Nhìn từ Đại án Đắk Nông: Rủi ro đổi tiền lấy giấy

 Ngày 26/9 vừa qua, TAND tối cao tại Đà Nẵng đã công bố bản án phúc thẩm với 13 bị cáo trong đại án nghìn tỷ ở Tây Nguyên. Có 3 ngân hàng liên quan đến vụ án này gồm Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB), Ngân hàng Nam Á (Nam Á Bank) và Ngân hàng Phương Đông (OCB).

Nhìn từ Đại án Đắk Nông: Rủi ro đổi tiền lấy giấy

ĐTCK đã có cuộc trao đổi với Luật sư Trần Minh Hải, Giám đốc Điều hành Công ty Luật BASICO, người đã tham gia phiên tòa với tư cách là luật sư bảo vệ cho quyền và lợi ích của OCB xung quanh rủi ro nghiệp vụ cho vay bảo đảm bằng giấy tờ có giá.

Thưa ông, nhìn lại đại án này, ông có đánh giá thế nào về hành vi của bị cáo Vũ Việt Hùng và các bị cáo liên quan đến việc dùng những hợp đồng tiền gửi giả vay vốn, chiếm đoạt 580 tỷ đồng của Nam Á Bank và OCB?

Trong hoạt động cho vay thông thường của ngân hàng, tài sản bảo đảm là một nhân tố chính để phòng ngừa hậu quả phát sinh từ rủi ro tín dụng. Mỗi loại tài sản bảo đảm có một giá trị an toàn riêng, trong đó, tài sản bảo đảm là tiền gửi tại chính ngân hàng được đánh giá có giá trị an toàn cao.

Với Đại án Đắk Nông, do phát sinh tình huống DN đang có nợ xấu cao, mất khả năng trả nợ, bị Hội sở VDB yêu cầu thu nợ sớm, bị cáo Vũ Việt Hùng, nguyên Giám đốc VDB - Chi nhánh Đắk Nông, Đắk Lắk đã cấu kết với các bị cáo là chủ DN xác nhận hợp đồng tiền gửi nội dung giả tạo làm tài sản bảo đảm lừa vay tiền của các ngân hàng khác và dùng số tiền vay được lấp đi những khoản nợ xấu phát sinh tại VDB.

Tại phiên tòa xét xử, các bị cáo đã thừa nhận hành vi phạm tội. HĐXX đã tuyên buộc VDB - Chi nhánh Đắk Lắk, Đắk Nông phải chuyển trả lại số tiền vật chứng cho OCB trên 511 tỷ đồng.

Việc cho vay bằng cách phong tỏa tài khoản của khách hàng tại ngân hàng có phổ biến? Quy định về nghiệp vụ này như thế nào?

Việc các ngân hàng cho vay bằng cách cầm cố giấy tờ có giá như sổ tiết kiệm, hợp đồng tiền gửi không phải hiếm gặp, đây là một hoạt động nghiệp vụ bình thường của ngân hàng. Vấn đề ở chỗ, nếu kẻ gian có chủ mưu, thì việc đề phòng không dễ.

Khi nhận tài sản bảo đảm là tiền gửi, sổ tiết kiệm do ngân hàng khác phát hành, quản lý, ngân hàng cho vay sẽ phải lập một văn bản xác nhận, phong tỏa giấy tờ có giá và gửi đến ngân hàng phát hành để yêu cầu xác nhận. Văn bản xác nhận này có 3 nội dung chính: tiền gửi, sổ tiết kiệm có thật hay không; ngân hàng phát hành hiện đã phong tỏa, xác nhận phong tỏa giấy tờ này cho một nghĩa vụ thanh toán nào chưa và xác nhận sẽ phối hợp, ưu tiên xử lý giấy tờ có giá để thu hồi nợ cho ngân hàng cho vay.

Theo ông, rủi ro nghiệp vụ này xuất phát từ đâu?

Giấy tờ có giá là loại tài sản bảo đảm tuy không chiếm số lượng lớn trong các giao dịch của ngân hàng, song về tỷ trọng lại không nhỏ khi các giao dịch đều có giá trị lớn. Vì vậy, có rất nhiều nguy cơ rình rập ngân hàng.

Thứ nhất, rủi ro khi khách hàng làm giả xác nhận phong tỏa của ngân hàng. Ngân hàng làm thủ tục cho vay và giải ngân mà không kiểm tra lại với ngân hàng phát hành. Chỉ khi tiến hành xử lý tài sản bảo đảm mới phát hiện xác nhận phong tỏa của ngân hàng bạn là giả.

Thứ hai là trường hợp các đối tượng lừa cả ngân hàng lẫn khách hàng. Thực tế đã có trường hợp một nhóm đối tượng đóng giả làm nhân viên ngân hàng đến chào mời DN gửi tiền với lãi suất cao. Sau đó lại giả làm DN đến đàm phán với ngân hàng để gửi tiền với yêu cầu ngân hàng phải cho vay chỉ định với bên thứ 3. Sau khi tiền về tới tài khoản của bên thứ 3, nhóm đối tượng biến mất cùng với số tiền. Đến khi đáo hạn hợp đồng, DN gửi tiền đến ngân hàng mới phát hiện ra toàn bộ hợp đồng tiền gửi là giả.

Một nguy cơ nữa như xảy ra ở vụ án này, đó là cho vay với tài sản bảo đảm là sổ tiết kiệm, hợp đồng tiền gửi của ngân hàng khác. Quy trình, thủ tục đã được thực hiện đầy đủ, ngân hàng phát hành xác nhận ưu tiên xử lý sổ tiết kiệm cho ngân hàng cho vay. Tuy nhiên, khi khoản nợ quá hạn, ngân hàng cho vay yêu cầu xử lý sổ tiết kiệm để thu hồi nợ, thì ngân hàng phát hành cho biết, đã xử lý sổ tiết kiệm đó để thu hồi cho một khoản nợ khác mà khách hàng nợ chính ngân hàng phát hành.

Với nhiều năm kinh nghiệm làm pháp chế cho ngân hàng, theo ông, biện pháp hữu hiệu nào để hạn chế những rủi ro từ nghiệp vụ này?

Thay đổi nhận thức về giá trị an toàn của tài sản bảo đảm là tiền gửi tại ngân hàng khác là một trong những giải pháp, bởi việc xác nhận vào thông báo phong tỏa hợp đồng tiền gửi, sổ tiết kiệm chỉ là theo thông lệ của ngân hàng, không có trong các quy định của pháp luật. Do đó, khi phát sinh tranh chấp, về cơ bản sẽ rất khó trong bảo vệ quyền lợi hợp pháp từ những ngân hàng cho vay. Thực trạng trên khiến không ít ngân hàng nhận thức được vấn đề và không nhận tài sản bảo đảm là tiền gửi, sổ tiết kiệm của ngân hàng khác.

Ngoài ra, các ngân hàng cũng cần nâng cao khả năng phòng vệ của hệ thống quy trình, quy chế giao dịch cho vay, bảo đảm tiền vay, cũng như đào tạo để tăng cường tư duy nhận thức trách nhiệm pháp lý của cán bộ tín dụng.

Bùi Trang

{fcomment}