Mỗi bộ đều muốn bảo vệ “sân” của mình, không thể làm được

Hiện có 51 lĩnh vực, ngành, nghề, hàng hóa, dịch vụ cấm đầu tư, kinh doanh quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật và 386 ngành, nghề kinh doanh có điều kiện được quy định tại 391 văn bản pháp luật.

Mỗi bộ đều muốn bảo vệ “sân” của mình, không thể làm được

Trong ngày họp thứ 2 Hội nghị đại biểu chuyên trách, sáng nay (9/8), các đại biểu Quốc hội đã đóng góp ý kiến đối với Dự thảo Luật Đầu tư sửa đổi.

Nội dung được thảo luận vẫn xoay quanh các vấn đề của cấm và hạn chế ngành nghề, lĩnh vực đầu tư. Theo báo cáo Ủy ban thường vụ Quốc hội, kết quả rà soát cho thấy, hiện có 51 lĩnh vực, ngành, nghề, hàng hóa, dịch vụ cấm đầu tư, kinh doanh quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật và 386 ngành, nghề kinh doanh có điều kiện được quy định tại 391 văn bản pháp luật.

Sau khi xem xét, cân nhắc dự thảo luật đã thu hẹp lại còn 11 ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh như quy định tại Điều 4 của Dự thảo Luật và 326 ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện.

Phát biểu tại cuộc họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đề nghị, cân nhắc quy định về các ngành kinh doanh bị cấm, hạn chế.

“Trước mắt chúng ta đưa vào để tham khảo, cứ ban hành luật rồi tính sau hay là phải làm cho xong, làm cho được thì mới thông qua luật? Nếu không làm xong thì cứ để kỳ họp sau?”, Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng nêu vấn đề và cho biết, cần phải kiên trì, làm cho xong, làm cho rõ, cụ thể chỗ nào cấm, chỗ nào hạn chế rồi mới nên thông qua luật. Nếu để sau này các bộ làm thì mỗi bộ đều muốn bảo vệ “sân” của mình, không thể làm được.

Đại biểu Trần Đắc Lâm, tỉnh Bình Thuận ủng hộ tinh thần cơ bản của các quy định về ngành nghề cấm, hạn chế kinh doanh những vẫn còn một số điểm đại biểu cho rằng luật thiết kế chưa phù hợp.

Đặc biệt là Điều 4 quy định về ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh nhiều ngành nghề quy định cấm kinh doanh, nhưng lại có loại trừ. Ví dụ, kinh doanh vũ khí quân dụng, trang thiết bị, kỹ thuật, khí tài, phương tiện chuyên dùng quân sự... trừ trường hợp được Nhà nước đặt hàng. Hàng loạt các ngành nghề được quy định bị cấm như ma túy, pháo, hóa chất... đều có ngoại lệ cần phải tính toán

”Đã cấm thì không ai được làm, nếu đã có loại trừ thì nên đưa vào loại có điều kiện” – đại biểu Lâm nói.

Nhiều đại biểu khác như đại biểu Trần Ngọc Vinh, đại biểu Đinh Xuân Thảo... cũng cho rằng, đã cấm là phải nghiêm, nếu có người vẫn được làm thì không thể là cấm mà là lĩnh vực có điều kiện.

Các đại biểu đều nhấn mạnh tinh thần cấm, hạn chế đều phải quy định trong luật, ngoại trừ luật không ai, cơ quan nào từ Chính phủ đến các bộ ngành, các ủy ban nhân dân đều không được phép đặt ra các hạn chế, đặt ra các điều kiện.

Chính vì vậy, các đại biểu cho rằng giao cho Chính phủ định kỳ rà soát, bổ sung cập nhật danh mục và báo cáo Thường vụ Quốc hội. Vậy báo cáo thế nào, chỉ báo cáo rồi cứ ban hành hay báo cáo và được Thường vụ Quốc hội đồng ý mới ban hành? Đây là điểm cần cân nhắc.

Đáng chú ý, đại biểu Trần Du Lịch (TP. HCM) lưu ý vấn đề bộ máy con người bên cạnh việc sửa luật. Luật pháp Việt Nam bị kêu ca không phải chỉ luật.

”Thứ nhất là luật của ta hiểu thế nào cũng được và thứ hai là do bộ máy quản lý. Chỉ sửa luật mà vẫn giữ nguyên bộ máy yếu kém như hiện nay thì không giải quyết được vấn đề” – đại biểu Lịch nhấn mạnh.

Chiều nay, Hội nghị sẽ thảo luận về Dự luật Doanh nghiệp (sửa đổi).

Hoàng Duy

{fcomment}