Huyền thoại con đường tiền tệ qua lời kể những nhân chứng lịch sử

Gắn liền với cuộc kháng chiến của dân tộc ta là những con đường huyền thoại như: “đường mòn Hồ Chí Minh”, “đường Hồ Chí Minh trên biển”. Thế nhưng không nhiều người trong chúng ta biết còn có một con đường quan trọng khác đó là “con đường tiền tệ” với nhiều câu chuyện về hoạt động tài chính ngân hàng trong chiến tranh mà chúng ta chưa được biết đến vì những lý do đặc biệt.

Huyền thoại con đường tiền tệ qua lời kể những nhân chứng lịch sử

1. Ông Vũ Kim Ngân, nguyên cán bộ Ngân hàng Quốc gia Khu Tả Ngạn - sông Hồng, trong hậu địch

Cuối năm 1950, tôi được giao nhiệm vụ bán công trái ở trong vùng địch hậu khi đó rất khó khăn là Hưng Yên, Hải Dương, Thái Bình.

Lúc ấy, cán bộ làm ngân hàng rất chắt chiu. Anh Nguyễn Lương Bằng làm tài chính cho Đảng, có lần vào cuối năm thấy thiếu mấy hào, ăn không ngon, ngủ không yên, phải báo cáo với Bác. Bác bảo: "Thôi có lẫn vào đâu thì cũng thôi, cứ ghi vào như thế thôi, chứ chú lấy mấy hào để làm gì".

Tôi có đi khảo sát và nghiên cứu vùng địch hậu thì thấy, ở đây bà con mình vẫn tiêu tiền Việt do Ngân hàng Nhà nước mình phát hành với nhau, dù là tiêu bí mật. Do đó, tôi bàn với một đồng chí thường vụ Tỉnh ủy Thái Bình là thử tìm cách đổi tiền của mình lấy tiền Đông Dương với nhân dân xem thể nào, vừa là thăm dò luôn.

Ý tưởng này của tôi đã được các đồng chí ấy nhiệt tình ủng hộ và cho biết: “Nếu tiền có ảnh của Cụ Hồ là người ta tin”. Tôi thông báo ngay việc này cho Liên khu 3. Sau đó, khoảng 20 gánh tiền được chuyển về Thái Bình và chọn 2 chợ để thực hiện việc đổi tiền là chợ Gốc ở Kiến Xương và chợ Cầu ở Thái Ninh. Khu ấy tương đối rộng nhưng cách bốt địch độ 2-3 cây số. Việc đổi tiền mình không hề tuyên truyền, chỉ lặng lặng thực hiện.

Ở các chợ này, cán bộ chỉ nói: “Ai có tiền Đông Dương thì đổi lấy tiền của Cụ Hồ tiêu với nhau cho dễ, Nhà nước dùng tiền Đông Dương, mua tiền của địch để mà đánh đích. Khi nào cách mạng thắng lợi thì sẽ mang tiền về đổi cho dân. Mọi người đổi để tự tiêu với nhau, đừng để địch phát hiện”.

Bà con chỉ cần nghe nói vậy, ai cũng tin tưởng vào Đảng, vào cách mạng, nên đều đổi hết tiền cho Ngân hàng Nhà nước. Gần hết buổi sáng thì hết tiền.

Không chỉ có thể, bà con ở chợ còn ngầm tuyên bố với nhau: “Không lấy tiền Đông Dương, ai có tiền ngân hàng mới bán”.

Sau này thành lập Khu Tả Ngạn, ngân hàng trong lòng địch vào quý II/1952, anh Đỗ Mười triệu tập mọi người lên chỉ thị chuẩn bị 2 vấn đề: Chuẩn bị đổi tiền trong hậu địch và tập huấn cách đổi tiền, cách giữ tiền, bảo quản tiền làm sao không mất. Không có văn phòng trong hâu địch, không thành bộ máy, mỗi 1 tỉnh chỉ có 1 chủ tịch hoặc bí thư.

Chính nhờ dựa vào dân, nên căn cứ địa trong hậu địch như căn cứ thép vô hình, nên Tây và Việt gian không thể biết được.Trong suốt cuộc kháng chiến chống Pháp, căn cứ địa không bao giờ lộ, 5 năm không ai bị bắt.

