Gần nửa triệu lao động có chuyên môn thất nghiệp

Quý 2 năm 2016 cả nước có hơn 1 triệu lao động trong độ tuổi lao động bị thất nghiệp. So với quý 1, thất nghiệp tăng cả về số lượng và tỷ lệ, trong đó 418.200 người có trình độ chuyên môn kỹ thuật thất nghiệp.

Gần nửa triệu lao động có chuyên môn thất nghiệp - 1

Đại diện lãnh đạo Bộ LĐ-TB-XH chủ trì buổi công bố bản tin cập nhật thị trường lao động-Ảnh: Văn Duẩn.

Sáng 17-8, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) phối hợp với Tổng cục Thống kê tổ chức hội thảo công bố bản tin cập nhật thị trường lao động Việt Nam quý 2 năm 2016.

Thứ trưởng Bộ LĐ-TB-XH Doãn Mậu Diệp cho biết quý 2 năm 2016 cả nước có 1,088 triệu người lao động trong độ tuổi lao động bị thất nghiệp, tăng 16.400 người so với quý 1 năm 2016.

Đáng chú ý, trong số những người bị thất nghiệp có tới 418.200 người có chuyên môn kỹ thuật, cụ thể có 191.300 người có trình độ từ đại học trở lên, 94.800 người có trình độ cao đẳng chuyên nghiệp và 59.100 người có trình độ trung cấp chuyên nghiệp.

Tỷ lệ thất nghiệp trong thanh niên thành thị là 11,3% trong tổng số người thất nghiệp-gấp 5 lần tỷ lệ thất nghiệp chung. Ngoài ra, số người thất nghiệp dài hạn trên 12 tháng chiếm tới 22,6% tổng số người thất nghiệp.

Về thu nhập bình quân của lao động làm công hưởng lương, ông Đào Quang Vinh-Viện trưởng Viện khoa học lao động và Xã hội (Bộ LĐ-TB-XH) cho biết trong quý 2-2016 thu nhập bình quân tháng của người lao động làm công hưởng lương là 4,85 triệu đồng, giảm 228.000 đồng so với quý 1 năm 2016.

Lý giải về việc lao động có trình độ chuyên môn thất nghiệp, đặc biệt là lao động có trình độ tốt nghiệp từ đại học trở lên, ông Đào Quang Vinh cho biết hiện chúng ta đang thừa ở nhóm lao động mà thị trường lao động không cần như ngành quản trị kinh doanh, kinh tế; nhưng chúng ta lại đang thiếu các kỹ sư công nghệ, kỹ sư chuyên ngành kỹ thuật. “Thực tế đã cho thấy đang có độ vênh giữa công tác đào tạo và nhu cầu tuyển dụng trên thị trường lao động”-ông Vinh cho hay.

Nguồn 24h