Giá VND tiếp tục ổn định từ nay tới cuối năm

Nhận định này xuất phát từ diễn biến giá USD trong 8 tháng đầu năm 2014, có lượng định các yếu tố tác động đến giá USD từ nay đến cuối năm, cũng như xem xét “yếu tố cánh kéo tỷ giá”.

Giá VND tiếp tục ổn định từ nay tới cuối năm

Các chỉ số thống kê cho thấy, trong 8 tháng đầu năm nay, có 5 tháng giá USD giảm, 3 tháng giá USD tăng. So với tháng 12 năm 2013, giá USD đến cuối tháng 5 vẫn giảm, dù tháng 6, tháng 7 giá tăng cao hơn, nhưng tính chung 8 tháng vẫn tăng thấp (0,42%), thua xa tốc độ tăng giá tiêu dùng (1,84%) và giá vàng (2,31%). Mặc dù đầu năm nay, Ngân hàng Nhà nước đẩy mạnh mua vào ngoại tệ để khuyến khích xuất khẩu, tăng dự trữ ngoại hối; sau một thời gian tạm dừng, gần đây đã mua trở lại, nhưng nhiều chuyên gia dự báo, cả năm 2014, giá USD tăng không cao hơn tốc độ tăng của năm trước (1,09%), thậm chí không vượt quá 1%, chỉ bằng một nửa định hướng đầu năm (2%).

Diễn biến 8 tháng đầu năm và mức tăng không cao trong những tháng còn lại được lý giải bằng nhiều nguyên nhân.

Thứ nhất, do Việt Nam chuyển từ nhập siêu 8 tháng cùng kỳ năm trước (2,77 tỷ USD) sang xuất siêu khá trong kỳ này (1,7 tỷ USD). Giá nhập khẩu tính bằng USD giảm năm thứ 3 liên tiếp; tỷ giá VND/USD tăng thấp, nên giá hàng nhập tính bằng VND tăng thấp, có loại còn giảm.

Thứ hai, do lượng ngoại tệ vào Việt Nam từ các nguồn đạt khá. Lượng vốn FDI thực hiện 8 tháng đạt 7,9 tỷ USD, tăng 4,5% so với cùng kỳ năm trước. Lượng vốn ODA giải ngân trong 8 tháng đạt 4,5 tỷ USD, tăng khá cao so với cùng kỳ năm trước (46%) và cả năm sẽ đạt kỷ lục mới. Lượng vốn FII tăng so với cùng kỳ để tranh thủ chứng khoán ấm lên và giá bất động sản đang ở mức thấp. Lượng kiều hối tiếp tục tăng. Lượng ngoại tệ chi tiêu của khách quốc tế đến Việt Nam trong 8 tháng đầu năm có thể đạt trên 5,4 tỷ USD, khi lượng khách đạt trên 5,47 triệu lượt người, tăng 12,2% so với cùng kỳ năm trước; khả năng sẽ vượt kỷ lục của năm trước (7,572 triệu lượt người và 7,53 tỷ USD).

Thứ ba, do lạm phát ở mức thấp, đồng tiền không tìm đến “trú ẩn” vào vàng, vào USD và khi lãi suất tiết kiệm giảm, thì sẽ tìm đến đầu tư vào sản xuất, kinh doanh, chứng khoán, bất động sản...

Cánh kéo tỷ giá là yếu tố ít người nghĩ đến. Do cánh kéo tỷ giá mà một USD tại Việt Nam có sức mua tương đương cao gấp nhiều lần sức mua tại Hoa Kỳ. Sau nhiều năm mở cửa, hội nhập, do lạm phát của Việt Nam cao hơn của Hoa Kỳ, nên tỷ giá hối đoái chỉ còn cao gấp gần 2,9 lần tỷ giá sức mua tương đương.

Theo Niên giám Thống kê 2013, GDP bình quân đầu người tính bằng USD của Việt Nam năm 2012 theo tỷ giá hối đoái là 1.749 USD/người, nhưng nếu tính theo tỷ giá sức mua tương đương lại đạt 4.998 USD/người, cao gấp gần 2,86 lần khi tính theo tỷ giá hối đoái. Như vậy, nếu tính theo tỷ giá hối đoái, GDP bình quân đầu người của Việt Nam chỉ bằng 32,1% của Thái Lan, nhưng nếu tính bằng tỷ giá, thì sức mua tương đương lại bằng 36,2%. Theo đó, tỷ giá VND/USD theo tỷ giá hối đoái bình quân năm 2012 là 20.965,7 VND/USD, nhưng tỷ giá sức mua tương đương chỉ khoảng 7.336,8 VND/USD.

Những nước gặp cánh kéo tỷ giá, thì thường bị thiệt thòi khi xuất khẩu hàng hoá, khi nhập khẩu dịch vụ... Khi càng mở cửa, hội nhập, giá cả trong nước tăng lên sẽ khiến hệ số trên giảm; tốc độ tăng tỷ giá thường thấp xa so với tốc độ lạm phát ở trong nước. Chính vì ý nghĩa này, mà việc điều chỉnh tỷ giá cần hết sức chú ý hệ số này và việc điều chỉnh giá cả ở trong nước phải tính đến “lương nội, giá ngoại” là do “cánh kéo tỷ giá”.

Theo Minh Nhung
baodautu.vn

{fcomment}