Lần này vận chuyển hàng trăm gánh tiền, hàng trăm người vận chuyển hàng đặc biệt. Chuyển vận tiền như thế về các tỉnh, tỉnh lại phân phối cho các huyện, sau đó lại là những chuyến vận chuyển ngược lại.

Dù 2 bên bờ đê có bốt gác, dưới sông có các ca nô, tàu chiến, nhưng không hề bị bắt, bị lộ. Điều này có được là nhờ vào lòng tin của nhân dân đối với cách mạng, sự che chở, giúp đỡ của nhân dân.

Có lần ở Thái Bình, địch quây 1 trận lớn, 3 đêm liền không đi được. Cả 20 gánh tiền phải gọi người dân đến phân tán cho du khích, cất dấu, đợi Tây rút, tối hôm đó mới thu về, số tiền vẫn còn nguyên.

Tuy nhiên, có được chiến công này là nhờ vào dân. Tôi còn nhớ câu chuyện trong sự kiện này, Khi đó, lúc bị địch quây, cán bộ, du kích đem 2 gánh tiền gửi ở nhà 2 ông bà có kho nhỏ dưới hầm, 2 ông bà liền kéo đổ nhà và đốt luôn, vì vậy, tiền của mình vẫn an toàn.

Ở một nhà khác, khi địch càn đến, thanh niên, phụ nữ đã di tản, chỉ còn cụ ông ở lại để trông coi hầm cất tiền, cũng như tiếp tế cho 5 cán bộ dưới hầm. Gia đình cụ có 4 người, trong đó có con là du kích. Địch đến nhà tra tấn ông, rồi bắt được con trai ông về nhà, bắn chết. Ông phanh ngực ra thì chúng không dám bắn nữa và rút đi. Số tiền và 5 cán bộ dưới hầm được bảo vệ an toàn.

Khi đổi tiền, không đổi hết tiền Đông Dương, mà chúng tôi còn đề xuất mua vàng, tới hàng nghìn lạng. Giao tiền cho nhau không có giấy tờ gì, nếu họ có lấy cũng chả làm được gì, nhưng họ không làm, dù thời đó rất khó khăn, thiếu ăn. Tất cả gạo nước, đường sữa dân đều dành cho cán bộ, tiền không mất một đồng, vàng không mất một cân.

Về tỷ giá, ở vùng địch cao hơn tỷ giá ở vùng tự do, lúc đầu 1 đồng Đông Dương đổi 90 đồng của ta, sau xuống 60 đồng. Rõ ràng, đấu tranh tiền tệ trong vùng hậu địch thắng lợi hơn cả ở ngoài vùng tự do.

Sau sự thành công ở Thái Bình, mô hình đổi tiền và vận chuyển tiền được nhân rộng ra ở các vùng địch hậu khác.

2. Ông Lê Hoàng, Đại diện của Vietcombank tại Paris và các nước Bắc Âu, nguyên Phó tổng giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam

Trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam được giao sứ mệnh lịch sử là quản lý quỹ ngoại tệ đặc biệt do các nguồn thu từ viện trợ quốc tế, kiều bào gửi từ nước ngoài về, các nguồn thu từ các nhà hảo tâm nói chung hình thành quỹ ngoại tệ đặc biệt để chuyên trách phục vụ cho chiến trường.

Để thực hiện sứ mệnh này, hệ thống tổ chức gần giống như một ngân hàng bí mật hoạt động trong và ngoài nước phối kết hợp với nhau rất nhịp nhàng. Ngân hàng ngoại thương Việt Nam là vỏ bọc vừa công khai vừa bí mật. Cả Ngân hàng Ngoại thương Trung ương có một hệ thống đại diện ở Hồng Kông, Bắc Kinh, Paris, Phnompenh – một bộ máy ngân hàng bí mật phối hợp với nhau đảm bảo cung cấp ngoại tệ cho chiến trường với nguyên tắc tuyệt mật an toàn và cực nhanh.

