Hộ nghèo Tây Nguyên đã ý thức được “có vay, có trả“

Đó là chia sẻ của ông Trần Việt Hùng, Phó trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nguyên với báo chí xung quanh Hội nghị sơ kết 3 năm thực hiện Đề án củng cố nâng cao chất lượng tín dụng chính sách và 2 năm phối hợp thực hiện các chương trình tín dụng chính sách tại Tây Nguyên.

Hộ nghèo Tây Nguyên đã ý thức được “có vay, có trả“

Sau 2 năm phối hợp thực hiện các chương trình tín dụng chính sách tại địa bàn Tây Nguyên giữa Ban Chỉ đạo với Ngân hàng Chính sách xã hội được đánh giá đã đem lại nhiều chuyển biến tích cực. Theo ông, sự chuyển biến này được thể hiện rõ nhất ở nội dung nào?

Đầu tiên phải kể đến chất lượng tín dụng và quản lý vốn vay của Ngân hàng Chính sách xã hội đã được nâng cao lên rất nhiều. Vào thời điểm trước khi tiến hành Đề án, nợ quá hạn ở khu vực Tây Nguyên của Ngân hàng cao hơn bình quân chung của toàn quốc và tiềm ẩn nợ quá hạn có chiều hướng gia tăng.

Tổng dư nợ cho vay ở khu vực Tây Nguyên lúc đó chiếm tỷ trọng 11% dư nợ của toàn quốc của Ngân hàng Chính sách xã hội, trong khi đó tổng số nợ quá hạn gần chiếm tỷ trọng 13,2% nợ quá hạn của toàn quốc.

Đạt được kết quả trên là do Đề án đã thực hiện đồng bộ các giải pháp củng cố, nâng cao chất lượng tín dụng chính sách, vận động, tuyên truyền, nâng cao ý thức cho người dân.

Cuối năm 2013, Đoàn giám sát của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã tiến hành giám sát việc thực hiện chính sách tín dụng xã hội tại một số tỉnh, trong đó có các tỉnh Tây Nguyên. Trong bản báo cáo trình Quốc hội khoá XIII, kỳ họp thứ 7 vào tháng 6/2014, Đoàn giám sát đã kết luận: “Chính sách tín dụng cho hộ nghèo là chính sách được triển khai rộng rãi nhất, đáp ứng một lượng lớn nhu cầu vốn của hộ nghèo, tác động trực tiếp và mang lại hiệu quả thiết thực, là một trong những điểm sáng trong các chính sách giảm nghèo. Đây cũng là chính sách xây dựng được mối liên kết tốt giữa Nhà nước thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội với các tổ chức hội, đoàn thể và người nghèo, phát huy được tính chủ động, nâng cao trách nhiệm của người nghèo với chính quyền cơ sở thông qua việc giữ mối liên hệ, hướng dẫn làm ăn, đôn đốc giải ngân, thu nợ của ngân hàng…”.

Công tác phối hợp giữa các hội, đoàn thể, Tổ tiết kiệm và vay vốn, Trưởng buôn, làng trong việc bình xét cho vay được thực hiện công khai và chất lượng, qua đó nâng cao được trách nhiệm quản lý, giám sát sử dụng vốn vay; khách hàng vay vốn đã có chuyển biến về ý thức được có vay, có trả, chấp hành khá tốt quy định nộp tiền lãi và gửi tiền tiết kiệm theo định kỳ hàng tháng, trả nợ vay khi đến hạn.

Ông có thể chia sẻ những kinh nghiệm rút ra trong quá trình phối kết hợp thực hiện Đề án?

Có thể nói kinh nghiệm đầu tiên phải kể đến chính là sự vào cuộc quyết liệt, hiệu quả của các cấp, từ tỉnh đến xã, đồng thời có sự chỉ đạo sâu sát của Ban Chỉ đạo, cũng như sự thực hiện nghiêm túc, trách nhiệm, nhiệt tình của Ngân hàng Chính sách xã hội.

Tiếp đến, là vai trò tích cực của các hội, đoàn thể nhận uỷ thác, cũng như Ban quản lý Tổ tiết kiệm và vay vốn trong việc bám sát cơ sở, đôn đốc người vay chấp hành nghiêm túc nghĩa vụ trả nợ, trả lãi và thường xuyên giúp đỡ hộ vay trong việc sử dụng vốn vay hiệu quả

Ngoài ra, phải kể đến sự quan tâm và làm tốt việc xử lý nợ bị rủi ro do nguyên nhân khách quan cho người dân, kịp thời, đúng chính sách quy định của các cấp, cũng như Ngân hàng Chính sách xã hội.

Một kinh nghiệm nữa được rút ra là việc phối hợp chặt chẽ giữa công tác khuyến công, khuyến nông..., chuyển giao công nghệ của các cơ quan chính quyền và các hội, đoàn thể với công tác cho vay vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội. Đây là yếu tố cơ bản giúp người vay sử dụng vốn có hiệu quả, thoát được nghèo và trả nợ đúng hạn cho ngân hàng.

Sau những thành công trên, thời gian tới, sự phối hợp giữa Ban Chỉ đạo Tây Nguyên với Ngân hàng Chính sách xã hội sẽ đặt trọng tâm vào những nội dung gì, thưa ông?

Mục tiêu chung trong thời gian tới là hoạt động tín dụng chính sách xã hội vùng Tây Nguyên phát triển theo hướng ổn định, bền vững để thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội và tạo điều kiện hỗ trợ cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và các đối tượng chính sách vươn lên thoát nghèo bền vững.

Cụ thể, Ban Chỉ đạo Tây Nguyên và Ngân hàng Chính sách xã hội sẽ đặt trọng tâm giúp 100% hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và các đối tượng chính sách có nhu cầu và đủ điều kiện đều được vay vốn các chương trình tín dụng chính sách và tiếp cận các dịch vụ khác do Ngân hàng Chính sách xã hội cung cấp. Địa phương sẽ hỗ trợ về nguồn vốn mỗi năm thêm ít nhất 10%, để đến năm 2017 toàn vùng có số dư nguồn vốn địa phương bình quân mỗi tỉnh 80 tỷ đồng.

Đi đôi với tăng trưởng tín dụng là tiếp tục củng cố, nâng cao chất lượng tín dụng, phấn đấu tỷ lệ nợ quá hạn của vùng Tây Nguyên ổn định, giảm lãi tồn đọng và tiếp tục thực hiện việc củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động Tổ tiết kiệm và vay vốn, đồng thời tăng số dư tiền gửi của tổ viên Tổ tiết kiệm và vay vốn.

Nguồn Tin nhanh chứng khoán