Hạ lãi suất cho vay trung, dài hạn 1- 1,5%, không khó

 Với mặt bằng lãi suất huy động 5-5%/năm hiện nay, việc thực hiện giảm lãi suất cho vay trung dài hạn thêm 1-1,5%/năm là không khó với các ngân hàng.

Hạ lãi suất cho vay trung, dài hạn 1- 1,5%, không khó

Phải giảm lãi vay trung, dài hạn…

Nội dung Chỉ thị số 01 đề cập đến việc thực hiện điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa, nhằm kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đề ra (dưới 5%), ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế ở mức hợp lý (6,2%), bảo đảm thanh khoản của các TCTD và nền kinh tế, duy trì ổn định mặt bằng lãi suất, phấn đấu tiếp tục giảm mặt bằng lãi suất cho vay trung, dài hạn thêm 1 - 1,5%/năm, hỗ trợ thị trường tài chính trong huy động vốn cho đầu tư phát triển.

TS. Trần Du Lịch, Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia cho rằng, nhu cầu vốn của doanh nghiệp trong năm nay được kỳ vọng sẽ cải thiện so với năm qua, khi nền kinh tế đã khởi sắc hơn. Tuy nhiên, theo TS. Lịch, nợ xấu vẫn là rào cản lớn trong tăng trưởng tín dụng của các ngân hàng.

“Doanh nghiệp khó tiếp cận nguồn vốn cũng vì nợ xấu chưa được giải quyết. Vì thế, với những doanh nghiệp trong nhóm 2 (có tiềm năng mở rộng đầu tư, sản xuất nhưng thiếu vốn trung, dài hạn), ngành ngân hàng nên xem xét giảm lãi suất cho vay thêm khoảng 1-2%”, TS. Lịch nêu quan điểm.

Thực tế, lãi suất cho vay trung bình đối với các khoản vay trung hạn đang được các ngân hàng áp dụng ở mức trên 10%/năm. Như vậy, chỉ khi giảm lãi vay mới kích thích được nhu cầu vay vốn đầu tư mới của doanh nghiệp. Bởi theo TS. Lịch, điểm qua tình hình của 2014 cho thấy, với các doanh nghiệp có nhu cầu đầu tư mới chủ yếu dùng vốn tự có, chứ không phải vốn vay.

Bà Nguyễn Thị Hồng, Phó Chủ tịch UBND TP. HCM cũng cho rằng, trong 2 năm gần đây, lãi suất trong xu hướng giảm sâu, nhưng NHNN cần theo dõi thông tin về thị trường để tiếp tục có những điều chỉnh cho phù hợp. Trong đó, đáng chú ý là với lãi suất cho vay trung, dài hạn nên xem xét giảm thêm, nhằm chia sẻ khó khăn cho các doanh nghiệp.

“Vốn vay trung và dài hạn với các doanh nghiệp là để đầu tư chiều sâu, mở rộng các hoạt động sản xuất - kinh doanh. Tuy nhiên, hiện lãi suất vay kỳ hạn dài đang cao hơn so với lãi suất ngắn hạn, nên doanh nghiệp rất cân nhắc khi vay vốn trung và dài hạn để triển khai các hoạt động đầu tư”, bà Hồng nhấn mạnh.

… mới khơi thông được dòng vốn

Một doanh nghiệp bất động sản cho biết, để vay được vốn ngân hàng hoàn thiện dự án dở dang là không dễ, kể cả việc tiếp cận gói vốn 30.000 tỷ đồng triển khai dự án nhà ở xã hội. Mặt khác, vốn vay cho lĩnh vực bất động sản chủ yếu là trung, dài hạn, lãi suất áp dụng với doanh nghiệp chủ yếu ở mức 12-13%/năm, và 11-12%/năm với khách hàng cá nhân. Đây là mức quá cao so với mức lãi suất huy động hiện chỉ còn khoảng 5,5%/năm. Còn gói tín dụng 30.000 tỷ đồng, lãi suất 5%/năm, chỉ một nhóm nhỏ có thể tiếp cận.