Tổng số tiền điều đi B gần 1 tỷ đô la, nhưng thời gian đầu, từ năm 1964-1966, chi tiêu chiến trường chưa nhiều, nhưng càng về sau, Mỹ càng quấy phá mạnh, chi tiêu càng tăng.

Những năm đầu vận chuyển tiền đi B là cả một công trình, phối hợp giữa Bộ Quốc phòng, Tổng cục Hậu cần với Ngân hàng Ngoại thương. Những nhu cầu chi tiêu theo kế hoạch Bộ Quốc phòng, Tổng cục Hậu cần dùng ô tô vận tải của Ngân hàng Ngoại thương, nhận đô la, đóng gói trong hòm kẽm chống cháy, cho vào thùng gỗ ngụy trang, chở từ Ngân hàng về Bộ Quốc phòng rồi tiếp tục đưa chạy dọc theo đường Trường Sơn vào Nam. Hành trình có lúc hàng tháng trời mới tới được miền Nam.

Có những lúc bị địch đánh máy bay, bỏ bom, đô la không bị cháy hẳn, nhưng bị nung rục trong hòm kẽm, có tới gần 4 triệu đô bị như vậy, hàng chục chiến sĩ bị hy sinh. Do hành trình này vừa hao người, lại tốn của, Ngân hàng Ngoại thương nghiên cứu, cải tiến để hạn chế tổn thất.

Đến 1967-1970, trong 4 năm có đường hàng không Air France của Pháp trên tuyến Hà Nội - Quảng Châu - Phnompenh, Ngân hàng chuyển qua, cho đô la vào cặp ngoại giao, bề ngoài đóng giả là cán bộ ngoại giao, mang theo cặp Diplomat lên máy bay Air France, bay 3 tiếng đến Phnompenh, từ Phnompenh lấy ô tô biển đỏ ngoại giao của sứ quán ta chạy hướng đến chiến khu Tây Ninh giao cho cụ Phạm Hùng mất thêm 3 tiếng nữa. Như vậy 30 ngày đêm rút xuống còn 6 tiếng đồng hồ.

Nhưng cách chuyển tiền này cũng chỉ duy trì được 4 năm, vì Lon Nol ở Phnompenh đảo chính, đường bay lại tắc. Lúc đó rất gay go vì đô la không vào kịp chiến trường, ngay dọc đường Trường Sơn, tiền thanh toán thuê voi của Lào chở tiền, vũ khí thì không chi trả kịp thời được. Dọc theo biên giới Phnompenh, không có tiền chi viện, khả năng giảm 50%, rất gay go.

Sau khi bị cúp đường bay, lãnh đạo Ngân hàng Ngoại thương có sáng kiến thay phương thức chuyển tiền mặt AM – A viết tắt của đô la, M viết tắt của tiền mặt. Đồng chí Phạm Hùng duyệt phương án chọn một tư sản Sài Gòn tin cậy để quan hệ với ta, giúp ta chuyển tiền vào chiến trường.

Đồng chí Phạm Hùng gọi đồng chí Lữ Minh Châu, một tài năng vừa tốt nghiệp ngành tài chính ngân hàng ở Liên Xô hỏi: “Anh muốn tiếp tục sang Matxcova để làm luận án tiến sĩ hay muốn về miền Nam”? Đồng chí Lữ Minh Châu cười, nói: “Các anh cho em được về phục vụ chiến trường”.

Sau đó, đồng chí Lữ Minh Châu được cử sang Campuchia để học tiếng Khơ me, rồi về Sài Gòn, được biệt phái vào công tác trong một ngân hàng của Ngụy, móc ngoặc với một tư sản Sài Gòn biệt danh là anh Tư Trần An, tư sản kinh doanh vàng, chuyên nhập vàng từ Hongkong, Singapore và các nước châu Á.

Anh Lữ Minh Châu cầm tiền ngụy để chi trả cho các chiến trường, mỗi lần cần lại gõ cửa anh Tư Trần An. Anh Tư Trần An công khai rút tiền ngụy mệnh giá lớn ở ngân hàng giao cho anh Lữ Minh Châu, lập một số kho ở Sài Gòn. Ngoài ra, anh Lữ Minh Châu còn bố trí hàng đoàn ô tô vận tải mấy chục chiếc, đoàn tàu thủy vận chuyển, bề ngoài thì chở kinh doanh nước ngọt, bia.

