Điều gì đang xảy ra với Chứng khoán Đại Việt?

 CTCK Đại Việt (DVSC) gần đây liên tiếp vướng vào vòng lao lý, khi hàng loạt nhân sự chủ chốt bị khởi tố hình sự. Mới đây, NĐT còn tố DVSC tìm cách “phủi” trách nhiệm sau khi nhân viên của DVSC “nẫng” tiền trong tài khoản của NĐT...

Điều gì đang xảy ra với Chứng khoán Đại Việt?

Liên tiếp vướng vào vòng lao lý

Nhìn lại hoạt động của DVSC trong suốt một năm qua cho thấy, công ty này liên tiếp vướng vào vòng lao lý. Mới đây nhất, Cơ quan cảnh sát điều tra, Bộ Công an đã khởi tố bị can đối với ông Nguyễn Quốc Viễn, thành viên HĐQT DVSC, nguyên Trưởng ban Kiểm soát Ngân hàng Xây dựng Việt Nam (VNCB), Thư ký Công ty TNHH Tập đoàn Thiên Thanh, về tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng theo quy định của Bộ luật Hình sự. Thông tin từ cơ quan điều tra cho biết, ông Viễn đã tham gia lập các hồ sơ khống, không thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình theo quy định của Luật Các tổ chức tín dụng, giúp ông Phạm Công Danh (nguyên Chủ tịch VNCB - PV) rút số tiền hơn 6.135 tỷ đồng và vay 6.854 tỷ đồng từ VNCB...

Đáng chú ý, kể từ đầu năm nay, sau khi ông Mai Hữu Khương thay ông Hứa Xường làm Chủ tịch HĐQT DVSC, Công ty liên tiếp vướng vào vòng lao lý. Cụ thể, cuối tháng 7/2014, ông Mai Hữu Khương, nguyên thành viên HĐQT Công ty TNHH Tập đoàn Thiên Thanh, bị Cơ quan cảnh sát điều tra, Bộ Công an khởi tố, bắt tạm giam, vì có liên đới trách nhiệm trong vụ án cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, xảy ra tại Công ty TNHH Tập đoàn Thiên Thanh.

Cùng thời điểm ông Khương bị khởi tố, bắt tạm giam, một thành viên HĐQT khác của DVSC là ông Phan Thành Mai, nguyên Tổng giám đốc Công ty TNHH Tập đoàn Thiên Thanh bị Cơ quan điều tra, Bộ Công an khởi tố, bắt tạm giam vì có liên đới trách nhiệm trong vụ án xảy ra tại Công ty TNHH Tập đoàn Thiên Thanh.

Ngay sau khi ông Khương bị bắt, người tiếp quản ghế Phó chủ tịch HĐQT cùng thời điểm ông Mai ngồi vào ghế Chủ tịch HĐQT DVSC là bà Lê Thị Bích Thủy được bầu làm Chủ tịch HĐQT, người đại diện theo pháp luật của DVSC. Từng là Phó chủ tịch HĐQT Đại Á Bank, bà Thủy còn được biết đến với vai trò Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH Song Minh Thủy, Chủ tịch HĐTV kiêm Tổng giám đốc Công ty TNHH Bích Thủy, Chủ tịch HĐTV Rainbow School.

Liên quan đến vụ việc hai NĐT mở tài khoản tại DVSC là bà Lê Thị Uyên và ông Trần Ngọc Cường (Hà Nội), trong năm 2013 đã có đơn tố cáo nhân viên Chi nhánh Hà Nội của DVSC “nẫng” 900 triệu đồng trong tài khoản của họ, trao đổi với ĐTCK ngày 8/12, bà Uyên cho biết, tuy vụ việc đã được NĐT trình báo cơ quan công an, nhưng đến nay vẫn chưa đòi được số tiền này. Trong suốt hơn một năm qua, họ đã cố gắng liên lạc với Tổng giám đốc DVSC Hoàng Thị Tâm, cũng như những người có trách nhiệm tại DVSC để đòi tiền, nhưng bất thành.

“Trong khi tranh chấp giữa NĐT và DVSC vẫn chưa được giải quyết, chúng tôi thực sự choáng váng khi từ ngày 4/12/2014, DVSC đóng cửa Chi nhánh Hà Nội. Động thái này của DVSC chẳng khác nào ‘phủi’ trách nhiệm với khách hàng. Điều này khiến tôi mất niềm tin vào CTCK, vào sự nghiêm minh của pháp luật trên TTCK… ”, bà Uyên bức xúc nói, đồng thời đặt câu hỏi cho nhà quản lý: với việc DVSC đóng cửa Chi nhánh tại Hà Nội, ai sẽ đứng ra bảo vệ quyền và lợi ích cho NĐT khi bị nhân viên DVSC chiếm đoạt tiền?

Từ thông tin phản ánh trên của NĐT, để đảm bảo thông tin đa chiều, khách quan, ĐTCK nhiều lần liên hệ với Tổng giám đốc Hoàng Thị Tâm, nhưng không nhận được câu trả lời từ phía đại diện DVSC.

Kinh doanh bết bát

Nhiều nhân sự chủ chốt liên tiếp vướng vào vòng lao lý từ đầu năm đến nay đã khiến hoạt động kinh doanh của DVSC lao dốc. Trong quý III/2014, DVSC chỉ đạt 2 tỷ đồng doanh thu; lỗ 2,3 tỷ đồng, lũy kế 9 tháng lỗ hơn 22 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm ngoái lãi 2,5 tỷ đồng. Khoản lỗ trong quý III/2014 đã làm tăng khoản lỗ lũy kế của DVSC lên gần 198 tỷ đồng, con số này tăng so với thời điểm đầu năm.

Doanh thu trong quý III/2014 của DVSC giảm 40% so với cùng kỳ năm ngoái, theo DVSC, nguyên nhân chủ yếu là do trong năm nay không còn phát sinh doanh thu từ dịch vụ hỗ trợ khách hàng, đồng thời doanh thu ứng trước tiền bán chứng khoán và thu nhập từ cổ tức tự doanh đều giảm.

Sau sự ra đi của hàng loạt nhân sự chủ chốt do liên tiếp vướng vào vòng lao lý và kết quả kinh doanh bết bát sẽ đưa DVSC đi về đâu?

Theo Tin nhanh chứng khoán

{fcomment}