Nhiều doanh nghiệp bỏ “tấm áo nhà nước”

 Với khái niệm “DNNN là doanh nghiệp 100% vốn nhà nước” được thống nhất thể chế hóa ở cấp độ luật, Luật Doanh nghiệp sửa đổi vừa được Quốc hội thông qua được đánh giá sẽ tạo ra một cuộc cách mạng lớn về tư duy quản lý đối với DN cũng như mang lại những thay đổi mang tính bước ngoặt đối với hoạt động kinh doanh, đầu tư của DN và hiệu quả, chất lượng cổ phần hóa DNNN trong thời gian tới.

Nhiều doanh nghiệp bỏ “tấm áo nhà nước”

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh nhấn mạnh: “Đây là một thay đổi tư duy rất lớn để cuối cùng đạt được mục tiêu các DNNN sau khi cổ phần hóa hoạt động hiệu quả hơn, không chỉ riêng cho DN mà cả nền kinh tế nói chung”. Theo Bộ trưởng Vinh, đây là kim chỉ nam để định hướng và xem xét lại vấn đề cải cách DNNN không chỉ về số lượng mà còn về chất lượng, đặc biệt là tỷ trọng vốn cổ phần của DN.

Ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế Trung ương cho biết, sự thay đổi về định nghĩa DNNN chính là mấu chốt để tạo ra sự lột xác hoàn toàn về khái niệm và bản chất của DNNN, từ đó mang lại những thay đổi cơ bản về môi trường pháp lý, tư duy quản lý, quản trị DN và kéo theo đó là hiệu quả hoạt động của DN.

“Sự thay đổi này quan trọng ở chỗ đã tạo ra một khung khổ pháp lý bảo vệ công bằng, đầy đủ đối với các nhà đầu tư trong DN có vốn Nhà nước. Trước đây, một DN được xem là DNNN khi Nhà nước chiếm từ 50% vốn điều lệ trở lên và được áp dụng các quy định quản lý như đối với một DNNN. Theo Luật Doanh nghiệp sửa đổi, các DN này sẽ được áp dụng hoàn toàn các quy định và nguyên tắc giống như DN không có vốn Nhà nước. Như vậy, sẽ đảm bảo bảo vệ tốt hơn quyền sở hữu và lợi ích của các nhà đầu tư bên ngoài, đồng thời cũng tạo nên sự công bằng bình đẳng giữa các nhà đầu tư”, ông Cung phân tích và cho rằng, qua đây các nguyên tắc thực tiễn tốt về quản trị công ty sẽ được áp dụng đầy đủ hơn trong các DN không phải 100% vốn nhà nước, từ đó tạo điều kiện thuận lợi thúc đẩy cổ phần hóa DNNN nhiều hơn, nhanh hơn và chất lượng hơn.

Cũng cần phải nói rằng, với quan niệm DNNN là DN có từ 50% vốn chủ sở hữu do Nhà nước nắm giữ trở lên vô hình trung đã đánh đồng bản chất toàn bộ các DN đã thực hiện cổ phần hóa lâu nay với loại hình DNNN. Sự “đánh đồng” này đã làm mất đi sự khác biệt về bản chất của DN đã CPH thành DN có vốn nhà nước với DNNN, kéo theo những hệ quả về cơ chế quản trị điều hành bị áp đặt thiếu hiệu quả, sự bất bình đẳng giữa các nhà đầu tư và các cổ đông trong DN cũng như những áp lực và gánh nặng về trách nhiệm chính trị, xã hội, làm méo mó, biến dạng mục tiêu kinh doanh của DN và ảnh hưởng trực tiếp tới quyền và lợi ích của các cổ đông.

Theo ông Cung, sự méo mó và áp đặt này thể hiện trên một số phương diện. Thứ nhất là về phương thức quản lý điều hành và cơ chế ra quyết định. Tại công ty cổ phần, mọi quyết định được ban hành là do HĐQT hoặc ĐHCĐ thực hiện, nhưng nếu là DNNN thì các quyết định này lại do cơ quan chủ sở hữu là Nhà nước quyết định. Nếu áp cơ chế này vào các DN đã CPH thì việc quyết định là từ 1 phía, không phải là tất cả cổ đông.