Mỗi khi anh Tư Trần An nhập khẩu vàng ở một số nơi, anh Lữ Minh Châu mật điện ra Hà Nội thông báo, Hà Nội lại công khai gọi sang Hongkong yêu cầu Hongkong trả thanh toán tiền, chỉ 30 phút sau là xong. Như vậy, cả 2 bên cùng có lợi, anh Tư Trần An lại trốn được thuế, thành ra hợp tác với nhau rất chặt chẽ.

Lúc đầu làm theo phương pháp AM là tiền mặt rắc rối, khó khăn, tốn kém, sau chuyển qua FM (phương pháp mới). Đây là cải tiến sáng kiến tuyệt vời vừa an toàn, tuyệt mật, nhanh chóng, kịp thời, từ 30 ngày rút xuống còn 6 ngày và xuống 30 phút.

Về thời điểm tiếp quản Sài Gòn, Ngân hàng được Chính phủ giao nhiệm vụ 30/4 phải vào đến Sài Gòn. Đầu tháng 4, đồng chí Phạm Hùng gọi đồng chí Lữ Minh Châu từ sào huyệt của địch bí mật lên chiến khu để nhận nhiệm vụ chuẩn bị cho tiếp quản.

Một đoàn gồm cán bộ tài chính ngân hàng, Bộ Nội vụ, Ủy ban Kế hoạch Nhà nước… rời Hà Nội đi B vào Trung ương Cục 3 ngày trước ngày Giải phóng Sài Gòn. Tôi là đại diện của NHNN được giao vào ngân hàng của Ngụy, ngồi tại bureau của Lê Quang Uyển, Thống đốc Ngân hàng Quốc gia Việt Nam của Ngụy, tôi kéo ngăn kéo ra, tài liệu tối mật cần thiết để tiếp quản đều có trong đó.

Trong đó, chúng tôi mừng nhất là có bản Phúc trình thường niên của Thống đốc Ngân hàng Ngụy nói về tình hình hoạt động của Ngân hàng trong suốt năm 1974, có ghi hiện nay có bao nhiêu đô la, vàng trong nước và ngoài nước. Từ chỗ nắm được điều đó, chúng ta thu hết toàn bộ số ngoại tệ và vàng về.

Chúng tôi gọi là cuộc tiếp quản ngoạn mục Sài Gòn Gia Định. Kho của Ngân hàng Ngụy có 150 tỷ tiền Sài Gòn, ta còn tiếp tục sử dụng cho đến tháng sau, tổng đô la trong và ngoài nước gần 300 triệu USD, vàng có hơn 30 tấn gửi ở một số nơi trên thế giới, sau này lần lượt ta thu hồi về.

Chúng tôi nói rằng, thu được những khoản tiền này là ghê gớm rồi, nhưng quan trọng hơn là Ngân hàng Ngoại thương đã làm được chức năng điều động, quản lý quỹ tiền tệ đặc biệt trong suốt 10 năm vừa an toàn hiệu quả, tuyệt mật, cực nhanh vừa không hao tổn đồng nào, vừa tranh thủ gửi lấy lãi ở ngân hàng các nước 20-30 triệu đô nữa, đó là sáng kiến để chống lại âm mưu cấm vận của Mỹ, làm lợi cho đất nước trong suốt thời gian đó.

3. Ông Lê Văn Châu, Đại diện thường trú của B29 tại Hồng Kông - Bắc Kinh, nguyên Phó Thống đốc NHNN

Lúc bấy giờ Chính phủ Pháp phản bội lại Hiệp định Giơnevơ 1954, do tình hình như vậy, Đảng ta quyết tâm làm thế nào để tiến tới giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, nên lúc đó, viện trợ cho miền Nam một cách toàn diện và trong đó để chi viện ngoại tệ cho giải phóng miền Nam.

