Hòa Phát và cuộc chiến với thép Trung Quốc

 Ngành thép đang gặp khủng khoảng khi nhu cầu thép toàn cầu, đặc biệt là thị trường Trung Quốc liên tục sụt giảm. Theo số liệu của Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA).

Hòa Phát và cuộc chiến với thép Trung Quốc

Khủng hoảng ngành thép thế giới

Ngành thép đang gặp khủng khoảng khi nhu cầu thép toàn cầu, đặc biệt là thị trường Trung Quốc liên tục sụt giảm. Theo số liệu của Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), ước tính nhu cầu thép toàn cầu năm 2015 giảm 1,7%, xuống 1,513 tỷ tấn, trong khi sản xuất thép thô ước đạt 1,643 tỷ tấn, giảm gần 2% so với năm 2014.

Giá quặng sắt thế giới tại thời điểm cuối năm 2015 ở mức 38,37 USD/tấn, giảm 45% so với đầu năm. Giá thép phế nhập khẩu vào Việt Nam tại thời điểm tháng 12/2015 chỉ còn 175 USD/tấn, giảm 45% so với đầu năm, trong khi giá phôi thép nhập khẩu năm 2015 còn 275 USD/tấn, giảm 39% so với đầu năm.

Tại Việt Nam, mặc dù giá thép giảm sâu, nhưng sản lượng các sản phẩm thép năm 2015 đạt 14,988 triệu tấn, tăng 21,54% so với năm 2014, trong đó sản phẩm dài tăng 26,66%, thép cuộn cán nguội tăng 11,83%, ống thép hàn tăng 26,68%, thép mạ kim loại và sản phẩm màu tăng 18%.

Về tiêu thụ sản phẩm thép, tiêu thụ thép của Việt Nam năm 2015 đạt 18,12 triệu tấn, tăng 28,02% so với năm 2014.

Theo VSA, sản xuất thép trong nước bị ảnh hưởng của lượng thép nhập khẩu tăng cao như: tôn mạ kim loại và sơn phủ màu, thép thanh, thép cuộn, dây thép, ống thép. Do đó, tốc độ tăng trưởng sản xuất trong nước vẫn thấp hơn nhu cầu các sản phẩm thép.

Hòa Phát và cuộc chiến với thépTrung Quốc

Theo số liệu của VSA, Hòa Phát đứng thứ 2 trong số 5 DN sản xuất thép xây dựng lớn nhất của Hiệp hội, với thị phần 21,3%, tương đương 1,426 triệu tấn; đứng sau Tổng công ty Thép Việt Nam (21,76%), Pomina (12,61%), Vinakyoei (8,52%). Về mảng ống thép, Hòa Phát đứng đầu về sản lượng (359.000 tấn) và bán hàng (329.200 tấn), chiếm 23,19% thị phần; Hoa Sen đứng thứ hai với sản lượng 212.780 tấn, bán hàng 269.330 tấn, chiếm 18,97% thị phần.

Mặc dù giá thép giảm 45% trong năm 2015, nhưng biên lợi nhuận gộp của Hòa Phát vẫn duy trì ở mức trên 22%. Trao đổi với ĐTCK, đại diện Hòa Phát cho biết, lý do là doanh số bán hàng tăng 1,4 lần.

Hiện Hòa Phát chưa công bố kết quả kinh doanh năm 2015, nhưng trong báo cáo của CTCK Rồng Việt (VDSC), dự phóng lợi nhuận sau thuế của Hòa Phát có thể đạt 3.889 tỷ đồng, vượt 19,6% kế hoạch.

Vấn đề của Hòa Phát hiện tại là cạnh tranh với thép Trung Quốc. Tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc xuống mức thấp nhất kể từ năm 2009, nhu cầu thép của nước này giảm mạnh khiến lượng cung dư thừa. Theo số liệu của Bloomberg các lô hàng xuất khẩu của Trung Quốc đã tăng 20% trong năm qua, lên 112,4 triệu tấn, cao nhất trong lịch sử.
Chính phủ các nước đang tìm cách để bảo vệ thị trường trong nước và các thành viên VSA cũng đã kiến nghị lên Bộ Công thương để kiểm soát chặt chẽ hàng nhập khẩu phôi thép hợp kim có chứa nguyên tố hợp kim Crom và sớm hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật liên quan như xây dựng các quy định, hàng rào kỹ thuật nhằm ngăn chặn việc nhập khẩu thép hợp kim.

Số liệu của VSA cho thấy, trong năm 2015, nhập khẩu thép ước khoảng hơn 9 tỷ USD, trong đó lượng thép thành phẩm và bán thành phẩm là 18,75 triệu tấn, tăng 23,42% so với năm 2014.

Theo VDSC, lợi nhuận sau thuế của Hòa Phát phụ thuộc khá nhiều vào biên lợi nhuận gộp mảng thép, cụ thể hơn là chịu ảnh hưởng lớn từ biến động giá của quặng sắt và thép xây dựng. Như vậy, kịch bản tệ nhất của Hòa Phát là khi Trung Quốc tiếp tục giảm giá bán để giải quyết tình trạng dư cung, khiến Hòa Phát phải giảm giá để cạnh tranh, trong khi giá nguyên vật liệu tăng trở lại. Tuy nhiên, kịch bản này được VDSC đánh giá có xác suất xảy ra thấp, do cân đối giữa cung - cầu của thị trường thép thế giới, ảnh hưởng từ Trung Quốc thường khiến giá thành phẩm và nguyên liệu tăng giảm cùng chiều.

VDSC cho rằng, trong năm 2016, nhờ sự mở rộng của Khu liên hợp thép tại Hải Dương, Hòa Phát sẽ duy trì được thị phần và mức biên lợi nhuận gộp khả quan. Doanh thu và lợi nhuận năm 2016 có thể đạt 34.375 tỷ đồng và 4.835 tỷ đồng, tương đương EPS 6.597 đồng.

Theo VSA, năm 2016, ngành thép sẽ tăng trưởng khoảng 15% so với năm 2015, trong đó phôi thép tăng 10%, thép xây dựng tăng 15%, thép lá cuộn cán nguội tăng 13%, thép ống hàn tăng 18%, tôn mạ và sơn phủ màu tăng 15%.

Nguồn Tin nhanh chứng khoán