Nhiều doanh nghiệp dệt may có triển vọng bứt phá

 Tại hội thảo “TTCK cuối năm 2015 và cơ hội đầu tư cổ phiếu ngành dệt may” do CTCK Công thương (VietinBankSc) và Sở GDCK Hà Nội (HNX) phối hợp tổ chức cuối tuần qua, ông Nguyễn Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) nhấn mạnh, dệt may được đánh giá là ngành được hưởng lợi nhiều nhất từ Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).

Nhiều doanh nghiệp dệt may có triển vọng bứt phá

Ông Giang cho biết, ngành dệt may có sự tăng trưởng mạnh sau khi Việt Nam gia nhập WTO, với tốc độ tăng trưởng 17 - 18%/năm, dự kiến tốc độ tăng trưởng của ngành này khi TPP có hiệu lực là 25%/năm.

Chính phủ đặt ra cho toàn ngành dệt may phải đạt kim ngạch xuất khẩu 30 tỷ USD trong năm 2020, nhưng năm 2015, toàn ngành ước đạt con số 28 tỷ USD. VITAS kỳ vọng, đến năm 2020, con số này sẽ đạt 50 tỷ USD. Trong giai đoạn 2018 - 2040, ngành dệt may Việt Nam phấn đấu từ vị trí thứ 5 về xuất khẩu trở thành công xưởng dệt may của thế giới, sau Trung Quốc.

Tuy nhiên, bên cạnh những cơ hội, ông Giang nhận định, có 3 thách thức đặt ra cho ngành dệt may Việt Nam, đó là chiến lược đầu tư quy mô dài hạn đến năm 2040, chiến lược đầu tư nguồn nhân lực cho toàn ngành và phát triển công nghiệp dệt may phải song song với bảo vệ môi trường bền vững.

Theo ông Giang, nhiều năm qua, ngành dệt may Việt Nam phải đối mặt với tình trạng nguồn cung thiếu hụt, phụ thuộc lớn vào nhập khẩu, đặc biệt là thị trường Trung Quốc. Do đó, trong 5 năm gần đây, việc đẩy mạnh đầu tư sản xuất nguyên phụ liệu đã giúp tỷ lệ nội địa hóa ngành dệt may tăng lên 50%, mục tiêu là đạt tỷ lệ 70% trong năm 2018.

Ông Đặng Trần Hải Đăng, Phó phòng Nghiên cứu Phân tích VietinBankSc đánh giá, ngành dệt may có triển vọng tăng trưởng mạnh trước cơ hội lớn từ việc Việt Nam ký kết các hiệp định thương mại, đặc biệt với một số mã cổ phiếu như TCM, TNG, GMC, G20… Thực tế, thời điểm các nước hoàn tất đàm phán TPP, hầu hết cổ phiếu trong ngành đều ghi nhận mức tăng giá mạnh.

Trong cuộc trao đổi với ĐTCK gần đây, ông Lê Quang Hùng, Chủ tịch HĐQT GMC cho hay, tham gia TPP, song song với cơ hội là những thách thức lớn mà các doanh nghiệp trong nước phải đối mặt.

Chẳng hạn, CTCP Dệt may Đầu tư Thương mại Thành Công (TCM) là một trong số ít doanh nghiệp trong ngành dệt có được thuận lợi sản xuất từ sản phẩm sợi, nhưng với GMC, hiện nguyên liệu mua trong nước 50% và nhập khẩu từ thị trường Trung Quốc khoảng 50%. Chính vì vậy, các doanh nghiệp cần phải nhìn nhận thẳng thắn giữa việc “được” và “mất” khi TPP có hiệu lực trong bối cảnh 85% các doanh nghiệp dệt may ở Việt Nam làm gia công.

Về các cổ phiếu ngành dệt may đang niêm yết, Chủ tịch VITAS nhận xét, cổ phiếu ngành dệt may đã có những chuyển biến tích cực, song chưa phản ánh một cách toàn diện tình hình hoạt động của ngành do nhiều cổ phiếu trong ngành chưa lên niêm yết. Với vai trò là Chủ tịch VITAS, ông Giang cho biết, trong thời gian tới sẽ thúc đẩy các doanh nghiệp dệt may lớn lên sàn; còn với vai trò là Chủ tịch HĐQT Công ty May Việt Tiến, Công ty May 10, ông Giang cho hay, cả hai công ty này đang làm hồ sơ xin niêm yết và sẽ sớm lên niêm yết. Một số doanh nghiệp khác trong ngành như May Nhà Bè, May Đức Giang cũng đang chuẩn bị lên sàn.

Ông Nguyễn Hách, Tổng giám đốc CTCP Đầu tư Dệt may G.Home (G20) chia sẻ, kim ngạch xuất khẩu dệt may Việt Nam dự báo tăng 14 - 16% trong năm 2015 (theo VITAS), nên triển vọng tăng trưởng của ngành dệt may nói chung và G20 nói riêng là rất lớn.

Thực tế cho thấy, dệt may là ngành công nghiệp đóng vai trò quan trọng vào tăng trưởng kinh tế tại một số thị trường của các nước TPP và cũng là ngành sẽ được hưởng lợi nhiều nhất khi TPP có hiệu lực do hầu hết thuế quan sẽ được xóa bỏ ngay lập tức. Đối với một số mặt hàng “nhạy cảm”, thuế quan sẽ được xóa bỏ với lộ trình dài hơn do các bên thống nhất. Tuy vậy, để hưởng mức thuế suất 0% khi xuất khẩu vào thị trường Mỹ, các sản phẩm dệt may của Việt Nam phải có mọi công đoạn sản xuất, nghĩa là sản xuất từ sợi vải cho đến khi có thành phẩm.

Hiện nay, TCM là một trong số ít doanh nghiệp dệt may trong nước đáp ứng được tiêu chuẩn này, những doanh nghiệp dệt may niêm yết khác chủ yếu tham gia từ giai đoạn cắt và may như CTCP Sản xuất Thương mại May Sài Gòn (GMC), CTCP Đầu tư và Thương mại TNG (TNG), CTCP Sản xuất Kinh doanh Xuất nhập khẩu Bình Thạnh (GIL), CTCP Vải sợi May mặc Miền Bắc (TET), CTCP May Phú Thịnh Nhà Bè (NPS)…

Nguồn Tin nhanh chứng khoán