Lạm phát âm, lãi suất có thể hạ thêm

 Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 11 đã giảm 0,27% so với tháng trước, mức thấp nhất kể từ năm 2010 đến nay. Tính chung 11 tháng, CPI tăng 2,08%, mức thấp nhất trong vòng 10 năm trở lại đây.

Lạm phát âm, lãi suất có thể hạ thêm

Một số chuyên gia đặt vấn đề, nền kinh tế vẫn chưa thực sự hồi phục, lãi suất tiền gửi cần hạ thêm 0,5%/năm, làm cơ sở hạ lãi suất cho vay và giúp DN có nguồn vốn rẻ hơn.

Ngay từ đầu tháng 11, các ngân hàng đã điều chỉnh giảm lãi suất huy động từ 0,2 - 0,5%/năm tại các kỳ hạn. Chẳng hạn, tại Vietcombank, lãi suất huy động kỳ hạn 1 tháng ở mức 4,3%/năm, so với mức 4,5%/năm vừa hạ hồi đầu tháng 10. Lãi suất cao nhất được ngân hàng này áp dụng cũng chỉ 6,3%/năm cho kỳ hạn 60 tháng. Tại VietinBank, lãi suất huy động từ 1 đến dưới 6 tháng là 5%/năm, thấp hơn trần lãi suất do NHNN quy định 0,5%/năm; lãi suất huy động từ dưới từ 9 tháng đến dưới 12 tháng là 5,8%/năm.

Tại các ngân hàng TMCP tư nhân, nếu như thời điểm này những năm trước đua nhau đẩy mạnh các chương trình khuyến mại, tặng quà, thậm chí tặng cả tiền mặt để thu hút khách gửi tiền thì nay huy động cầm chừng, chủ yếu để giữ chân khách hàng cũ.

Tại Hội nghị “Nhà đầu tư và chuyên gia phân tích” diễn ra chiều ngày 25/11/2014, VietinBank chia sẻ dự báo, lãi suất có thể giảm nhẹ để hỗ trợ hoạt động sản xuất - kinh doanh của các DN; thanh khoản của các ngân hàng sẽ dồi dào với việc huy động có tốc độ tăng trưởng cao hơn so với cho vay.

Tại buổi họp báo thường kỳ thông báo về kết quả điều hành chính sách tiền tệ, hoạt động ngân hàng tháng 10 và 10 tháng đầu năm 2014, bà Nguyễn Thu Hà, Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Chính sách tiền tệ, NHNN cho biết, thanh khoản của các TCTD được đảm bảo và dư thừa, hoạt động của các TCTD ổn định, thị trường liên ngân hàng thông suốt, lãi suất trên thị trường nội tệ liên ngân hàng giảm và ổn định ở mức thấp.

“Lãi suất có thể hạ thêm 0,5%/năm và nếu lạm phát xuống đến 4,5% thì lãi suất tiết kiệm vẫn thực dương. Rủi ro khách hàng rút tiền gửi vào các kênh đầu tư khác như bất động sản, chứng khoán, ngoại tệ, vàng là rất thấp, bởi không còn nhiều sự hấp dẫn. Hạ lãi suất lúc này là thích hợp để tạo tiền đề cho việc thả nổi lãi suất. Đây là thời điểm “bây giờ hoặc chẳng bao giờ” cho việc thả nổi lãi suất”, TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế nhấn mạnh.

Trao đổi với ĐTCK, lãnh đạo cao cấp một số ngân hàng TMCP cũng cho rằng, nhân cơ hội thanh khoản toàn hệ thống đang rất dồi dào, lãi suất huy động hiện đã ở mức hợp lý và với việc các ngân hàng chủ động điều chỉnh lãi suất huy động phù hợp với hoạt động kinh doanh, NHNN nên tính đến việc bỏ trần lãi suất huy động, điều hành lãi suất bằng các công cụ gián tiếp, thay vì bằng các công cụ trực tiếp như trần lãi suất hiện nay.

TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế nêu quan điểm, đây là thời điểm NHNN có thể cân nhắc bỏ trần lãi suất, vì rõ ràng, lãi suất huy động của NHNN không còn tác động mạnh đến thị trường. Cụ thể hơn, TS. Lực phân tích, thứ nhất, về cơ bản thị trường tiền tệ khá ổn định, không có khó khăn về thanh khoản; thứ hai, các biện pháp hành chính chỉ mang tính chất tạm thời, phục vụ giai đoạn biến động mạnh, mà hiện tại cả hai yếu tố này đều đã chín muồi nên cần tính đến việc bỏ trần lãi suất.

“Cần lưu ý, đối với một số lĩnh vực Chính phủ ưu tiên, nên vẫn có những định hướng về trần lãi suất cho vay. Bên cạnh đó, khẩn trương tái cơ cấu những ngân hàng yếu kém còn lại để trên bất kể trên thị trường nào cũng không xảy ra hiện tượng cạnh tranh lãi suất huy động không lành mạnh”, TS. Cấn Văn Lực nhấn mạnh.

Từ góc độ cơ quan quản lý, một quan chức của NHNN cho rằng, hiện tại vẫn chưa phải là thời điểm thích hợp cho việc thả nổi lãi suất ngân hàng. Thứ nhất là do, lạm phát dù đã xuống thấp nhưng chưa ổn định, nguy cơ lạm phát cao vẫn hiện hữu; hai là thanh khoản tuy dồi dào nhưng phân bổ không đều, nhiều ngân hàng không “dư dả”. Việc tháo trần lãi suất chỉ diễn ra khi hoạt động trong hệ thống ngân hàng đồng đều và kinh tế vĩ mô ổn định, với lạm phát thấp trong thời gian đủ dài.

Nhuệ Mẫn

Theo Tin nhanh chứng khoán

{fcomment}