Trong việc chuyển ngoại tệ cho Trung ương cục miền Nam thì không phải là bắt đầu từ năm 1965, mà từ những năm 1960 đã có chuyển tiền cho hoạt động tại miền Nam. Sau đó, hoạt động vũ trang ngày càng phát triển nên yêu cầu viện trợ ngoại tệ cũng như các biệt tệ (SG, Campuchia, Lào, Thái Lan) ngày càng có quy mô lớn và tăng về số lượng. Do vậy, Bộ Chính trị cho thành lập 2 đơn vị.

Đơn vị tại Hà Nội là B29 lúc bấy giờ do Uủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Phạm Hùng phụ trách, sau một thời gian, khi đồng chí Phạm Hùng vào phụ trách Trung ương Cục miền Nam, thì đồng chí Lê Thanh Nghị tiếp quản. Hai đơn vị khi ra đời, B29 đơn tuyến để hoạt động, tại miền Nam cũng như vậy.

Tổ chức ban đầu của B29 có khoảng 10 người kể cả các đại diện của chúng ta ở các chốt quan trọng trên thế giới như Hồng Kông, Paris, Bắc Kinh, Quảng Châu… từ đó, để đảm bảo việc tập trung tất cả các nguồn viện trợ của các quốc gia, các tổ chức quốc tế, của các nhân sĩ, cùng với kiều bào của ta ở nước ngoài. B29 có nhiệm vụ tập hợp lại các nguồn viện trợ này cho chiến thắng miền Nam và biến viện trợ ngoại tệ này thành viện trợ bằng tiền mặt (như lấy đô la mua tiền Lào, tền Thái, tiền Sài Gòn…), bởi vì chiến trường của chúng ta trải khắp miền Nam và dọc các khu biên giới của các quốc gia này.

Những năm ban đầu ta vận chuyển vào Trung ương Cục và dùng con đường Hồ Chí Minh trên đường Trường Sơn. Lúc bấy giờ, B29 phối hợp với C100 thuộc Tập đoàn 559 của Tổng cục Hậu cần, chế tạo ra những hộp đặc biệt để vận chuyển tiền.

Sau đó, vận chuyển theo đường mòn Hồ Chí Minh vào các chiến khu, các chiến trường. Ở Nam Bộ cũng như Tây Nguyên, Tây Ninh, ở các chiến trường miền Nam. Với quá trình vận chuyển như vậy, thì vận chuyển bằng đường bộ cũng được số lượng lớn, nhưng cũng có những rủi ro, như địch đánh phá ác liệt, do vậy, quá trình càng làm thì ta càng rút được kinh nghiệm.

Trước đây chế biến thành các loại biệt tệ để phục vụ cho các chiến trường. Lúc đầu ta cũng có đầu mối tại Phnompenh và sau đó cài vào nội thành Sài Gòn, Gia Định, để đảm bảo một phần. Sau này dùng một phương pháp mới là FM.

Ta có bàn đạp ở Sài Gòn và Gia Định, có các chân rết ở nội thành và từ đó chuyển đi các chiến trường. Từ B3, B3, B4, T4. Dùng các phương tiện đường biển của địch để vận chuyển đến khu 5, Đà Nẵng, Thừa Thiên Huế…

Cái hình thức chuyển tiền bằng tiền mặt chuyển sang hình thức trả cho khách hàng chân rết của ta ở Sài Gòn, đưa tiền Sài Gòn cho mình trước, rồi ta chuyển khoản cho họ từ Hồng Kông mua vàng cho cơ sở này, như vậy, bớt được rủi ro, đồng thời thanh toán được trong vòng mười mấy phút là hoàn thành nhiệm vụ.

Đây là sự sáng tạo của Đảng và của nhân dân ta và đặc biệt trách nhiệm này giao cho NHNN dưới vỏ bọc là Ngân hàng Ngoại thương để dùng tất cả mọi nghiệp vụ, điều kiện xây dựng được một mạng lưới tại miền Nam, Bắc Kinh, Hồng Kông.

