Nhận định thị trường ngày 25/9: Động lực tăng điểm mạnh chưa thể xuất hiện

Trong các phiên tới, động lực tăng điểm mạnh mẽ chưa thể xuất hiện trở lại, do vậy nhiều khả năng chỉ số này sẽ dao động trong biên độ hẹp quanh vùng 598 - 609 điểm.

Nhận định thị trường ngày 25/9: Động lực tăng điểm mạnh chưa thể xuất hiện

ĐTCK lược trích báo cáo nhận định thị trường của một số CTCK cho phiên giao dịch ngày 25/9.

Có thể tiếp tục giải ngân khi thị trường về sát 600 điểm

(CTCK FPT - FPTS)

Chỉ số VN-Index sau khi chạm 605 ngày thì có sự hồi phục mạnh mẽ, tuy nhiên, 3 ngày liên tiếp nhóm cổ phiếu dầu khí, đặc biệt là GAS lại tiếp tục bị bán ra rất mạnh vào cuối giờ đẩy chỉ số VNindex về mốc 603,59 điểm.

Như vậy, đúng như dự đoán, thị trường đang về ngưỡng hỗ trợ 600-605. Mặc dù chỉ số chung của thị trường giảm khá mạnh nhưng vẫn xuất hiện khá nhiều điểm sáng tại đây, trong họ cổ phiếu dầu khí đã có sự phân hóa, bên cạnh các mã vẫn giảm mạnh như GAS, PVC, PXS.. một số mã đã tìm lại được sự cân bằng và duy trì sắc xanh như PVS, PVE, PVX… và Chúng tôi kỳ vọng điều này sẽ lan tỏa đến các cổ phiếu kia trong một vài ngày giao dịch tới.

Khá nhiều cổ phiếu bất động sản cũng duy trì được đà tăng như DIG, NBB, CII,…khả năng nhóm này đang có sự hút tiền về từ nhóm dầu khí. Khối ngoại trở lại bán ròng nhẹ trong ngày 24/5 ở mức 59.6 tỷ đồng sau khi mua ròng mạnh 2 phiên trước là không quá bất ngờ và cần tiếp tục theo dõi.

Nếu ngưỡng 600 không bị phá vỡ, chúng tôi tiếp tục kỳ vọng vào một đợt hồi phục ngắn hạn sắp tới và tiếp tục khuyến nghị các nhà đầu tư ngắn hạn chấp nhận rủi ro có thể tiếp tục giải ngân khi thị trường về sát 600 điểm. Với nhà đầu tư dài hạn và thận trọng tiếp tục đứng ngoài quan sát chờ xu hướng ổn định và rõ ràng hơn.

Sẽ dao động trong biên độ hẹp quanh vùng 598 – 609 điểm

(CTCK Sài Gòn Hà Nội - SHS)

VN-Index có 8 phiên liên tiếp điều chỉnh giảm điểm. Hiện tượng này chưa lặp lại kể từ năm 2011. Các chỉ báo xung lượng hiện tại đều cho thấy xu hướng quá bán đang khá mạnh và nhiều khả năng đợt điều chỉnh này sẽ sớm kết thúc.

Nếu để ý đồ thị hiện tại của VN-Index, có thể thấy khoảng thời gian khá tương đồng giữa thời điểm tăng và giảm trong vùng 609 – 640 điểm của VN-Index. Như vậy, khả năng khi chỉ số này về xuống dưới vùng này, lượng cung và cầu sẽ trở nên cân bằng giúp đà giảm sẽ chậm lại.

Trong các phiên tới, động lực tăng điểm mạnh mẽ chưa thể xuất hiện trở lại, do vậy nhiều khả năng chỉ số này sẽ dao động trong biên độ hẹp quanh vùng 598 – 609 điểm.

Ngoài dòng cổ phiếu dầu khí tiếp tục bị chi phối bởi tâm lý chốt lời hàng loạt trong các phiên trước, tâm lý thị trường nhìn chung ổn định và lượng cầu giá cao đã xuất hiện tại nhiều nhóm cổ phiếu khác bất chấp các phiên điều chỉnh mạnh khiến đà tăng tại các cổ phiếu này tiếp tục được giữ vững.

Xu hướng phân hóa này chúng tôi đánh giá sẽ tiếp tục diễn ra trong các phiên sắp tới, đặc biệt tại các nhóm đã điều chỉnh khá, có thông tin hỗ trợ hoặc có triển vọng tốt đối với kết quả kinh doanh quý III. Nhà đầu tư theo đó không nên bán ròng cổ phiếu bằng mọi giá nếu vẫn còn cổ phiếu trong danh mục.

