Chủ thương hiệu Jaguar, Land Rover bối rối tìm người kế vị

 Mới đây, Tập đoàn Tata Sons của Ấn Độ đã gây ngạc nhiên cho giới kinh doanh, khi quyết định sa thải ông Cyrus Mistry khỏi vị trí Chủ tịch sau 4 năm giữ ghế, đánh dấu sự thay đổi lớn về quản trị của chủ sở hữu các thương hiệu ô tô danh tiếng Jaguar, Land Rover và chuỗi khách sạn Taj.

Phía Tata Sons hiện chưa tìm ra người thay thế Cyrus Mistry, nên đã yêu cầu Ratan Tata, cựu Chủ tịch đã nghỉ hưu của Tập đoàn, tạm thời trở lại vị trí lãnh đạo.

Quy mô của Tata Sons

Tata Sons được định giá 100 tỷ USD (theo Forbes), hiện là tập đoàn có doanh thu lớn nhất tại Ấn Độ với hơn 100 công ty, hoạt động trong nhiều lĩnh vực khác nhau như công nghệ thông tin, ô tô, thép, hóa chất, khách sạn…, có mặt tại hơn 80 quốc gia, tuyển dụng khoảng 700.000 lao động trên toàn cầu.

Tata Sons bắt đầu khiến thế giới chú ý khi thực hiện hàng loạt thương vụ thâu tóm các hãng lớn như Corus - một trong những nhà sản xuất thép lớn nhất thế giới, 2 hãng xe hạng sang Jaguar và Land Rover, công ty sản xuất trà Tetley, khách sạn Pierre Hotel New York…

Sự lớn mạnh của Tata Sons phần lớn nhờ vào công lao của cựu Chủ tịch Ratan Tata. Dưới thời của Ratan Tata, Tata Sons đã đạt doanh thu lên tới 100 tỷ USD, từ con số 1,5 tỷ USD vào năm 1991. Tuy vậy, vị cựu chủ tịch này cũng đồng thời tăng nợ của Công ty lên gấp 11 lần, do hệ quả của các thương vụ thâu tóm tỷ USD mà ông thực hiện.

“Kẻ ngoại tộc” Cyrus Mistry

Cuối năm 2012, Mistry được bổ nhiệm chức Chủ tịch Tata Sons, thay cho Ratan Tata. Điều này khiến cho cả Ấn Độ bất ngờ, bởi Mistry là vị chủ tịch đầu tiên không mang họ Tata trong lịch sử 146 năm tồn tại của tập đoàn này. Nhiều nhà phân tích cho rằng, Mistry được bổ nhiệm vào chức vụ Chủ tịch Tata Sons chủ yếu là do gia đình ông (đứng đầu là cha ông, Pallonji Mistry) là cổ đông lớn nhất của Tata Sons, với tỷ lệ sở hữu 18% cổ phần.

Mistry được kỳ vọng sẽ tạo giá trị liên kết và sức mạnh bền vững cho Tata Sons sau thời kỳ bành trướng quá nhanh, vốn đã làm suy giảm lợi nhuận ở một số mảng kinh doanh. Song, bề dày kinh nghiệm và thành tích trong quản lý doanh nghiệp của ông Cyrus Mistry còn khá mỏng, chỉ ở Shapoorji Pallonji & Co, công ty xây dựng của gia đình ông. Bên cạnh đó, cái bóng quá lớn của người tiền nhiệm Ratan Tata cũng tạo sức ép không nhỏ cho Cyrus Mistry. Chính vì thế, có không ít ý kiến hoài nghi về năng lực của Mistry trong việc vận hành bộ máy khổng lồ của Tata Sons.

Khó khăn liên tiếp

Mistry nắm giữ chức vụ mới đúng vào thời kỳ Tata Sons gặp nhiều khó khăn, trong đó phải kể đến các khoản thua lỗ lớn (lên tới 1,2 triệu USD/ngày) tại bộ phận châu Âu của Tata Steel, vốn là “di sản” của cuộc thâu tóm nhà sản xuất thép Corus do Ratan Tata thực hiện năm 2008. Mistry đã buộc phải rút Tata Steel khỏi thị trường Anh vì không cạnh tranh nổi với làn sóng thép giá rẻ từ Trung Quốc. Cùng lúc đó, trong bối cảnh nền kinh tế Ấn Độ đang chao đảo, bộ phận ô tô của Tata cũng liên tục va vấp, còn mảng liên doanh viễn thông khiến Tata tổn thất tới 1,17 tỷ USD.

Bên cạnh đó, sau nhiều năm nhậm chức, Mistry vẫn chưa thể tinh gọn được hệ thống công ty con cồng kềnh của Tata Sons. Đến nay, Tata Sons vẫn có hơn 100 công ty hoạt động ở các lĩnh vực khác nhau và ngày càng bành trướng sâu rộng hơn vào các lĩnh vực như quốc phòng, hạ tầng, dịch vụ tài chính... Giới quan sát cho rằng, Tata Sons thiếu sự tập trung để tạo mối dây ràng buộc, gắn kết cho cả Tập đoàn.

Chỉ có 2 trong số các công ty chủ chốt của Tata Sons tạo ra kết quả vượt trội là các hãng xe Jaguar, Land Rover và công ty dịch vụ IT Tata Consultancy Services. Còn lại, có đến 7 trong số 9 công ty niêm yết lớn nhất của Tata (xét về vốn) có giá trị kinh tế tăng thêm (EVA) bị âm, tức có lợi nhuận trước thuế và lãi vay thấp hơn chi phí sử dụng vốn.

“Rõ ràng, HĐQT đã mất niềm tin vào khả năng lãnh đạo của Mistry”, Kavil Ramachandran, CEO của Trường Kinh doanh Indian School of Business nhận xét.

Vấn đề về quản trị doanh nghiệp

Phía Tata Sons khẳng định, Tập đoàn sẽ chọn ra người lãnh đạo mới trong vòng 4 tháng tới. Song, thực tế là CEO của các công ty con thuộc Tata Sons không có kinh nghiệm nào ngoài lĩnh vực mà họ từng điều hành, do đó, việc tìm được người phù hợp để kế nhiệm Mistry không phải là chuyện đơn giản.

Rõ ràng, vấn đề chính của Tata Sons không nằm ở bản thân nhà quản lý, mà chính ở bộ máy quá cồng kềnh. Việc Tata Sons bành trướng mạnh mẽ vào mọi lĩnh vực khiến cho đế chế này trở nên khó kiểm soát. Đó là thách thức lớn nhất dành cho các lãnh đạo của tập đoàn lớn nhất Ấn Độ này.

Ngoài ra, không khó để nhận thấy rằng, ít nhà điều hành cấp cao nào muốn ngồi vào ghế của Mistry, bởi e ngại cái bóng quá lớn của Ranta Tata.

Nguồn Tin nhanh chứng khoán