Môi giới nội lấn át thị trường nhà đất Hà Nội

 Thuê tư vấn và nhà phân phối ngoại đã từng là một trào lưu phổ biến trên thị trường bất động sản Việt Nam. Thế nhưng, sang năm 2014, thị phần môi giới bất động sản đã nghiêng hẳn về phía các doanh nghiệp nội.

Môi giới nội lấn át thị trường nhà đất Hà Nội

Thời điểm từ năm 2011 trở về trước, các đơn vị tư vấn và tiếp thị ngoại chiếm ưu thế trên thị trường đó, khi phần lớn các dự án trung cấp và cao cấp đều do đơn vị tiếp thị ngoại tiến hành. Thời gian này, các đơn vị phân phối trong nước chỉ chiếm thị phần rất nhỏ, bán hàng tại các dự án không mấy tiếng tăm. Thế nhưng, từ năm 2012, khi thị trường bất động sản “đóng băng”, mác ngoại không còn là “đũa thần”, giúp chủ đầu tư địa ốc bán được sản phẩm, trong khi phí thuê khá cao, nên nhiều chủ đầu tư đã tìm đến đơn vị phân phối trong nước.

Với lợi thế bám sát thị trường, tư vấn chủ đầu tư đưa ra được mức giá hợp lý và lo gần như mọi khâu trong quá trình bán hàng, các đơn vị phân phối trong nước đã giúp chủ đầu tư bán được sản phẩm đúng với kỳ vọng với mức phí hợp lý.

Với việc đồng hành cùng chủ đầu tư trong thời kỳ khó khăn, đơn vị phân phối nội đã tạo được sự tin tưởng của nhiều chủ đầu tư và dần chiếm lĩnh thị phần môi giới, tiếp thị bất động sản. Trong năm 2014, thị trường bất động sản Việt Nam chứng kiến nhiều đợt mở bán rầm rộ nhất kể từ năm 2008. Một điểm chung dễ nhận thấy là các đợt mở bán này chủ yếu là do các đơn vị phân phối trong nước tiến hành. Riêng tại Hà Nội, các đơn vị tiếp thị nội dường như thống lĩnh toàn bộ thị trường, khi trong năm qua, Savills Việt Nam là đơn vị tiếp thị ngoại duy nhất tiến hành vài đợt mở bán căn hộ. Đặc biệt, một số đơn vị tiếp thị nội, như Siêu thị dự án - STDA, Đất Xanh miền Bắc đang dần trở thành những đơn vị môi giới chuyên nghiệp, chiếm hầu hết thị phần tiếp thị bán hàng tại các dự án biệt thự, căn hộ cao cấp trên địa bàn Hà Nội.

Cụ thể, theo thống kê chưa đầy đủ từ hệ thống các sàn giao dịch trên địa bàn Hà Nội, trong tổng số khoảng 13.000 giao dịch căn hộ thành công tại Hà Nội, Liên minh sàn giao dịch Bất động sản G5 chiếm khoảng 26% thị phần, với 3.450 giao dịch thành công. Đứng thứ nhì là STDA, với khoảng 2.800 giao dịch thành công, chiếm 22% thị phần. Tiếp đến là Sàn EZ Việt Nam khoảng 8%, Sàn Vicland khoảng 6%...

Trong khi đó, hoạt động của các công ty tư vấn, tiếp thị ngoại đang ngày càng tập trung vào đúng chuyên môn là tư vấn và nghiên cứu. Hoạt động tiếp thị, mở bán của khối này chủ yếu diễn ra đối với phân khúc bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng và cho thuê văn phòng, trung tâm thương mại, vốn là những lĩnh vực họ có nhiều lợi thế về mặt khách hàng.

Với sự phình to về thị phần, các công ty môi giới trong nước đã đẩy mạnh tuyển dụng nhân sự, mở rộng hoạt động của mình. Cụ thể, trong năm 2013, SDTA chỉ có 500 người, nhưng cuối năm 2014 đã lên tới 1.500 người, trong đó phía Bắc chiếm phần lớn với 1.200 người, phía Nam khoảng hơn 300 người. CTCP Dịch vụ địa ốc Đất xanh Miền Bắc, nhân sự cũng tăng khoảng 50%, lên 140 người, trong khi các sàn thuộc Liên minh G5, mỗi sàn cũng có từ 50 nhân viên kinh doanh trở lên…

Trao đổi với Đầu tư Bất động sản, ông Trần Như Trung, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Tân Hoàng Minh, nguyên là Giám đốc bộ phận nghiên cứu thị trường Savills Hà Nội cho rằng, các doanh nghiệp tư vấn, tiếp thị vốn ngoại từng rất thành công tại thị trường Việt Nam, dù họ đến với lượng vốn không nhiều. Thế nhưng, các doanh nghiệp tiếp thị trong nước cũng đang lớn mạnh và chiếm lĩnh phần lớn thị phần nhờ đã học hỏi từ chính hoạt động của doanh nghiệp nước ngoài và sự am hiểu thị trường trong nước. Với những lợi thế của mình, việc các doanh nghiệp tiếp thị nội chiếm lĩnh phần lớn thị phần tiếp thị bán hàng là điều dần được khẳng định.

Nguồn Tin nhanh chứng khoán