Trong khi, theo nhận định của các chuyên gia lĩnh vực tài chính - tiền tệ, để kích thích thanh khoản thị trường nhà đất, góp phần giải quyết bài toán nợ xấu, thì việc giảm lãi suất đối với phân khúc khách hàng cá nhân là rất cần thiết.

Chuyên gia tài chính - ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu nhận định, tín dụng khó tăng trưởng một phần do khó khăn của nền kinh tế, nhưng phần lớn là do nợ xấu. Các ngân hàng trở nên quá thận trọng trong cho vay và kiểm soát chặt chất lượng tín dụng, vì e ngại rủi ro. Do đó, việc giảm thêm lãi suất trung, dài hạn đối với cá nhân vay mua nhà ở theo TS. Hiếu cũng cần xem xét.

“Giá nhà đất và lãi suất dần đi xuống sẽ là cơ hội tốt cho không chỉ ngân hàng đẩy mạnh vốn, mà tốt với cả người có nhu cầu mua nhà”, TS. Hiếu nói.

Còn theo đánh giá của TS. Trần Du Lịch, với chương trình kết nối cung cầu doanh nghiệp – ngân hàng trên địa bàn TP. HCM năm qua đã phần nào giải quyết được khó khăn cho doanh nghiệp vướng nợ xấu khi đã giải ngân trên 40.000 tỷ đồng, với lãi suất ưu đãi. Tuy nhiên, có một vấn đề theo TS. Lịch cần được xét đến đó là nợ xấu giảm trong thời gian qua chủ yếu là được cơ cấu lại nhóm nợ, nhưng kể từ giữa năm 2014 trở đi, các ngân hàng không còn được cơ cấu lại nợ khi phải chính thức áp dụng Thông tư 09 từ ngày 1/6/2014. Vì thế, nợ xấu ở một số NHTM đã tăng lên đáng kể, cho dù nợ xấu tổng thể của toàn ngành ngân hàng không tăng. Bởi đa số các khoản nợ được cơ cấu rơi vào những ngân hàng cổ phần quy mô nhỏ. Do vậy, yêu cầu sắp xếp lại đối với các ngân hàng quy mô nhỏ, yếu kém, nợ xấu tăng bằng cách sáp nhập bắt buộc theo TS. Lịch là cần thiết để có thể giải quyết được bài toán nợ xấu, khơi dòng tín dụng.

Mặt khác, để thực hiện được mục tiêu giảm lãi suất trung, dài hạn thêm 1-2%/năm trong năm nay, TS. Lịch cho rằng, cũng không cần thiết giảm thêm lãi suất huy động.

“Với mặt bằng lãi suất huy động 5,5 - 6%/năm hiện nay, cho vay ra khoảng 9-10%/năm đối với khoản vay trung, dài hạn, ngân hàng vẫn có lãi. Đó là chưa kể các khoản vốn cho vay cá nhân, nhất là vay tiêu dùng, biên lợi nhuận trong cho vay còn cao hơn nhiều”, TS. Lịch cho biết.

Mặt bằng lãi suất đến cuối năm 2014 đã giảm 1,5 - 2%/năm so với cuối năm 2013, sau khi NHNN hai lần hạ trần lãi suất đầu vào. Bước sang năm 2015, các ngân hàng dự báo lãi suất huy động tiếp tục ổn định hoặc giảm nhẹ, song lượng tiền gửi vào hệ thống vẫn tăng.

Với mục tiêu tăng trưởng tín dụng từ 13 - 15% mà NHNN đặt ra cho năm nay, các chuyên gia kinh tế cho rằng, cần có các giải pháp tích cực để tăng trưởng tín dụng bền vững và hiệu quả như mục tiêu đề ra, mà giảm lãi suất cho vay là một trong những biện pháp cần được các ngân hàng xem xét.

Thùy Vinh

Nguồn Tin nhanh chứng khoán