Lọc dầu Dung Quất được giải cứu bằng cơ chế giá

Theo quyết định mới ban hành của Thủ tướng, Lọc hoá dầu Bình Sơn - đơn vị quản lý nhà máy Dung Quất - được phép tự tính giá bán xăng dầu để có thể cạnh tranh với hàng nhập khẩu.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa có Quyết định 1725 (thay thế Quyết định 952/2012) về cơ chế tài chính cho Công ty TNHH MTV Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR - đơn vị quản lý Nhà máy lọc dầu Dung Quất), cho phép doanh nghiệp được tự chủ về tài chính từ 1/1/2017. 

Cụ thể, Chính phủ sẽ bỏ thu điều tiết đối với các sản phẩm dầu, khí hoá lỏng (LPG), sản phẩm hoá dầu tiêu dùng trong nước, vốn đang ở mức 13% đối với xăng. Đổi lại, các ưu đãi như việc cộng 3-7% thuế nhập khẩu vào giá bán xăng dầu thành phẩm cũng sẽ được thu hồi. Chính phủ cũng đồng thời đồng ý giảm thuế nhập khẩu dầu diesel và nguyên liệu bay Jet A1 cho BSR từ 10% về 0%.

loc-dau-dung-quat-duoc-giai-cuu-bang-co-che-gia

Từ 1/1/2017, Lọc hoá dầu Bình Sơn sẽ được tự quyết cơ chế giá với sản phẩm của mình. Ảnh: P.V

Chia sẻ với VnExpress, ông Trần Ngọc Nguyên - Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Lọc dầu Bình Sơn cho hay, với quyết định này, BSR sẽ chủ động cạnh tranh. Hiện đơn vị mới đáp ứng được 40% nhu cầu xăng dầu thị trường, 60% còn lại vẫn phải nhập khẩu. Vì vậy, việc đưa giá xăng dầu cạnh tranh với hàng ngoại nhập là điều kiện tốt để các doanh nghiệp phân phối có thể mua hàng sản xuất trong nước thời gian tới.

Theo Tổng giám đốc BSR, hiện doanh nghiệp vẫn có nhiều lợi thế cạnh tranh khi bán hàng cho các nhà phân phối trong nước như quãng đường ngắn hơn, dẫn đến chi phí vận chuyển và bảo hiểm cũng thấp hơn. Giá hàng tồn kho cũng theo đó giảm hơn so với nhập khẩu.

Ngoài ra, với đồng tiền thanh toán là nội tệ sẽ giúp bên mua giảm được rủi ro tỷ giá. Thời gian đóng thuế được “ân hạn” hơn là lợi thế cạnh tranh tiếp theo được ông Nguyên nhắc tới. Theo đó, doanh nghiệp mua hàng trong nước thì sau 30 ngày mới phải nộp thuế nhập khẩu, còn nếu mua hàng nhập khẩu thì phải đóng thuế xong mới được nhập hàng.  

Cũng theo ông Nguyên, khi sản phẩm được “phủ sóng” nhiều hơn tại thị trường trong nước thì nhà máy sẽ có điều kiện tối đa hoá công suất, tối đa lên tới 110% mức thiết kế. Tính toán của lãnh đạo BSR cũng cho thấy, dự kiến năm 2016, công ty này sẽ nộp ngân sách khoảng 16.000 tỷ đồng. Nếu công suất của nhà máy tăng thêm 10% thì nộp ngân sách cũng sẽ tăng tương ứng, khoảng 1.600 tỷ đồng.

“Việc hoạt động theo cơ chế tự chủ cũng là cơ hội để chúng tôi minh bạch hóa các hoạt động sản xuất kinh doanh và tạo tiền đề trong việc thu hút vốn của các nhà đầu tư trong và ngoài nước khi mà BSR sẽ IPO vào cuối năm 2017 theo lộ trình Chính phủ đặt ra”, ông Nguyên nói. Vị này cũng tiết lộ hiện có khá nhiều đối tác ngoại đang “nhắm” tới BSR, trong đó có đối tác từ Nga và Thái Lan…

Trước đó, dù được Nhà nước cho giữ lại phần tiền tương đương 3-7% thuế nhập khẩu xăng dầu (tức là có thể dùng phần tiền này bù đắp chi phí, giảm giá bán), nhưng sản phẩm của BSR vẫn rơi vào hoàn cảnh rất khó khăn trong tiêu thụ, do giá bán cao hơn so với sản phẩm cùng loại nhập khẩu từ Hàn Quốc, ASEAN.

Một trong những nguyên nhân là từ đầu năm 2016, thuế nhập khẩu xăng từ Hàn Quốc giảm xuống còn 10%, các loại dầu từ khu vực ASEAN về 0% trong khi mức thuế đối với sản phẩm của BSR vẫn là 20% và 5 %. Do đó, các doanh nghiệp xăng dầu đầu mối như Petrolimex, Saigon Petro, Thanh Mễ, Petimex… đã đẩy mạnh nhập khẩu xăng dầu từ Hàn Quốc, ASEAN và giảm lượng mua của Công ty Bình Sơn.

Nguồn Vnexpress