Không hạ trần lãi suất bởi dễ gây "hiểu lầm"

 NHNN vừa tuyên bố không điều chỉnh tỷ giá mà bây giờ lại điều chỉnh hạ lãi suất thì dễ gây “hiểu lầm”, bởi hạ lãi suất sẽ tạo nguy cơ đẩy tỷ giá tăng lên.

Không hạ trần lãi suất bởi dễ gây

Ngày hôm qua, 9/10, VIB là ngân hàng tiếp theo chính thức hạ lãi suất huy động. Cụ thể, lãi suất kỳ hạn từ 1 - 3 tháng còn 5%/năm, 6 tháng còn 5,5%/năm và 12 tháng là 6,5%/năm.

Nhân viên tại VIB Đào Tấn cho biết, nhìn chung, các mức lãi suất có điều chỉnh hạ từ 0,3 - 0,5 điểm phần trăm so với tháng trước.

Trong đợt điều chỉnh giảm này, Techcombank cũng đã hạ lãi suất huy động từ ngày 6/10 với mức điều chỉnh khoảng 0,2 - 0,3 điểm phần trăm. Cụ thể, lãi suất từ 1 - 2 tháng là 5,25%/năm, 3 tháng là 5,3%/năm, 6 tháng là 5,7%/năm.

Trước đó, từ ngày 3/10, Vietcombank và BIDV đã điều chỉnh hạ lãi suất. Kỳ hạn 1 tháng chỉ còn 4,5%/năm, thay vì mức 4,8%/năm trước đó. Kỳ hạn 3 tháng giảm xuống 5%/năm, từ mức 5,5%/năm cũ, 6 tháng hạ xuống 5,5%/năm và 12 tháng về 6,2%/năm. Nói chung, mức điều chỉnh của hai ngân hàng này dao động trong khoảng 0,3 - 0,5 điểm phần trăm.

Cũng không có nhiều nhận định mới xung quanh vấn đề này, bởi câu chuyện lãi suất huy động điều chỉnh giảm đã được đề cập thường xuyên từ giữa tháng 8 cho đến nay. Nhìn chung, lãnh đạo các ngân hàng vẫn chung quan điểm lãi suất huy động hạ nhằm tiết kiệm chi phí vốn, bởi mức lãi suất này chủ yếu dựa trên cung - cầu vốn, trong khi cho vay vẫn chưa thực sự khởi sắc nên nhu cầu huy động vốn không cao.

Báo cáo về kết quả điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng tháng 9 và 9 tháng đầu năm 2014 được NHNN công bố cuối tuần trước đã thông tin, tính đến ngày 30/9/2014, tổng phương tiện thanh toán tăng 10,73%, huy động vốn tăng 11,01% (huy động bằng VND tăng 12,37%, huy động bằng ngoại tệ tăng 2,78%) so với cuối năm 2013. “Thanh khoản của các tổ chức tín dụng tiếp tục được đảm bảo và dư thừa, lãi suất thị trường liên ngân hàng giảm và ổn định ở mức thấp”, Báo cáo cho biết.

Một lãnh đạo ngân hàng chia sẻ, mấy hôm nay, các ngân hàng đang mua trái phiếu và tín phiếu, cho thấy, hệ thống ngân hàng đang thừa tiền đồng trong khi vẫn gặp những khó khăn nhất định trong việc tăng tín dụng. Về cơ bản, nếu lãi suất huy động không giảm xuống, các ngân hàng sẽ lỗ, trong khi lãi suất của trái phiếu cũng đang xuống thấp, còn dưới 4%/năm với kỳ hạn 1 năm, 4,2 – 4,3%/năm với kỳ hạn 2 - 3 năm và dưới 5%/năm với kỳ hạn 5 năm.

“Nếu các ngân hàng tiếp tục huy động vốn rồi mua trái phiếu chính phủ thì cũng không thu được lợi nhuận, nên bắt buộc phải hạ lãi suất huy động xuống”, vị này nói.

Trước tình hình các ngân hàng giảm lãi suất huy động liên tục, thị trường cũng đang hướng về NHNN, chờ đợi động thái hạ trần lãi suất huy động. Tuy nhiên, các chuyên gia kinh tế cho rằng, NHNN sẽ không có động thái gì, bởi nhà điều hành có lẽ lo ngại lãi suất giảm sẽ gây khó khăn cho các ngân hàng nhỏ dù dư thừa tiền trong hệ thống nhưng không dồi dào và đồng đều. Đặc biệt, cuối năm là giai đoạn nước rút để chạy doanh thu, lợi nhuận, vì vậy, lượng tiền của các doanh nghiệp, cá nhân thường được rút ra khỏi ngân hàng đột biến, khiến một vài ngân hàng dễ rơi vào tình trạng mất khả năng chi trả, ảnh hưởng đến toàn hệ thống.

“Việc giữ nguyên trần lãi suất huy động ngắn hạn như hiện nay cho thấy rõ xu hướng điều hành lãi suất hiện chưa có thay đổi, các mức chi phí vốn hiện tại của các TCTD là hợp lý… Tất nhiên, trong toàn hệ thống đến hơn 90 TCTD đang hoạt động, không thể có chuyện sức khỏe của tất cả đều tốt như nhau. Mỗi TCTD có những chiến lược kinh doanh, phân khúc khách hàng khác nhau và do vậy việc quyết định huy động ở mức giá nào cũng sẽ khác nhau”, ông Đinh Đức Quang, Phó tổng giám đốc OCB nhận định.

Theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia ngân hàng, NHNN vừa tuyên bố không điều chỉnh tỷ giá mà bây giờ lại điều chỉnh hạ lãi suất thì dễ gây “hiểu lầm”, bởi hạ lãi suất sẽ tạo nguy cơ đẩy tỷ giá tăng lên. Do đó, về cơ bản, NHNN chưa điều chỉnh hạ lãi suất thời điểm này, nhưng đây có lẽ là thời điểm chín muồi để tự do hóa lãi suất.

Trong cuộc làm việc tại Thanh Hóa đầu tháng 9 vừa rồi, Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình chia sẻ, trạng thái dư thừa vốn thời gian qua và hiện nay là nằm trong chủ ý của nhà điều hành. Bên cạnh việc hỗ trợ thanh khoản cho hệ thống, việc không hạ trần lãi suất cũng là để các ngân hàng cân đối được vốn tự hạ lãi suất huy động.

Nhuệ Mẫn

{fcomment}