Ngân hàng niêm yết: Nợ xấu tăng, lợi nhuận giảm

 Tính đến thời điểm này, có 8/9 ngân hàng niêm yết công bố báo cáo tài chính quý II/2014. Theo đó, kẹt đầu ra và nợ xấu tăng là tình trạng phổ biến của các ngân hàng.

Ngân hàng niêm yết: Nợ xấu tăng, lợi nhuận giảm

Vốn huy động tăng 7,24%

Theo số liệu tổng hợp từ 8 ngân hàng có báo cáo ghi nhận được, vốn huy động tại thời điểm cuối tháng 6/2014 tính chung tăng 7,24%. Vốn huy động đang nói ở đây gồm tiền gửi của khách hàng, vốn uỷ thác và giấy tờ có giá do ngân hàng phát hành.

Trong số này, Ngân hàng TMCP Quốc dân (NCB) có tốc độ tăng cao nhất, đến 20,18%, kế đến là Ngân hàng TMCP Quân đội (MBB) với 15,64%. Tuy nhiên, NCB (trước đây là Ngân hàng TMCP Nam Việt - Navibank) là ngân hàng có quy mô nhỏ và tổng vốn huy động tại thời điểm cuối tháng 6 mới có 24.758 tỷ đồng, chỉ là số lẻ so với MBB.

Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) và Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) cũng có tốc độ tăng trưởng 2 con số, lần lượt là 13,85% và 11,88%. Đáng chú ý, nguồn vốn tăng thêm của MBB, Vietcombank và Sacombank đều do khách hàng gửi tiền nhiều hơn, không giống như một số ngân hàng khác hoặc như trước đây là từ phát hành giấy tờ có giá.

Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank) là ngân hàng có số dư huy động lớn nhất với hơn 414.450 tỷ đồng. Tuy nhiên, có đến 31.391 tỷ đồng trong tổng vốn huy động của VietinBank là từ nguồn uỷ thác và nếu chỉ tính tiền gửi của khách hàng thì chỉ tiêu này của VietinBank chỉ tương đương với Vietcombank. Trong 6 tháng đầu năm, vốn huy động của VietinBank tăng không đáng kể.

Lưu ý thêm, tại thời điểm cuối tháng 6/2014, VietinBank là ngân hàng đi vay ròng trên thị trường liên ngân hàng nhiều nhất. Chênh lệch giữa cho vay và đi vay trên thị trường liên ngân hàng của VietinBank lên đến hơn 34.322 tỷ đồng, tăng mạnh so với con số gần 7.283 tỷ đồng vào cuối năm ngoái.

Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) là đơn vị vay ròng lớn thứ hai sau VietinBank, với hơn 12.723 tỷ đồng tại thời điểm cuối tháng 6/2014, tăng 61,2% so với cuối năm ngoái. Bên cạnh đó, Eximbank là ngân hàng duy nhất trong số các ngân hàng niêm yết có vốn huy động trong 6 tháng đầu năm tăng trưởng âm.

Cho vay tăng chậm, nợ xấu tăng nhanh

Theo số liệu mới nhất của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tín dụng toàn ngành trong 7 tháng đầu năm tăng 3,68%. Trong 6 tháng, con số này là 3,52%. Đối với 8 ngân hàng niêm yết nêu trên, tổng số dư cho vay khách hàng tại thời điểm cuối tháng 6/2014 tăng 5,08% so với cuối năm ngoái.

Một lần nữa, NCB là ngân hàng tăng dư nợ cho vay nhanh nhất, đến 34,65% và đây cũng là ngân hàng có quy mô cho vay nhỏ nhất trong số các ngân hàng niêm yết. Ở chiều ngược lại, Eximbank không chỉ có vốn huy động giảm, mà dư nợ cho vay cũng giảm. Tại thời điểm cuối tháng 6, dư nợ cho vay khách hàng của Eximbank là hơn 80.275 tỷ đồng, giảm 3,69% so với cuối năm ngoái.