Cuối cùng, Trung ương quyết định đưa tất cả các nguồn viện trợ này về ưu tiên phục vụ chiến trường miền Nam. Suốt 10 năm, chúng ta đã vận chuyển được 1 tỷ đô, hàng tỷ tỷ tiền zét lúc bấy giờ, hàng trăm triệu tiền Kíp Lào, tiền Campuchia và tiền Thái Lan.

Phải nói rằng, một khối lượng tiền khổng lồ đã được vận chuyển đưa vào cho các chiến trường miền Nam một cách bí mật, an toàn. Làm được như vậy tất nhiên là sự lãnh đạo tuyệt vời của Đảng ta rồi, nhưng còn có những cán bộ Đảng viên được cử làm nhiệm vụ này của NHNN đều là những cán bộ trung kiên trung thành với sự nghiệp cách mạng vì tài sản của dân trong tay các đồng chí rất lớn, nếu không trung thành có thể xảy ra những rủi ro đáng tiếc.

Quá trình 10 năm đã đóng góp 1 phần nhỏ vào thắng lợi giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, đội ngũ cán bộ NHNN và NH ngoại thương đã có hàng mấy trăm cán bộ vào Nam phục vụ chiến trường, riêng B29 làm nghiệp vụ này gần 200 cán bộ của Ngân hàng Ngoại thương. Mạng lưới ngân hàng đại lý trên thế giới mà B29 gửi có tiền trên thế giới là cũng trên 200 ngân hàng đại lý.

Phải nói rằng, trên 200 ngân hàng đó chính là ngân hàng cỡ lớn mới đảm bảo bí mật an toàn, mình cần gì thì họ chi viện cái đó. Đây thực sự là một ngân hàng đặc biệt của miền Nam, nó đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử của mình để phục vụ chiến trường giành thắng lợi cuối cùng là giải phóng miền Nam và thống nhất đất nước.

Những thành quả 2 đơn vị này đã đạt được trong 10 năm vừa qua. Điều trước tiên và quan trọng nhất là chủ trương của Bộ Chính trị và mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam, đó là một chủ trương tuyệt vời tạo ra những cơ sở ban đầu để cho chúng ta hoạt động ở cả hai miền triển khai vận chuyển tiền thông suốt cả miền Nam và miền Bắc.

Vấn đề thứ hai, khi đã có những quyết định này rồi thì việc tổ chức và triển khai cũng thể hiện sự quyết tâm rất cao của hệ thống ngân hàng.

Vấn đề thứ ba chính là chúng ta chọn được những cán bộ ưu tú, tuyệt đối trung thành, giữ bí mật tuyệt đối, thực hiện được nhiệm vụ này, nên thực hiện không gây tổn thất gì cho đất nước.

Nhưng thứ tư là phối hợp rất đồng bộ giữa B29 và N2683, vì không có sự hợp đồng như vậy thì không thể có những kết quả đảm bảo an toàn.

Vấn đề thứ năm, sau khi hoàn thành nhiệm vụ trong 10 năm, giải phóng miền Nam rồi, đến tháng 4 năm 1975, tổng kết lại toàn bộ viện trợ cho miền Nam, nếu bằng đô la thì cỡ 1 tỷ đô, nếu bằng loại biệt tệ như tiền Sài Gòn là hàng tỷ tỷ, hàng trăm triệu tiền Campuchia, tiền kíp lào và tiền Bath Thái.

Và cuối cùng tất cả tài sản đó của đất nước đến khi giải phóng không mất một đồng xu, thanh tra đã tuyên bố rằng rất trung thành và trong sạch đảm bảo toàn vẹn tiền ngoại tệ viện trợ. Đây là thành quả to lớn, đây là niềm vinh dự của cán bộ NHNN và NH Ngoại thương và những anh em làm nhiệm vụ này.

Nếu nói về viện trợ, từ năm 1960 đến 1964 có chủ yếu là hiện vật, bên cạnh đó cũng có ngoại tệ, chủ yếu là quân trang quân dụng, thuốc men, lương thực, thực phẩm, lúc bấy giờ vận chuyển chủ yếu là đường mòn Hồ Chí Minh.

