Khi mua bán nhà đất chỉ dựa vào lòng tin

 Nếu nhút nhát quá, sẽ khó quyết định được việc lớn. Đặc biệt, với chuyện mua nhà. Nhưng nếu liều lĩnh quá, sợ rằng mọi chuyện không được như ý. Vậy lối đi nào để vừa an toàn, vừa đáp ứng được nhu cầu sở hữu nơi ăn chốn ở?

Khi mua bán nhà đất chỉ dựa vào lòng tin

1 Là một người làm trong ngành tài chính lâu năm, chị Thùy Trang rất cẩn trọng với tất cả những quyết định liên quan đến tiền bạc. Chị thuộc tuýp người lấy sự an toàn làm đầu, dù đầu tư hay mua bán bất cứ món đồ nào. Vậy nhưng mới đây, chị đã khoe với tôi rằng, đã đặt cọc để mua tặng 1 căn nhà nhỏ cho cậu cháu trai khi giấy tờ nhà vẫn chưa ngã ngũ.

Căn nhà ấy, nằm trong khu dân cư tại quận 12, khá xa trung tâm. Tuy nhiên, vì cậu cháu làm việc ở quận Thủ Đức và đại gia đình bà con dòng họ thì sống ở quận Gò Vấp, do vậy, căn nhà này đáp ứng được tiêu chí đi lại của chủ nhân.

Nhà nhỏ, chỉ 35 m2, được ông chủ xây đồng loạt các căn giống nhau trên diện tích lớn của miếng đất hiện hữu từ lâu đời.

Căn nào cũng ngang bằng diện tích, chênh nhau không đáng kể, xây 1 trệt 1 lầu, khang trang và sạch đẹp. Đường đi vào nhà lớn, không ngập nước, xe hơi chạy vô tới tận nơi. Quan trọng là giá cả khá tốt, chỉ 400 triệu đồng/căn. Nhưng giấy tờ là chuyện đáng bàn.

Miếng đất chung rất lớn, đã có sổ đỏ đàng hoàng, được cấp phép xây 7 - 8 căn nhà như vậy, nhưng chưa thể tách sổ riêng. Do đó, người bán hứa sẽ đưa sổ đỏ cho một người đại diện của các căn nhà đó giữ. Khi nào được phép của các cơ quan chức năng, thì tách sổ. Nghe cũng có lý.

Chỉ trong vòng vài tháng, tính từ lúc xây xong, các căn nhà đã được bán gần hết. Tới khi chị Trang đặt cọc mua, chỉ còn lại một căn duy nhất, chứng tỏ người bán đã nắm chắc tâm lý, sở thích, khả năng của đa số khách hàng. Cho dù giấy tờ vẫn chưa thể nào có trong ngày một ngày hai. Hơn nữa, sẽ có nhiều phát sinh và tranh chấp về pháp lý khó lường hết.

Phía bên bán thì đã nhận tiền hết rồi. Phía bên mua cũng đến ở rồi. Chỉ là tờ giấy chứng nhận sở hữu nhà và sử dụng đất ở là chưa được nắm trong tay.

Điều mà tôi thấy lạ nhất, là với người quen tiếp xúc với cách tính toán minh bạch và rõ ràng như chị Trang, cùng tính tình đã được tạo ra từ môi trường làm việc và nghề nghiệp, nhưng trước tình thế nhà đẹp, giá rẻ, đường đi dễ dàng, cũng chấp nhận mua mà không cần quan tâm nhiều tới giấy tờ.

Chị phân bua, thôi thằng cháu trai cứ ở lì đó, có gì sẽ tính. Cũng chẳng ai đuổi mình đi đâu được.

Người hiểu biết như thế, nhưng vẫn mang lòng tin ra để đặt vào sự rối rắm của các đường đi nước bước để có loại giấy tờ nhà chính thức, thì nói gì tới những người khác.

2 Tôi có lần đọc ở đâu đó khái niệm “nhà kẹt”. Khái niệm này ở Sài Gòn và các tỉnh phía Nam không phổ biến. Nhà kẹt, nghĩa là những miếng đất “đầu thừa đuôi thẹo”, rất nhỏ và hẹp, giấy tờ có được là cả câu chuyện dài, nhưng giá cả thì rẻ, nên người ít tiền vẫn chấp nhận mua.

Đó có thể là miếng đất góc phố, khi dự án giải phóng mặt bằng đã lấy gần hết căn nhà cũ, chỉ chừa lại chút ít đất. Nếu cho nhà bên cạnh, thì đương nhiên chẳng dại gì. Mà hàng xóm lại không có nhu cầu mua. Miếng đất ấy không đủ để cấp phép xây dựng căn nhà đàng hoàng, cũng chẳng quá ít để chủ cũ hiến tặng cho dự án luôn cho khỏe. Vì vậy mà thành “đất kẹt”.

Miếng đất kẹt ở góc đường này quá đẹp. Người mua buôn bán dễ dàng, dựng lên căn nhà nhỏ lấy chỗ chui ra chui vào và làm biển báo sạch sẽ lên, vẫn có giá trị tốt. Nhưng để ở mang tính lâu dài, thì nơm nớp vì chẳng biết các chính sách thay đổi thế nào.

Còn các miếng đất kẹt khác, vì lý do nào đó, muôn hình vạn trạng trong đời sống, mà nằm giữa 2 căn nhà dân, 2 tòa nhà lớn, nhỏ tí, tất nhiên, nhưng vẫn là đất. Và nó rẻ, đủ để kích thích lòng ham rẻ hoặc nhu cầu ít tiền của người mua.

Việc kiến trúc không theo quy chuẩn nào cả, dựa hoàn toàn vào cảm tính và nể nang sự tồn tại có sẵn của lịch sử, khiến đô thị Việt Nam láo nháo như chợ trời.

Cứ mỗi khi có con đường đẹp đi ngang qua, là nhìn thấy những căn nhà siêu mỏng như thân hình người mẫu quốc tế. Người dân tin tưởng tuyệt đối rằng, cứ sống trong ngôi nhà của mình, giấy tờ nhà sẽ chạy sau. Đâu cần sổ đỏ để thế chấp ngân hàng nên thư thả sẽ tính.

Có điều an ủi rằng, thời thế khó khăn này mà lòng tin vẫn không bị đánh cắp. cũng đáng quý lắm rồi. Sao còn đòi hỏi nhiều hơn thế làm chi.

Theo Nhà thơ Đinh Thu Hiền
Báo Đầu tư Bất động sản

{fcomment}