Do kẹt đầu ra nên nhiều ngân hàng phải mua trái phiếu chính phủ, trái phiếu Kho bạc Nhà nước, tín phiếu NHNN và một số loại chứng khoán nợ khác đang niêm yết. Chẳng hạn, tổng số dư tự doanh và đầu tư chứng khoán của VietinBank trong 6 tháng đầu năm tăng thêm 29.698 tỷ đồng, tức tăng 35,7%, trong đó đa phần là các công cụ nợ như vừa nêu. Tương tự, tổng danh mục tự doanh và đầu tư của Vietcombank tăng thêm 26.805 tỷ đồng, tương đương với mức tăng 41,4%.

Đáng chú ý, dư nợ cho vay tăng chậm, nhưng nợ xấu lại tăng nhanh. Tổng nợ từ nhóm 3 đến nhóm 5 của 8 ngân hàng niêm yết tại thời điểm cuối tháng 6/2014 là 37.209 tỷ đồng, tăng 53,57% so với cuối năm ngoái. So với tổng dư nợ cho vay, nợ xấu chiếm 3,14%.

Báo cáo tài chính của Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB) không nêu chi tiết các nhóm nợ, mà chỉ ghi chung chung là nợ quá hạn. Theo đó, tỷ lệ nợ quá hạn trên tổng dư nợ cho vay khách hàng của ngân hàng này tại thời điểm cuối tháng 6/2014 là 8,17%. Con số này tăng 72,4% trong vòng 6 tháng đầu năm.

Theo tiêu chí phân nhóm nợ quy định tại Thông tư 02/2013/TT-NHNN, VietinBank là ngân hàng có con số nợ xấu tăng nhanh nhất, từ 3.370 tỷ đồng tại thời điểm cuối năm ngoái lên 9.576 tỷ đồng vào cuối tháng 6/2014, tức tăng 1,54 lần. Tuy nhiên, nếu so với tổng dư nợ cho vay thì nợ xấu của VietinBank vẫn thấp hơn nhiều ngân hàng khác, ở mức 2,53% tại thời điểm cuối tháng 6.

Xét về số tuyệt đối thì Vietcombank có nợ xấu lớn thứ hai sau VietinBank, với hơn 9.032 tỷ đồng, tương đương với tỷ lệ 3,1% tổng dư nợ. Con số này tăng 21% trong 6 tháng đầu năm.

Dù dư nợ cho vay của Eximbank tăng trưởng âm, nhưng nợ xấu của ngân hàng này vẫn tăng mạnh. Cụ thể, tổng nợ từ nhóm 3 đến nhóm 5 tại thời điểm cuối tháng 6/2014 là hơn 2.364 tỷ đồng, tăng trên 43% so với cuối năm ngoái. Tỷ lệ nợ xấu hiện tại là 2,95%.

Lợi nhuận giảm

NCB không được đưa vào để xem xét chỉ tiêu này do NCB chưa có báo cáo tài chính hợp nhất, mà mới chỉ có báo cáo của ngân hàng mẹ. Hơn nữa, lợi nhuận trước thuế của NCB cũng không đáng kể, ngân hàng mẹ chỉ đạt chưa đến 4 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm.

Theo đó, lợi nhuận trước thuế của 7 ngân hàng còn lại đạt xấp xỉ 12.000 tỷ đồng trong nửa đầu năm, giảm 1,75% so với cùng kỳ năm ngoái. Giảm mạnh nhất là Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB), ACB lãi trước thuế gần 731 tỷ đồng, giảm 22,7%.

Kế đến là Eximbank, ngân hàng này có rất nhiều chỉ tiêu giảm, ngoại trừ nợ xấu. Trong 6 tháng đầu năm, Eximbank ghi nhận gần 664 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, giảm 12,14% so với cùng kỳ năm ngoái.

VietinBank đạt gần 3.873 tỷ đồng lợi nhuận trong 6 tháng, giảm 6,38%. VietinBank hiện là ngân hàng có lợi nhuận lớn nhất, cách xa Vietcombank hơn 1.000 tỷ đồng.

Ở chiều ngược lại, với mức tăng 26,14% lợi nhuận trước thuế trong nửa đầu năm, SHB đã rút ngắn khoảng cách với ngân hàng liền trước là Eximbank xuống chưa đến 160 tỷ đồng.

Đức Luận

{fcomment}