Hàng loạt nhà băng đổi chủ trong tái cơ cấu ngành

 Mặc dù nợ xấu của các ngân hàng tăng cao trong những năm gần đây và ngành đang trải qua cuộc “đại phẫu” lớn, nhưng với các tổ chức kinh tế trong và ngoài nước cũng như các nhà đầu tư, tài chính - ngân hàng vẫn là lĩnh vực hấp dẫn đầu tư.

Hàng loạt nhà băng đổi chủ trong tái cơ cấu ngành

Tái cơ cấu: cơ hội để đầu tư

Thực tế, thị trường đã chứng kiến nhiều thương vụ đổi chủ của các ngân hàng trong thời gian qua, nhất là kể từ khi ngành ngân hàng thực hiện quá trình tái cơ cấu. TienPhongBank, VietABank hay Sacombank là những cái tên được nhắc đến. Tuy nhiên, khác với sáp nhập, hợp nhất, việc thay đổi cơ cấu sở hữu, cũng như các thành viên trong HĐQT của những đơn vị này không làm mất đi thương hiệu ngân hàng vốn có.

Chẳng hạn tại VietA Bank, dưới áp lực tăng vốn lên 3.000 tỷ đồng để tồn tại và việc thoái vốn của cổ đông lớn là Công ty TNHH MTV Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC), VietABank đã được chuyển nhượng lại cho nhóm cổ đông liên quan đến ông Phương Hữu Việt trong năm 2010.

Ông Việt giữ “ghế” Chủ tịch HĐQT VietABank từ đó đến nay, trong khi con gái ông là bà Phương Thanh Nhung nắm quyền điều hành - Tổng giám đốc Ngân hàng. Trong cơ cấu sở hữu của VietABank hiện nay, Tập đoàn Đầu tư Việt Phương và ông Phương Hữu Việt là cổ đông lớn nhất, sở hữu 17,36% vốn điều lệ. Trước đó, đại diện cho cổ đông lớn của Ngân hàng là SJC và một số cổ đông khác.

Sau làn sóng đổi chủ cách đây 3 - 5 năm khi các ngân hàng buộc phải tăng vốn pháp định lên 3.000 tỷ đồng theo quy định tại Nghị định 141/2006/NĐ-CP cùng với yêu cầu của Chính phủ về việc thoái vốn ngoài ngành của các tập đoàn kinh tế nhà nước, năm 2011, NHNN công bố danh sách 9 ngân hàng yếu kém bắt buộc phải tái cấu trúc do nợ xấu tăng cao.

Thua lỗ dẫn đến thâm vốn tự có và tình trạng mất thanh khoản, buộc các ngân hàng yếu phải chủ động tìm đối tác để sáp nhập, hợp nhất, kể cả việc bán lại. Tuy nhiên, theo đánh giá của giới trong ngành, đây lại là cơ hội cho các tập đoàn tài chính tìm kiếm cơ hội đầu tư trong lĩnh vực ngân hàng.

Tập đoàn Vàng bạc Đá quý Doji sớm “nhảy” vào TPBank, với tỷ lệ nắm giữ 20%, cho dù ở giai đoạn đó, TPBank chỉ là một thương hiệu ngân hàng mới, quy mô nhỏ. Ngoài Doji, TPBank còn có các cổ đông lớn khác như FPT, Công ty Thông tin di động VMS (MobiFone), Tổng CTCP Tái bảo hiểm Quốc gia Việt Nam (Vinare), Tập đoàn Tài chính SBI Ven Holding Pte.Ltd (Singapore).

Hay tại Kienlongbank, việc tham gia vào HĐQT và trúng cử ghế “nóng” Chủ tịch của ông Võ Quốc Thắng (bầu Thắng) tại kỳ họp HĐQT thường niên 2013 cũng là một thương vụ điển hình cho làn sóng đổi chủ trong ngành ngân hàng. Mặc dù bầu Thắng, Chủ tịch HĐQT Gạch Đồng Tâm, kiêm Chủ tịch HĐQT Kienlongbank hiện nay cho biết không nắm giữ cổ phiếu của nhà băng này, nhưng con trai ông là ông Võ Quốc Lợi lại là cổ đông lớn của Kienlongbank, với tỷ lệ sở hữu 5%.

TrustBank cũng là một trong 9 ngân hàng nợ xấu cao, buộc tái cấu trúc đã được Tập đoàn Thiên Thanh cùng nhóm cổ đông lớn “thâu tóm” và được đổi tên thành Ngân hàng Xây dựng Việt Nam (VNCB). Thế nhưng, các cổ đông lớn của nhà băng này đã không đưa được thương hiệu VNCB phát triển.

Hoạt động của VNCB sau khi về với chủ mới vẫn đi xuống, thâm hụt hết vốn tự có khiến Chủ tịch, Tổng giám đốc Ngân hàng vướng vòng lao lý. Cuối năm 2014, NHNN đã mua lại VNCB với giá 0 đồng, đồng thời giao cho Vietcombank hỗ trợ VNCB hoạt động tốt trở lại.

Quá trình tái cơ cấu ngân hàng, theo ông Yun Hang Jin, Giám đốc khối thị trường mới nổi Công ty Korea Investment & Securities (Hàn Quốc), chính là cơ hội để các nhà đầu tư tìm kiếm ngân hàng để đầu tư.