Có thể tiến hành mua thăm dò với các mã có tính chất như chúng tôi vừa đề cập để đón đầu kết quả kinh doanh quý 3 sắp được công bố.

Không mong chờ thị trường tiếp tục giảm sâu qua ngưỡng hỗ trợ 600 điểm

(CTCK BIDV - BSC)

Thuần túy kỹ thuật, đồ thị của VN-Index không thực sự tích cực khi xu hướng giảm chưa dừng lại và liên tục phá vỡ các ngưỡng hỗ trợ.

Điều này gây tâm lý không tốt cho nhà đầu tư. Tuy nhiên, sự giảm điểm của GAS trong vài phiên vừa qua cũng tác động mạnh đến quá trình đi xuống của VN-Index.

Nhìn sang các chỉ số khác như VN30 (không có GAS) và HNX-Index, chúng ta thấy tốc độ giảm giá đã chậm dần và đang tích lũy trở lại.

Mặt khác, về phân tách dòng cổ phiếu, ngoại trừ nhóm dầu khí giảm điểm mạnh, các dòng cổ phiếu khác vẫn giao dịch ổn định, đang hình thành tích lũy và không có dấu hiệu bị rớt khỏi nền tảng. Chính vì thế, chúng tôi đánh giá thị trường chung không yếu như những gì chúng ta nhìn thấy bề ngoài.

Kể từ mức giá cao nhất 639 tại ngày 8/9, VN-Index đã giảm gần 10%, như thế là hợp lý cho một quá trình điều chỉnh thông thường. Chúng tôi không mong chờ thị trường tiếp tục giảm sâu qua ngưỡng hỗ trợ 600 điểm.

Một tín hiệu tích cực trong phiên 24/9 là lượng hàng bắt đáy hôm thứ Sáu vừa qua (vào ngày ETF cơ cấu danh mục) đã về tài khoản, và chưa xảy ra hiện tại bán ồ ạt.

Thanh khoản phiên này tiếp tục được giữ ở mức ổn định. Mặc dù vậy, tâm lý nhà đầu tư lúc này khá nhạy cảm, và thị trường luôn chứa đựng những bất ngờ.

Nếu trong phiên ngày 25/9, VN-Index thủng mốc 600 +/- 2 điểm MỘT CÁCH DỨT KHOÁT, lực bán có thể sẽ tiếp tục mạnh lên, chúng tôi khuyến nghị dừng mua mới với nhà đầu tư thận trọng và khuyến nghị bắt đáy với nhà đầu tư ưa mạo hiểm.

Việc bắt đáy nên ưu tiên những cổ phiếu bị giảm mạnh trong thời gian vừa qua như dòng dầu khí và dòng chứng khoán. Nếu thị trường đi ngang và giữ được mốc này trong thời gian tới, nhà đầu tư có thể yên tâm mua dần những cổ phiếu tốt để lấy vị thế.

Sẽ điều chỉnh về những mức điểm thấp hơn nữa

(CTCK Bảo Việt - BVSC)

Theo quan sát của chúng tôi, thị trường đang ở vùng” trống” về mặt thông tin hỗ trợ. Thậm chí nhà đầu tư còn trong trạng thái khá “trơ” với các tin tức vĩ mô tích cực được công bố gần đây như việc Moody’s nâng triển vọng tín nhiệm cho một loạt các ngân hàng như ACB, MB, Sacombank, Techcombank, VPBank hay chỉ số CPI tháng 9 chỉ tăng ở mức thấp (0,4%) bất chấp ảnh hưởng tăng cao đột biến của nhóm hàng giáo dục.

Hiện tượng này phần nào cho thấy xu hướng điều chỉnh ngắn hạn và sự thận trọng đang chiếm ưu thế trên thị trường. Trong bối cảnh đó, cả hai chỉ số có thể sẽ cần thêm thời gian điều chỉnh về những mức điểm thấp hơn nữa để lôi kéo dòng tiền quay trở lại thị trường.

Theo quan điểm của chúng tôi, mặc dù triển vọng tăng điểm trong trung hạn của VN-Index vẫn được đánh giá là tích cực, nhưng trong ngắn hạn nhà đầu tư nên ưu tiên hàng đầu cho mục tiêu quản trị rủi ro.

Các quyết định trải lệnh mua dần tích lũy trở lại cho danh mục ngắn hạn vẫn có thể được thực hiện nhưng cần cân đối tỷ trọng ở mức hợp lý, nhằm tránh áp lực tâm lý trong trường hợp đà điều chỉnh tiếp tục diễn ra.

N.Tùng

{fcomment}