“Cách thức quản lý này rất gò bó, làm bỏ qua hoặc quên không bảo vệ quyền và lợi ích cho cổ đông khác”, ông Cung nói và cho rằng, không chỉ trong việc ra quyết định, mà trong cách thức quản lý cũng có nhiều bất cập. Chẳng hạn, với công ty cổ phần, công ty TNHH chỉ được phép thanh tra mang tính quản lý nhà nước như thanh tra về lao động, về môi trường hay thuế, còn thanh tra nhà nước và thanh tra ngành không được thanh tra DN khi không còn là DNNN. Hay kiểm toán nhà nước không có quyền và trách nhiệm kiểm toán công ty cổ phần, mà chỉ có kiểm toán độc lập được kiểm toán và kết quả kiểm toán được công khai, nhằm mục tiêu bảo vệ quyền và lợi ích cổ đông. Với hàng loạt cách thức quản lý mang tính áp đặt như thế, rõ ràng đã làm thay đổi hoàn toàn cách thức quản trị của một công ty mang tính chất quản trị hiện đại và không bảo vệ quyền và lợi ích của các cổ đông khác, không đảm bảo quyền và nghĩa vụ của HĐQT, HĐTV và ĐHCĐ, khiến các hành vi của công ty trở nên méo mó, sai lệch.

Cũng theo ông Cung, với cách thức can thiệp quá sâu như vậy sẽ dẫn tới các hệ lụy, một là những cổ đông tham gia DN vào chủ yếu là núp dưới bóng đầu tư để hưởng những đặc quyền đặc lợi, ưu đãi của DNNN vẫn được duy trì ở các DN có vốn nhà nước; hai là hạn chế sự tham gia của các cổ đông bên ngoài bởi họ không chấp nhận cuộc chơi không công bằng này, từ đó dẫn tới chất lượng cổ phần hóa thấp, hoạt động công ty sau cổ phần hóa vẫn kém hiệu quả.

Có thể thấy, khi khái niệm mới về DNNN có hiệu lực, những công ty cổ phần có vốn nhà nước dưới 100% sẽ không phải thực hiện những quyền và nghĩa vụ riêng, hoặc phải chịu áp đặt cách thức quản lý riêng với DNNN như trước đây, tức là sẽ xóa bỏ được những áp đặt, can thiệp mang nặng tính hành chính, làm biến dạng mục tiêu hoạt động của DN. Theo đánh giá của các chuyên gia, đây là một sự thay đổi rất lớn, rất căn bản để tạo nên sự đổi mới về quản trị DN, từ đó nâng cao hiệu quả của DN sau cổ phần hóa.

Bên cạnh đó, một hiệu ứng tích cực nữa mà sự thay đổi khái niệm này có thể mang lại là cùng với sự thay đổi về cách thức quản trị điều hành và cơ chế ra quyết định, sự bình đẳng và rõ ràng về quyền lợi và nghĩa vụ giữa các cổ đông trong DN cũng như với đối tác, khách hàng cũng được thiết lập và định hình vững chắc, góp phần bảo vệ quyền và lợi ích của cổ đông bên ngoài trước cổ đông nhà nước, khắc phục triệt để tình trạng cổ đông bên ngoài bị cổ đông nhà nước, cổ đông mang tính chất nhà nước áp đặt và lấn lướt trước đây.

“Việc này sẽ thu hút các cổ đông chiến lược tham gia nhiều hơn, từ đó thúc đẩy qúa trình cổ phần hóa chất lượng hơn. Đây sẽ là những nhà đầu tư đích thực chứ không phải những cổ đông, những nhà đầu tư đầu tư vào DN chỉ để hưởng những đặc lợi, đặc quyền của DNNN”, ông Cung nhấn mạnh.

Hiếu Minh

Theo Tin nhanh chứng khoán

{fcomment}