“Giá cổ phiếu ngân hàng đã giảm xuống mức thấp, cùng với áp lực tái cấu trúc, M&A sẽ buộc một số ngân hàng bán lại, dù không như kỳ vọng. Tuy nhiên, để thành công, nhà đầu tư cũng nên tìm mua cổ phiếu của ngân hàng có tiềm năng tăng trưởng, cũng như phải có chiến lược đầu tư dài hơn, thay vì ngắn hạn”, ông Yun Hang Jin nói.

Không ngại nợ xấu tăng

Ảnh hưởng tình hình kinh tế chung những năm qua khiến nợ xấu của nhiều ngân hàng tăng mạnh. Tỷ lệ nợ xấu của DongA Bank được công bố đến cuối quý III/2014 cao hơn mức quy định.

Lãnh đạo nhà băng này cho biết sẽ tiếp tục bán 7.000 tỷ đồng nợ xấu cho VAMC trong năm nay sau khi đã bán hơn 3.000 tỷ đồng năm qua. Nợ xấu tăng, DongA Bank cũng được cho là sẽ tính chuyện sáp nhập trong thời gian tới khi tìm được đối tác phù hợp.

Thế nhưng, trước thềm ĐHCĐ thường niên năm nay, dự kiến diễn ra vào cuối tháng 6 này, vẫn có nhiều ứng viên ứng cử vào HĐQT Ngân hàng giai đoạn 2015 - 2020. Và một trong những ứng viên được đánh giá là “sáng giá” nhất là ông Phan Văn Anh Vũ, Chủ tịch HĐQT CTCP Xây dựng 79 (trụ sở chính tại Đà Nẵng) - đơn vị hiện đang sở hữu 50 triệu cổ phiếu DongA Bank.

Trao đổi với ĐTCK mới đây, ông Trần Phương Bình, Tổng giám đốc DongA Bank cho biết, trong kỳ ĐHCĐ thường niên năm nay, HĐQT Ngân hàng sẽ có nhân sự mới.

Không chỉ các công ty muốn tham gia HĐQT DongA Bank mà ngay cả những tổ chức tín dụng cũng muốn có được thương hiệu ngân hàng này. ABBank đã có đề nghị được sáp nhập DongA Bank và giữ nguyên thương hiệu Ngân hàng, nhưng hiện thương vụ này vẫn chưa ngã ngũ. Trước đó, một số thương hiệu ngân hàng khác như: Ficombank, TinNghiaBank, DaiA Bank, WesternBank, Habubank cũng nhanh chóng được các nhà băng lớn sáp nhập, hợp nhất và mua lại.

Đến nay, khi tái cấu trúc ngân hàng đang bước vào giai đoạn cuối và quá trình sáp nhập, hợp nhất được đẩy mạnh, một số ngân hàng nợ xấu tăng, hoạt động kém hiệu quả khó nằm ngoài làn sóng M&A. Nhưng với các tập đoàn kinh tế và ngay cả những ông chủ nhà băng lớn lại xem đây là cơ hội để sáp nhập, tham gia vào lĩnh vực tài chính. Cho dù đó là các thương hiệu ngân hàng nhỏ, yếu kém, thậm chí một số nhà băng nằm trong danh sách những ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu cao, song với tiềm năng và sức hút của ngành kinh doanh tiền - vốn được xem là “siêu” lợi nhuận, vẫn được nhiều nhà đầu tư “rót” vốn.

Chẳng hạn, Saigonbank nợ xấu trên 5% cũng được Vietcombank nhắm tới; PGBank cũng nhanh chóng được Vietinbank sáp nhập; MHB - BIDV sớm về chung một nhà… Mục tiêu của các nhà băng lớn là, thông qua M&A để tăng năng lực, quy mô, trở thành ngân hàng có sức cạnh tranh tầm khu vực.

Bên cạnh đó, các cổ đông nước ngoài đã và đang nắm cổ phần tại các nhà băng “nội” cũng nóng lòng chờ được nới thêm “room” cao hơn tổng 30% hiện nay. Đại diện Tập đoàn Fullerton Financials Holding (FFH) cho rằng, với “room” 20% cho một cổ đông nước ngoài hay tối đa 30% cho vốn ngoại tại ngân hàng hiện nay, các nhà đầu tư nước ngoài khó có thể nắm quyền điều hành cao nhất để đưa ra chiến lược đầu tư.

Quá trình tái cấu trúc hệ thống ngân hàng đang được giới đầu tư nước ngoài rất quan tâm. Đặc biệt là vào giai đoạn cuối của quá trình tái cấu trúc, vấn đề sáp nhập, hợp nhất dự kiến tăng mạnh, nhất là khi Chính phủ Việt Nam sẽ cho phép ngân hàng nhỏ, yếu kém, cần tiềm lực tài chính tái cấu trúc có thể bán lại 100% vốn cho nhà đầu tư nước ngoài.

Giám đốc điều hành Tập đoàn VinaCapital ông Andy Ho cho rằng, ngân hàng vẫn là lĩnh vực hấp dẫn trong mắt các nhà đầu tư nước ngoài. Đây cũng là cơ hội để quỹ đầu tư Vinacapital xem xét bỏ vốn nhiều hơn vào ngân hàng. Theo ông Andy, cổ phiếu ngân hàng Việt Nam đang rẻ so với các nước trong khu vực, nhưng tiềm năng tăng trưởng vẫn lớn.

Nguồn Tin nhanh chứng khoán