Lửng lơ số phận dự án 2,2 tỷ USD của Lotte

Quyết tâm triển khai Dự án Khu phức hợp Thành phố thông minh Thủ Thiêm (TP.HCM), vốn đầu tư 2,2 tỷ USD, thậm chí muốn khởi công xây dựng vào quý I năm tới, song cho tới thời điểm này, liên doanh các nhà đầu tư, trong đó có Tập đoàn Lotte (Hàn Quốc), vẫn chưa biết mình có được thực hiện dự án hay không.

Lửng lơ số phận dự án 2,2 tỷ USD của Lotte

Khá sốt ruột trước việc cho tới thời điểm này vẫn chưa được quyết định lựa chọn là nhàđầu tưDự ánKhu phức hợp Thành phố thông minh Thủ Thiêm (Eco Smart City), Chủ tịch Tập đoàn Lotte Shin Dong Bin vừa có chuyến thăm Việt Nam để xem xét tình hình và gặp gỡ với các cơ quan chức năng Việt Nam.

Theo nguồn tin riêng của Báo Đầu tư, nhiều khả năng, một cuộc họp giữa Chính phủ và các bộ, ngành sẽ sớm được tổ chức để thảo luận và quyết định lựa chọn nhà đầu tư triển khai dự án ở phân khu chức năng 2a của Khu đô thị mới Thủ Thiêm theo phương thức nào.

Lotte cùng với 3 nhà đầu tư khác của Nhật Bản (là Mitsubishi Corporation; Mitsubishi Estate Co., Ltd. và Toshiba Corporation) đã chính thức đệ trình kế hoạch đầu tư Dự án Eco Smart City, vốn đầu tư dự kiến khoảng 2,2 tỷ USD, lên các cơ quan chức năng Việt Nam.

Theo kế hoạch, liên doanh các nhà đầu tư sẽ triển khai dự án ở phân khu 2a trong Khu đô thị Thủ Thiêm, với diện tích 16,71 ha, nhằm biến khu đất này thành một tổ hợp các trung tâm thương mại, khách sạn, khu căn hộ dịch vụ, văn phòng, chung cư… và tòa cao ốc 50 tầng. Liên doanh nhà đầu tư này thậm chí chấp nhận ký quỹ và đóng gần 2.000 tỷ đồng tiền sử dụng đất để được giao trước 6 lô đất tại Thủ Thiêm và sớm triển khai Dự án.

“Chúng tôi đã đeo đuổi Dự án từ 7 năm trước, cùng thời điểm triển khai Dự án Lotte Center ở Hà Nội. Khi ấy, Chủ tịch Shin Dong Bin của chúng tôi đã bày tỏ mong muốn tạo cho TP.HCM một công trình tiêu biểu, tiên tiến, nhưng đến nay vẫn chưa triển khai được”, đại diện Tập đoàn Lotte nói và cho biết, Lotte và các đối tác rất quyết tâm triển khai Dự án và hy vọng có thể khởi công Dự án vào quý I năm sau.

Nhưng vướng mắc là, tới thời điểm này, liên doanh các nhà đầu tư Hàn - Nhật này vẫn chưa nhận được câu trả lời cuối cùng là họ có được chọn là nhà đầu tư triển khai Dự án hay không.

Ban đầu, TP.HCM đề xuất việc lựa chọn nhà đầu tư cho dự án này theo hình thức chỉ định thầu để sớm triển khai Dự án, trong bối cảnh thu hút đầu tư vào Thủ Thiêm khá khó khăn, cho dù Thành phố dự định phát triển Thủ Thiêm thành một “Phố Đông Sài Gòn”. Thêm vào đó, thông tin cho biết, TP.HCM đang gánh một khoản nợ khá lớn - 29.000 tỷ đồng - vay đầu tư hạ tầng cho Thủ Thiêm. Có nhà đầu tư mới, TP.HCM có ngân khoản để trang trải khoản nợ này.

Tuy nhiên sau đó, có đề xuất cho rằng, nên áp dụng lựa chọn nhà đầu tư cho khu 2a Thủ Thiêm theo “hình thức đặc biệt”. Do phương thức lựa chọn nhà đầu tư chưa được thống nhất, số phận Dự án Eco Smart City vẫn đang “lửng lơ”.