Khi các bình phong của chúng ta đều là các nhà tư sản lớn tại SG, họ cũng vì lợi ích của họ là vì phần lớn họ buôn bán vàng lậu từ Hồng Kông về Sài Gòn, ta tìm đúng các bình phong này, họ nhất trí với mình là giao tiền biệt tệ Sài Gòn trước, rồi mình chuyển đi các chiến trường cho kịp thời, trong đó mình ra lệnh thành tuyến Phnom Penh - Sài Gòn - Hongkong, rồi Phnom Penh - Hongkong rồi, Hongkong - Hà NộI - Sài Gòn.

Tức là tiền của mình ở các đại lý ở ngân hàng nước ngoài, khi có lệnh trả cho ai đó thì N2683 sẽ gọi điện ra nước ngoài, lúc bấy giờ, các thông tin sẽ có, khách hàng tên là gì, ở đâu, trả bằng chuyển khoản hay tiền mặt ở đâu thì chúng ta sẽ thực hiện. Nên sau này rút ngắn được thời gian, từ 1971 - 1975 mình đỡ vận chuyển.

Thời gian đầu, khi mình chuyển còn ít, cuối 1964 đầu 1965, có những lúc các chiến sĩ ở chiến trường K và chiến trường C, tạm thời bớt khẩu phần ăn của mình, có đơn vị bớt 50% để chờ tiếp tế vì ngoại tệ không kịp. Có những lúc đi bị đánh phá, đốt cháy, thì cũng không kịp.

Từ những năm 1986 cải cách nền kinh tế của đất nước và giao cho NHNN lúc đó là đồng chí Lữ Minh Châu tổ chức nghiên cứu, xây dựng kế hoạch.

Có Vụ Đối ngoại, Vụ Kế toán và Vụ Kế hoạch tiền tệ để có nghiên cứu ban đầu. Quá trình nghiên cứu năm 1968, nhưng lúc đó chủ trương chưa triển khai nên các đồng chí này đều được cử ra ngoài làm. Đến năm 1987 đầu 1988, lúc đó lạm phát là 700%, theo đó, đồng chí Đỗ Mười - Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng giao cho NHNN nghiên cứu làm thế nào để giải quyết vấn đề lạm phát lúc bấy giờ. Lúc đó đã đưa ra, nghiên cứu để làm thế nào để thu tiền về vì tiền trong dân quá nhiều mà NH lại không có tiền.

Vì thế, tăng lãi suất lên 12%/tháng, vì vậy trong 3, 4 tháng có thể thu lại một lượng lớn tiền trong dân quay trở lại ngân hàng. Các ngân hàng nước ngoài và các tổ chức quốc tế như Quỹ tiền tệ thế giới IMF đã cử những đoàn cán bộ vào Việt Nam để làm những báo cáo kinh tế. Năm 1990, Ngân hàng Thế giới đã có một báo cáo kinh tế về đổi mới của Việt Nam, năm 1988, 1989 thực hiện chuẩn bị 2 pháp lệnh NHNN và NHTM. Trước đây NHNN vừa chính sách vừa thực hiện nghiệp vụ, thì bây giờ NHNN chỉ thực hiện điều hành, quản lý, còn NHTM thì làm các nghiệp vụ.

Năm 1990 hai pháp lệnh này có hiệu lực, đi theo kinh tế thị trường, thì tất cả đều phải chuyển hướng theo cơ chế mới này. Trước tiên, ta phải tính lại theo cách mới khối lượng tiền trong lưu thông, tính lại chính sách tiền tệ theo thị trường. Đầu tiên là chính sách tỷ giá. Lúc này, tỷ giá ngoài chợ đen lúc nào cũng gấp đôi thị trường chính thức của NHNN công bố.

Năm 1990 chúng ta mở ra trung tâm giao dịch ngoại tệ đầu tiên tại TP. HCM, như vậy tỷ giá chợ đen là 8.500 mà tỷ giá của mình là 4.100. Sau 1 tuần mở ra trung tâm này thì đã đưa lên 10.500. Lúc đó chợ đen thấp hơn tỷ giá chính thức, sau khi hoạt động 1 tháng, khi tỷ giá lên 12.500 đồng/USD thì ta chủ trương đưa tỷ giá vừa phải. Khi xuống 10.200 thì ta chốt ở đó, hơn thị trường chợ đên khoảng 0,5%. Đến bây giờ cũng trên cơ sở ban đầu như đó.

