tạo điều kiện cho DN kinh doanh có lãi trong tình hình này và tận dụng cơ hội là điều tốt, nhưng tăng thêm thuế nhập khẩu xăng dầu thì người gánh chịu là toàn dân. Mặt trái là các DN sẽ phải gánh chịu chi phí cao hơn DN các nước xung quanh vì phải chịu thuế, giá xăng cao hơn. Liệu DN có cạnh tranh được trong điều kiện hội nhập trong năm 2015 hay không? Hiện nay, tỷ lệ thu thuế trên GDP đã là quá cao”, ông Doanh nói.

Theo Tin nhanh chứng khoán

{fcomment}