“Trong bối cảnh không có nhà đầu tư khác xin đầu tư dự án, thì có thể áp dụng hình thức chỉ định thầu. Tất nhiên, điều kiện là nhà đầu tư phải chuẩn bị dự án thật tốt, bởi đây là khu vực mà TP.HCM dự định phát triển thành trung tâm thương mại, dịch vụ,tài chính- một trung tâm rất quan trọng của TP.HCM trong tương lai”, một cán bộ của Bộ Kế hoạch và Đầu tư bày tỏ quan điểm và cho rằng, áp dụng hình thức chỉ định thầu sẽ giúp Dự án nhanh chóng được đưa vào triển khai.

Hiện tại, ở Khu đô thị Thủ Thiêm, các dự án ở phân khu 1 và 2c cũng đã được phép lựa chọn nhà đầu tư theo hình thức chỉ định thầu. Tuy nhiên, quyết định cuối cùng sẽ được đưa ra sau cuộc họp của Chính phủ tới đây. Còn hiện tại, liên doanh giữa Lotte và các nhà đầu tư Nhật Bản sẽ phải chờ đợi.

Liên quan đến việc phát triển Khu đô thị mới Thủ Thiêm, trong một báo cáo được công bố vào cuối tháng 9/2015, Công ty Nghiên cứu thị trườngbất động sảnCBRE cho rằng, Thủ Thiêm đang được cố gắng xây dựng theo mô hình Phố Đông của Thượng Hải. Tuy nhiên nếu muốn đảm bảo thành công cho dự án này, thì còn nhiều việc phải thực hiện và còn rất nhiều yếu tố làm chậm sự phát triển của Thủ Thiêm.

Theo CBRE, trọng tâm phát triển tại Thủ Thiêm là bất động sản thương mại và văn phòng, nhưng phía bên bờ Tây sông Sài Gòn có sẵn nguồn cung thương mại dồi dào với quy mô khá tương đồng. Việc triển khai thêm các dự án song song bên bờ Tây (khu trung tâm hiện hữu) sẽ càng khiến “hòn ngọc” Thủ Thiêm mất điểm.

“Nên giới hạn việc cấp phép đầu tư các dự án lớn tại khu vực bờ Tây sông Sài Gòn, nếu không sẽ có nguy cơ làm loãng sức hút của Khu đô thị mới Thủ Thiêm”, CBRE bày tỏ quan điểm.

Hiện tại, ở Thủ Thiêm, đã có một số nhà đầu tư đăng ký đầu tư dự án. Điển hình là Dự án Empire City Complex của liên doanh giữa Công ty Bất động sản Trần Thái - Công ty Tiến Phước và Denver Power (UK), vốn đầu tư 1,2 tỷ USD, với mục tiêu phát triển một tòa nhà 86 tầng, khách sạn 5 sao, trung tâm thương mại và một tòa nhà văn phòng trên diện tích 15 ha ở khu chức năng 2b. Ngoài ra, còn có dự án nhà ở của Đại Quang Minh ở khu chức năng số 5 và số 6.

Tuy nhiên, hiện tại, phần lớn Thủ Thiêm là đất trống, đã được kết nối với bờ Tây thông qua một đường hầm và một chiếc cầu, 4 cây cầu khác và một tuyến tàu điện ngầm đang được thi công hoặc lên kế hoạch triển khai. Khu vực này sở hữu quỹ đất đến 657 ha và 99% diện tích đã được bồi thường giải tỏa, 382 ha có thể nhanh chóng phát triển cho hơn 26.600 căn hộ và 334 ha khác để phát triển các khu thương mại.

Theo CBRE, cần rút ngắn thời gian xét duyệt và cấp phép cho các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài để giải tỏa nhiều quan ngại có thể cản trở quyết định đầu tư; giảm nguy cơ đầu cơ và ngăn giá đất bị đẩy lên cao đến mức “không thể chạm tới”. Những nỗ lực này sẽ giúp Thủ Thiêm có thể hấp dẫn vốn đầu tư và sớm trở thành trung tâm tài chính vàkinh tếcủa Thành phố.