Mặt bằng bán lẻ Hà Nội 2016, sôi động nhưng giá khó tăng

 Kinh tế duy trì đà tăng trưởng và dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tăng m là những yếu tố giúp thị trường mặt bằng bán lẻ tiếp tục có 1 năm sôi động. 

Mặt bằng bán lẻ Hà Nội 2016, sôi động nhưng giá khó tăng

Tuy nhiên, mức giá thuê khó có thể tăng khi lợi thế vẫn nằm trong tay khách thuê.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, năm 2015, GDP của Việt Nam tăng 6,68% so với năm 2014, mức tăng cao nhất trong vòng 5 năm trở lại đây. Cùng với đó, tính đến ngày 15/12/2015, cả nước có hơn 2.000 dự án có vốn FDI được cấp phép mới và 814 dự án tăng vốn, với tổng số vốn đạt 22,76 tỷ USD. Trong đó, vốn thực hiện đạt 14,5 tỷ USD, tăng 17,4% so với năm 2014.

Còn theo báo cáo cập nhật của CBRE gần đây, thị trường mặt bằng bán lẻ đón nhận sự mở rộng và tham gia mạnh mẽ của các nhà bán lẻ cả trong và ngoài nước. Trong quý IV/2015, thị trường Hà Nội đón nhận sự gia nhập của Vincom Nguyễn Chí Thanh và Aeon Long Biên với tổng diện tích sàn là 152.500 m2 (diện tích cho thuê là 106.500 m2).

Đây là 2 dự án đón nhận nhiều sự quan tâm của thị trường, vì vậy, sau khi khai trương đều đạt công suất thuê tốt, lên tới 95% nhờ vào việc tích hợp nhiều loại hình dịch vụ, cộng với các dự án hiện hữu có công suất khá ổn định. Nhờ đó, đã góp phần đưa tỷ lệ trống toàn thị trường có xu hướng giảm rõ rệt, từ 15,2% trong quý III/2015, xuống còn 10,7% trong quý quý IV/2015.

Theo ông Richard Leech, Giám đốc điều hành Công ty CBRE Việt Nam, sự cải thiện của mặt bằng bán lẻ đến từ việc người tiêu dùng rất nhấn mạnh đến giá trị và giá cả. Việc các cửa hàng bình dân giảm giá, siêu thị đang ngày càng trở nên phổ biến đã chứng minh điều đó. Trong số các hoạt động bán lẻ nở rộ thời gian vừa qua, cửa hàng ẩm thực là tăng trưởng mạnh mẽ nhất và có xu hướng sẽ dẫn đầu thị trường trong năm 2016.

“Trong số các khách hỏi thuê của CBRE Việt Nam, gần 50% hoạt động trong lĩnh vực ẩm thực và chủ yếu là các cửa hàng trung cấp hơn là các nhà hàng cao cấp”, ông Richard Leech thông tin và cho biết, một điểm sáng của phân khúc mặt bằng bán lẻ là mức giá thuê rất ổn định trong suốt 1 năm vừa qua. Ngoài Aeon Mall Long Biên áp dụng hình thức thuê chia sẻ doanh thu, thì nhìn chung, chỉ có khu vực ngoài trung tâm là có giá thuê tăng nhẹ so với quý trước, nhưng vẫn giảm đều so với đầu năm.

Về triển vọng trong tương lai, theo bà Nguyễn Hoài An, Phó giám đốc CBRE Việt Nam, các trung tâm thương mại mới sẽ theo xu thế bình dân, nhắm tới khách hàng trung cấp, do đó giá thuê có thể sẽ không cao được như một số dự án trong quá khứ.

Trong đó, Vingroup sẽ vẫn tiếp tục chiếm lĩnh thị trường về diện tích trung tâm thương mại với hàng loạt dự án mới mở, tuy nhiên tất cả các dự án đều thuộc khu vực ngoài trung tâm. Trong 1 - 2 năm tới, các dự án khác của các nhà đầu tư nước ngoài như Gamuda Land, Ciputra sẽ có khả năng có giá thuê xấp xỉ giá bình quân, hoặc giảm nhẹ do các dự án đều thuộc khu vực xa trung tâm.

Sắp tới, xu hướng tìm kiếm cơ hội hợp tác với các nhà bán lẻ chủ chốt nước ngoài để lấp đầy diện tích dự án của mình sẽ tích cực được các doanh nghiệp triển khai, khi họ ý thức được tầm quan trọng của các khách thuê chủ chốt. Tuy nhiên, các khách thuê chủ chốt thường thuê diện tích lớn và có khả năng đàm phán tốt, nên thường sẽ thuê mặt bằng với giá thấp hơn so với giá trung bình của thị trường.

Cũng theo CBRE, hình thức giá thuê chia sẻ theo doanh thu đang trở nên hấp dẫn với nhiều khách thuê, đặc biệt là các nhà bán lẻ muốn mở thêm cửa hàng tại một trung tâm thương mại mới. Do đó, hình thức này tạo điều kiện cho chủ đầu tư chia sẻ một phần rủi ro vận hành với khách thuê.

Nguồn Tin nhanh chứng khoán