Hết thời chủ đầu tư địa ốc “ngậm miệng ăn tiền“

 Thị trường bất động sản hồi phục, hàng loạt dự án đua nhau ra hàng và trong bối cảnh đó, các chủ đầu tư tìm đủ mọi cách để dự án của mình được thị trường “nhớ mặt đặt tên” bằng đủ mọi phương tiện từ trực tiếp đến gián tiếp, từ báo chí chính thống đến các mạng xã hội.

Hết thời chủ đầu tư địa ốc “ngậm miệng ăn tiền“

Những tưởng, cái thời các chủ đầu tư “trốn tránh” dư luận vì dự án bê trễ, đình trệ hoặc đơn giản chỉ vì quá mệt mỏi muốn rũ bỏ thị trường đã lùi vào dĩ vãng. Nhưng không hẳn vậy, ngay mới đây, vẫn có những câu chuyện cho thấy thời xấu đều đã qua, nhưng… xấu lỏi thì vẫn còn đó.

Mấy hôm nay, câu chuyện Chủ tịch Handico 7 mắng phóng viên theo dõi mảng bất động sản của một tờ báo là… bố láo bố toét được đưa tin trên một vài phương tiện thông tin đại chúng và khiến cánh báo chí chuyên theo bất động sản xôn xao bàn tán.

Sự tình từ việc phóng viên muốn tìm hiểu về một dự án được cho là có sai phạm của công ty này. Nguyên do là gần 10 năm về trước, khu đất 1.14HH tuyến Láng Hạ - Thanh Xuân thuộc địa bàn phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân được UBND TP. Hà Nội giao cho 3 công ty nhằm thực hiện dự án văn phòng, nhà ở gồm: CTCP đầu tư - Thương mại và Dịch vụ (Lô A); Handico 7 (Lô B) và Công ty TNHH Hiền Đức (Lô C).

Từ khi được phê duyệt vào năm 2006 đến nay, dự án vẫn là những công trình ngổn ngang. Thay bằng việc xây dựng các chung cư cao tầng như quyết định ban đầu của UBND TP. Hà Nội, thì các đơn vị xin chuyển đổi mục đích đầu tư dự án thành nhà ở thấp tầng…

Theo phản ánh, trong quá trình triển khai dự án, Handico 7 đã tự ý xây dựng hàng rào bảo vệ xung quanh, phá vỡ quy hoạch đã được Thành phố phê duyệt, gây nhiều kiện cáo…

Chưa bàn đến chuyện đúng sai hay thái độ làm việc của 2 bên ra sao, nhưng việc “khép cửa” thông tin của đại diện chủ đầu tư rõ ràng lại có tác dụng ngược khi càng khiến người ta tò mò, muốn tìm hiểu về dự án này.

Thật trùng hợp khi mới đây, người viết được chứng kiến thái độ làm việc khá “khép kín” của một lãnh đạo doanh nghiệp cũng thuộc họ Handico. Chuyện bắt đầu từ việc nhiều khách hàng của dự án tại ngã tư Lê Văn Thiêm phản ánh đến Đầu tư Bất động sản việc chủ đầu tư thu tiền của họ đã 6 năm nay mà đến nay hình hài dự án vẫn bóng chim tăm cá.

Dự án này ban đầu do Tổng công ty Thành An làm chủ đầu tư. Tuy nhiên, sau đó, đơn vị trên đã bán lại cho 4 nhà đầu tư do CTCP Đầu tư và phát triển nhà Hà Nội số 41 (Handico 41) làm đại diện. Ngay sau khi chuyển nhượng, mặc dù vẫn còn nằm trên giấy, từ năm 2009, 4 công ty thứ cấp này chào bán căn hộ ra thị trường với mức giá từ 25 - 26 triệu đồng/m2 và thu nhiều tỷ đồng tiền đặt cọc của khách hàng.

Sau 6 năm, hiện trạng khu đất dự án này vẫn hoang hóa, cây cỏ mọc um tùm. Trước lời kêu cứu của khách hàng, phóng viên đã nhiều lần liên lạc với chủ đầu tư Handico 41, nhưng vị tổng giám đốc doanh nghiệp này liên tục từ chối gặp mặt với nhiều lý do khác nhau. Trong cuộc gặp gỡ chỉ kéo dài vài phút với vị lãnh đạo trên tại trụ sở Công ty, phóng viên vẫn đón nhận sự thiếu hợp tác của vị tổng giám đốc Handico 41 trong việc phản hồi các thông tin mà độc giả Đầu tư Bất động sản đặt ra.

Trước thái độ im lặng này, được biết một vài khách hàng của dự án trên đang tính đến việc “nói chuyện” với chủ đầu tư với sự chứng kiến của tòa án.

Người xưa răn dạy rằng “im lặng là vàng”, nhưng có lẽ với những đơn vị mà “sự sống còn” phụ thuộc vào sự quan tâm hay thái độ nghi ngại của khách hàng với các sản phẩm họ làm ra, hay nói cách khác là thương hiệu dễ bị ảnh hưởng bởi số đông như các nhà phát triển bất động sản, thì những lời nói ra hợp lý, hợp tình còn quý như… kim cương.

Sớm thừa nhận cái sai để dần sửa sai chắc chắn sẽ dễ được thông cảm hơn nhiều lần việc “ngậm miệng ăn tiền” để rồi bị cơ quan quản lý cưỡng chế thu hồi dự án hay cắt ngọn, cắt tầng như bài học của chủ dự án 8B Lê Trực vẫn còn đang rất thời sự.

Nguồn Tin nhanh chứng khoán