Lấy mẫu giám sát dịch hạch trên bọ chét, chuột, người

GS.TS Nguyễn Trần Hiển, Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cho biết, trong suốt những năm qua Việt Nam luôn chủ động lấy mẫu máu chuột, bọ chét và cả những bệnh nhân viêm hạch tại vùng nguy cơ cao để xét nghiệm, giám sát chủ dộng dịch hạch. 

“Thành ông của chúng ta là kiểm soát được dịch hạch trong suốt 12 năm qua. Trong từng đó năm, Việt Nam chưa ghi nhận ca dịch hạch nào, dù trước đó, Tây Nguyên là một trong những điểm nóng về dịch hạch”, GS Hiển cho biết.

Theo GS Hiển, với những dịch bệnh lưu hành trong thiên nhiên, gắn với ổ dịch thiên nhiên như dịch hạch rất khó nói là thanh toán được hay không. Nhưng trên người và động vật gặm nhấm gần người như chuột, qua giám sát chúng ta không phát hiện vi khuẩn dịch hạch.

Theo đó, trong những năm qua, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương vẫn tổ chức duy trì giám sát dịch hạch ở các cửa khẩu, bến cảng, vùng có nguy cơ lây truyền qua biên giới như Lạng Sơn, Hải Phòng, TP Hồ Chí Minh, Hà Nội.

“Các giám sát được làm rất làm đều đặn. Theo đó, chúng tôi đặt bẫy bắt chuột tại các điểm giám sát, sau đó chải bọ chét sống trên lông chuột, xác định các vi khuẩn dịch hạch trên bọ chét này, lấy máu chuột để xác định xem có vi khuẩn dịch hạch hay không. Những bệnh nhân vùng đó có biểu hiện viêm hạch, sốt, nghi ngờ cũng lấy máu xét nghiệm trên người. Kết quả không phát hiện được vi khuẩn dịch hạch trên cả bọ chét, chuột, trên người”, GS Hiển cho biết.

Thông thường, vi khuẩn dịch hạch có thể lưu hành ở trên rất nhiều loại chuột gần người, từ chuột nhà, chuột cống, chuột ở các kho lương thực, thực phẩm. Chuột cảnh thì không có vi khuẩn này.

Đường lây truyền của dịch hạch
Đường lây truyền của dịch hạch
 

Đường lây truyền của vi khuẩn dịch hạch từ chuột sang người không qua vết chuột cắn, mà qua bọ chét hút máu người. Bọ chét hút máu chuột, sau đó hút người thì sẽ lây truyền bệnh. Ngoài ra, có nguy cơ bệnh lây truyền từ người sang người qua thể phổi, do trong đờm người bệnh có vi khuẩn dịch hạch, có thể lây vi tiếp xúc với chất đờm dãi này. Hoặc cũng có thể lây khi người bệnh mắc bệnh thể tiêu hóa, vi khuẩn được thải ra ngoài theo đường phân, tiếp xúc phân này cũng có thể lây qua dịch hạch. Tuy nhiên, đường lây người sang người rất hiếm, phổ biến nhất là lây qua bọ chét đốt người.

Ngoài nguy cơ lây truyền dịch hạch, chuột gần người có thể gây nhiều bệnh khác như sốt thương hàn, tiêu chảy, sán khuẩn… Cách để phòng tránh là diệt chuột, vệ sinh môi trường, kho lương thực thực phẩm làm kỹ. Với dịch hạch, thời gian ủ bệnh từ 5 - 7 ngày và khi phát hiện, việc điều trị kháng sinh sớm rất hiệu quả.

Trước đó, theo thông báo của tổ chức Y tế thế giới, từ ngày 31/8/2014 đến nay, tại Madagascar đã ghi nhận 119 trường hợp mắc bệnh dịch hạch (2% là dịch hạch thể phổi), trong đó có 40 trường hợp tử vong. Cơ quan đầu mối IHR của Mỹ thông báo ghi nhận 04 trường hợp mắc bệnh dịch hạch tại bang Colorado, Mỹ.

Đặc biệt, nước sát đường biên giới với Việt Nam là Trung Quốc cũng thông báo ghi nhận 01 trường hợp tử vong do bệnh dịch hạch thể phổi tại tỉnh Cam Túc.

Để chủ động phòng, chống bệnh bệnh dịch hạch, ngăn chặn kịp thời không để lan truyền vào Việt Nam, Bộ Y tế đã yêu cầu Sở Y tế các tỉnh, thành phố cần kiểm tra, giám sát dịch hạch trên động vật hoang dã, tập trung giám sát vật chủ trung gian truyền bệnh (chuột, bọ chét) tại vùng có nguy cơ.

Phối hợp với các lực lượng chức năng tại khu vực cửa khẩu kiểm tra, giám sát chặt chẽ y tế đối với người, kiểm tra phương tiện vận chuyển, hàng hóa, động vật nhập khẩu vào nước ta, đặc biệt tăng cường kiểm tra, giám sát đối với người, phương tiện, hàng hóa nhập cảnh từ vùng đang lưu hành bệnh dịch hạch tại cửa khẩu, khu vực biên giới.

Đặc biệt cần truyền thông cho cộng đồng thực hiện tốt công tác vệ sinh môi trường, đảm bảo thực phẩm ăn, uống được che, đậy an toàn..., tránh để chuột, bọ chét tiếp xúc, thực hiện các biện pháp diệt chuột, bọ chét hiệu quả. Trường hợp người dân phát hiện thấy có dấu hiệu nhiều chuột chết khả nghi dịch hạch, đề nghị báo ngay cho cơ quan y tế nơi gần nhất. Nếu có người nhà, hàng xóm biểu hiện bệnh dịch hạch (sốt, nổi hạch...) phải đến ngay cơ sở y tế để được khám, tư vấn và điều trị kịp thời.

Theo Dân trí

{fcomment}