Sau đó, đến cải cách về lãi suất, từ lạm phát phi mã hơn 700%, đồng tiền dã có giá trị hơn, đến 1990 - 1991 thì xuống có hơn 10%, rồi xuống 7% đưa đến thị trường của chúng ta đến năm 1997 ổn định hoàn toàn.

Hệ thống của NH chúng ta được tách ra có 5 NHTM nhà nước, và sau đó, ra đời thêm 9 NHTM cổ phần như ACB, Đông Á... Cùng lúc đó, đầu tư của nước ngoài vào rất lớn, nên các nhà đầu tư của nước ngoài cũng muốn có NH nước ngoài vào phục vụ và Đảng, Chính phủ đã đồng ý cho một số NH nước ngoài mở chi nhánh tại Việt Nam.

Lúc bấy giờ thị trường tiền tệ của chúng ta vừa có hệ thống của NHTM Việt Nam và NHTM nước ngoài, hoạt động đảm bảo nguồn vốn cho việc phát triển kinh tế.

Đây là quá trình khởi đầu cho công cuộc cải cách kinh tế của ta mà nhà nước lúc bấy giờ lấy NH đi trước sau đó mới đến hệ thống tài chính và đến những bộ ngành khác. Lúc đó, những cán bộ của các bộ ngành khác nhìn hoạt động sôi nổi của ngành NH. Nên nhiều người muốn về làm việc ở đây.

Về mặt bao vây cấm vận, đảm bảo trả nợ không xóa nợ, sau khi cải cách được mấy năm tình hình kinh tế còn yếu kém nên ta vẫn yêu cầu các nước này phải xóa nợ cho Việt Nam và kéo dài thời gian trả nợ lên 30 năm.

Cuộc họp kéo dài 27 tiếng đồng hồ suốt đêm, như vậy, những nước có chính sách xóa nợ, những nước như Mỹ và Nhật không có chính sách xóa nợ thì kéo dài thời gian trả nợ lên tới 30 năm. Đó là thành quả trong họp câu lạc bộ Paris. Tiếp đó, họ yêu cầu mình giải quyết các khoản nợ của các NHTM lên tới 900 triệu đô.

Cũng kéo dài gần 20 năm mới kết thúc được câu lạc bộ này và được xóa 52,3%nợ. Xóa nợ về thương mại cao nhất của thế giới lúc bấy giờ. Khi giải quyết được 2 hệ thống nợ như vậy rồi, các tổ chức quốc tế, ngân hàng thế giới, quỹ phát triển UNDP, là cùng chính phủ mình tổ chức hội nghị tài trợ thàng 10/1995.

Có tất cả các tổ chức quốc tế, trong hội nghị 2 ngày đó, Thủ tướng Phan Văn Khải, thay mặt chính phủ ta chủ trì có NHNN, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, để cùng các tổ chức quốc tế tổ chức. Kết quả là các tổ chức và quốc gia đã tài trợ cho chúng ta là 2,2 tỷ đô la và trong đó viện trợ không hoàn lại các nước và đặc biệt là Nhật là gần 300 triệu đô.

Đây là hội nghị tài trợ đầu tiên cho Việt Nam sau khi giải quyết nợ thế giới. Chính vì vậy tạo điều kiện cho chúng ta đưa nền kinh tế của chúng ta phát triển hơn. Đây cũng là mốc cho các nhà đầu tư nước ngoài thấy rằng vào đầu tư tại VN có hiệu quả và rất tốt, như vậy đầu tư của nước ngoài vào rất lớn.

Đây là những mốc ban đầu trong công cuộc cải cách, chúng ta càng đi vào chiều sâu và kinh tế thị trường thực sự. Có thể nói, hệ thống NH sau khi cải cách phục vụ rất đắc lực cho công tác cải cách kinh tế của đất nước. đặc bietj sau những năm 2010 trở đi, tiếp tục cải cách đi sâu vào kinh tế thị trường.

Nguồn Tin nhanh chứng khoán