Dự án Nam Đô Complex: 11 khúc mắc cần làm sáng tỏ

 Sau khi Bộ Xây dựng ban hành quyết định thanh tra toàn diện Dự án Nam Đô Complex do CTCP Đầu tư Dầu khí Toàn Cầu (GP Invest) làm chủ đầu tư, Thanh tra Bộ Xây dựng vừa tổ chức buổi tiếp xúc với đại diện các cư dân đang sinh sống tại Dự án.

Dự án Nam Đô Complex: 11 khúc mắc cần làm sáng tỏ

Tại buổi làm việc, ông Võ Thanh Sơn, Trưởng ban liên lạc bảo vệ quyền lợi của cư dân Nam Đô Complex và hàng chục cư dân khác đã khiếu nại tổng cộng 11 vấn đề do chủ đầu tư gây ra, khiến hàng trăm hộ dân vô cùng bức xúc.

Trao đổi với ĐTCK, ông Võ Thanh Sơn cho biết, dù nhiều lần Ban liên lạc bày tỏ thiện chí được đối thoại với chủ đầu tư, nhưng phía chủ đầu tư luôn lẩn tránh và tìm cớ thoái thác trách nhiệm giải quyết đối với 11 vấn đề trên.

Thứ nhất là vấn đề nước sinh hoạt, theo ông Sơn, qua kiểm tra cho thấy các bể chứa nước ngầm do chủ đầu tư xây dựng gặp sự cố nghiêm trọng như nứt, rò rỉ, chất lượng bê tông kém, thi công ẩu, nhưng những cá nhân có liên quan đã không làm tròn trách nhiệm, cố tình bưng bít thông tin. Vì vậy, cư dân kiến nghị đoàn thanh tra làm rõ quy trình, kỹ thuật trong việc xây dựng, quản lý bể nước và cung cấp nước sinh hoạt của chủ đầu tư và vấn đề an toàn kết cấu chịu lực trong việc thi công hệ thống lọc nước trên các tầng thượng của 4 tòa nhà.

Vấn đề thứ hai, theo ông Sơn, cũng là vấn đề đặc biệt nghiêm trọng: Tại thời điểm bàn giao nhà cuối năm 2013, cư dân được biết, chủ đầu tư đã bỏ qua các quy định về hoàn công công trình.

“Điều này cho thấy chủ đầu tư đã cố tình đưa công trình xây dựng vào quản lý, vận hành khi chưa có đủ các điều kiện theo quy định của pháp luật. Đây là một hành vi coi thường tính mạng của hàng ngàn cư dân, coi thường các quy định mang tính bắt buộc của các cơ quan quản lý Nhà nước”, ông Sơn nói.

Thứ ba là chủ đầu tư đã tự ý thay đổi vật liệu, cắt xén hạng mục đầu tư vì sau khi nhận bàn giao căn hộ và dọn đến ở, cư dân phát hiện một số hạng mục có trong hợp đồng mua bán căn hộ đã bị chủ đầu tư đơn phương cắt xén, hoặc đánh tráo vật liệu.

Thứ tư là dù diện tích căn hộ đã áp dụng cách tính mới (theo tim tường tại Thông tư 16/2010/TT-BXD của Bộ Xây dựng), nhưng chủ đầu tư lại chưa thay đổi phí dịch vụ chung cư theo diện tích mới.

Thứ năm là về phòng sinh hoạt cộng đồng, tại các hợp đồng mua bán căn hộ, chủ đầu tư đã thỏa thuận: mỗi tòa nhà (gồm các tòa nhà CT1A, CT1B, CT2A, CT2B) đều được bố trí phòng sinh hoạt cộng đồng, tại khu CT2 sẽ được bố trí trên tầng 3T. Tuy nhiên, thực tế, hiện hơn 863 căn hộ tại Nam Đô Complex mà chủ đầu tư chỉ dành ra một phòng nhỏ có diện tích khoảng trên 200m2 tại tầng 2 CT2B , không đủ 0,8 - 1m2/chỗ (863 căn hộ là 863 chỗ) theo Quy chế xây dựng do Bộ Xây dựng ban hành. Vì vậy, Ban liên lạc yêu cầu chủ đầu tư thực hiện đúng cam kết.

Thứ sáu là phí dịch vụ quản lý nhà chung cư, qua nhiều lần đơn phương áp đặt mức phí, làm trái với hướng dẫn và quy định, vừa qua, do vấp phải sự phản ứng mạnh mẽ của cư dân, đơn vị quản lý tòa nhà mới có động thái xin ý kiến cư dân bằng văn bản về mức tạm ứng phí dịch vụ. Tuy nhiên, chủ đầu tư vẫn cố tình phớt lờ yêu cầu chính đáng của cư dân về việc công khai phí dịch vụ.

Thứ bảy là việc công khai quỹ bảo trì, cư dân đã nhiều lần yêu cầu chủ đầu tư công khai minh bạch số tiền thu được và tên ngân hàng mở tài khoản đối với số tiền là kinh phí bảo trì nói trên nhưng chủ đầu tư vẫn cố tình lảng tránh, làm ngơ và từ chối. Vì vậy, cư dân nghi ngờ rằng chủ đầu tư chưa trích số kinh phí bảo trì đối với diện tích thuộc sở hữu riêng của mình để nộp vào quỹ bảo trì và toàn bộ số kinh phí bảo trì của cư dân hiện nay có thể đã bị chủ đầu tư chiếm dụng để phục vụ mục đích kinh doanh.

Thứ tám là việc thành lập Ban quản trị nhà chung cư kể từ khi bàn giao căn hộ đầu tiên đến nay đã quá 1 năm, nhưng chủ đầu tư cố tình không tổ chức Hội nghị nhà chung cư lần đầu để thành lập Ban quản trị theo các quy định của pháp luật.

Thứ chín là về việc chủ đầu tư tự ý lắp đặt biển quảng cáo, màn hình quảng cáo trong khu vực sở hữu chung mà không xin ý kiến của cư dân, không nhận được sự đồng ý của cư dân.

Thứ mười là về quyền sở hữu một số diện tích, hạng mục trong khu chung cư là sở hữu chung của tòa nhà, nhưng cư dân cho rằng chủ đầu tư đã ngang nhiên chiếm dụng làm sở hữu riêng trái quy định.

Mười một là vấn đề chiếm dụng không gian chung và tổ chức xây dựng trái phép quán cà phê hiện đại, kiên cố (có trụ bê tông cốt thép, chứ không phải là một nhà tạm).

“Vì vậy, Ban liên lạc và bảo vệ quyền lợi cửa cư dân Nam Đô Complex kính mong Thanh tra Bộ Xây dựng xem xét thấu đáo, kiểm tra khách quan để buộc chủ đầu tư phải thừa nhận và trả lại các quyền và lợi ích hợp pháp cho cư dân chúng tôi, trả lại sự ổn định, văn minh cho toàn khu chung cư”, ông Sơn nói.

Theo Minh Nhật
Báo Đầu tư Bất động sản

{fcomment}