Lượng tiền lớn chờ cơ hội

Báo cáo tài chính 6 tháng đầu năm của các CTCK cho thấy, tiền và tương đương tiền lên đến hàng chục nghìn tỷ đồng, trong đó chiếm hơn phân nửa là tiền của nhà đầu tư.

 

Lượng tiền lớn chờ cơ hội

 

Thực trạng này khiến nhiều người đặt câu hỏi, phải chăng khi lãi suất tiết kiệm không còn ở mức hấp dẫn, nhà đầu tư chuyển hướng sang gửi tiền vào các CTCK sẽ có lãi hơn?

Thống kê báo cáo tài chính quý II/2014 của 17 CTCK top đầu, tại thời điểm 30/6/2014, lượng tiền và tương đương tiền đạt 17.200 tỷ đồng, trong đó, tiền của nhà đầu tư là hơn 9.700 tỷ đồng, tăng 69% so với thời điểm đầu năm. Đa phần, lượng tiền lớn đều nằm ở các CTCK có tiềm lực tài chính mạnh.

CTCK Sài Gòn (SSI) có lượng tiền mặt lớn nhất với hơn 1.500 tỷ đồng; tiền của nhà đầu tư là 1.600 tỷ đồng. CTCK Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BSC) có tiền mặt chỉ 157 tỷ đồng, nhưng tiền của nhà đầu tư hơn 1.300 tỷ đồng. Tại VND, HSC, tiền của nhà đầu tư đều hơn 1.000 tỷ đồng; một số CTCK khác, lượng tiền của nhà đầu tư dao động từ 600 - 900 tỷ đồng.

Lượng tiền mặt lớn tại các CTCK được lý giải để sử dụng cho vay margin, bởi lãi suất cho vay margin dù có giảm nhưng vẫn ở mức 14 - 15%/năm, cao hơn nhiều so với lãi suất ngân hàng (5 - 7%/năm). Trên thực tế, quy mô margin và ứng trước tại các CTCK đã tăng mạnh so với đầu năm. SSI là công ty tăng trưởng nhanh nhất từ mức hơn 900 tỷ đồng lên 1.418 tỷ đồng, trong đó chủ yếu là tăng margin.

HSC có quy mô margin gần 1.200 tỷ đồng, tăng khoảng 10% so với đầu năm. VPBS tăng cường margin thêm 33% so với đầu năm, ở mức 765 tỷ đồng. MBS với 612 tỷ đồng margin và 54 tỷ đồng ứng trước, tăng 83% nguồn tài chính hỗ trợ cho khách hàng đầu tư…

Nhưng với nhà đầu tư, tại sao lại “để không” một lượng tiền mặt lớn ở các CTCK thay vì gửi ngân hàng? Tham khảo thông tin trên website của một số ngân hàng và CTCK, đa phần lãi suất tiền gửi của nhà đầu tư bằng với lãi suất không kỳ hạn tại các ngân hàng. Chẳng hạn tại BIDV, đối với sản phẩm tiền gửi thanh toán phục vụ cho nhà đầu tư chứng khoán mở tài khoản giao dịch tại CTCK, mà CTCK đó chỉ định khách hàng thực hiện mở tài khoản tiền gửi tại BIDV thông qua việc sử dụng chương trình thanh toán trực tuyến BIDV@Securities, đều được hưởng mức lãi suất phân tầng, trung bình 1%/năm.

Thông tin tại CTCK MHBS cho biết, hiện lãi suất đối với lượng tiền mặt trên tài khoản của nhà đầu tư tại các CTCK luôn là lãi suất không kỳ hạn. Tuy nhiên, MHBS khuyến khích nhà đầu tư để tiền mặt trong tài khoản bằng cách đưa ra chương trình, khi không mua chứng khoán, khách hàng được hưởng lãi suất 1,2%/năm trên số dư tiền mặt.

Trao đổi với giám đốc môi giới một CTCK, vị này cho biết, lượng tiền trên vẫn nhỏ hơn nhiều so với tiềm năng của các nhà đầu tư. Tiền gửi của nhà đầu tư tại các CTCK thường là của những nhà đầu tư cá nhân, không có kế hoạch đầu tư rõ ràng như các nhà đầu tư tổ chức, nên họ chọn phương án “bỏ” sẵn tiền vào tài khoản để chờ cơ hội thích hợp là có thể xuống tiền ngay. Bên cạnh đó, nhiều CTCK cũng đưa ra các chính sách để thu hút nhà đầu tư bằng cách trả lãi ở một mức cam kết, một mặt để “giữ chân” khách hàng không rút tiền và trở thành khách hàng của CTCK khác khi thị trường khởi sắc trở lại, mặt khác cũng kích thích nhà đầu tư tham gia giao dịch hơn khi trong tài khoản có sẵn tiền.

Giám đốc một CTCK cũng cho rằng, lượng tiền mặt của nhà đầu tư tại các CTCK sẽ không có ý nghĩa nếu không được so sánh với một giai đoạn thị trường cụ thể. Chẳng hạn, TTCK tháng 7 chủ yếu là sideway (đi ngang), VN-Index dao động trong khoảng 580 - 607điểm, nhưng cả đoạn này nằm ở cuối tháng, các mã cổ phiếu đã tiệm cận vùng đỉnh. Nhà đầu tư tỏ ra thận trọng, thường họ sẽ đi nhanh hơn thị trường một bước, nên khi vào vùng đỉnh, chủ yếu họ bán ra chốt lời. Khi đó, lượng tiền mặt trong tài khoản đương nhiên sẽ nhiều hơn.

“Lượng tiền mặt của nhà đầu tư lớn là một tín hiệu tích cực, chỉ là nhà đầu tư đang chờ đợi cơ hội thích hợp sẽ tham gia giao dịch”, vị giám đốc trên nhận định.

Phan Hằng

{fcomment}