Những ngày cuối cùng của Thương xá Tax và nỗi niềm của người Sài Gòn

 Thương xá Tax những ngày cuối cùng bỗng nhiên đón bao nhiêu khách tới chơi. Người chụp hình, kẻ mua sắm tấp nập. Người nuối tiếc, kẻ đồng tình buông tay. Tâm trạng của bạn thì thế nào?

Những ngày cuối cùng của Thương xá Tax và nỗi niềm của người Sài Gòn

1 Những ngày Thương xá Tax còn chưa công bố dự án xây metro và tòa cao ốc Tax Plaza, trai thanh gái lịch tới lui đông nhất vào dịp cách nay đã quá nửa năm rồi. Đó chính là Tết Nguyên đán.

Trước mặt là đường hoa Nguyễn Huệ với bản sắc đón Xuân vô cùng đặc biệt của thành phố tràn đầy nắng gió phương Nam, nên Thương xá Tax cũng không ngại ngần gì mà giấu đi vẻ đài các của mình.

Hình ảnh những bông hoa mai cách điệu, hay cặp bánh chưng, bánh tét gợi nhớ da diết sự thân thương xôm tụ đầm ấm gia đình, khiến Thương xá Tax là nơi tụ hội của biết bao nhiêu người tới chơi và chụp hình.

Trước đó, mùa Giáng sinh lung linh rực rỡ được tái hiện ở đây không năm nào “đụng hàng”, đã mang mặt tiền Thương xá Tax trở thành thương hiệu lễ hội và là một trong những địa điểm không thể không ghé của bất cứ du khách trong nước hay quốc tế nào đặt chân tới vùng đất từng được ca ngợi là Hòn Ngọc Viễn Đông.

Gia đình tôi có nhiều năm trải nghiệm cảm giác đón giao thừa ở khách sạn đối diện Thương xá Tax. Khi đi coi pháo bông xong, vừa lười di chuyển về nhà trong biển người đông đúc, vừa muốn chơi tới khuya trên đường hoa Nguyễn Huệ, vậy thì giải pháp “book” phòng khách sạn ngay trung tâm thành phố trở nên hữu hiệu (đặc biệt, khi người giúp việc đã về quê, chẳng có ai nấu nướng hay dọn dẹp nhà cửa nữa).

Đêm vào sâu, từ đối diện nhìn sang, Thương xá Tax với các đèn nhấp nháy lung linh như tượng trưng cho mọi sự xa hoa của các tiện nghi hiện đại mắc tiền. Còn nếu vào những ngày bình thường, các gian hàng bán tại đây không quá đông đúc. Quán cà phê Highland trên lầu 3 với bức tường kính ngay góc 2 mặt tiền Nguyễn Huệ và Lê Lợi ồn ào tiếng khóc của con nít được ba mẹ dắt đi ăn, đi chơi xen lẫn trong âm nhạc du dương. Một cuộc sống đời thường chẳng có gì khác biệt với những nơi khác. Có chăng, với người tinh tế, là cảm giác được ngồi ngay giữa trung tâm của trung tâm Sài Gòn.

2 Nhưng Thương xá Tax những ngày này lại nhộn nhịp và đông đúc khủng khiếp, chẳng phải vì lễ hội. Một sự dịch chuyển lớn lao cả về nội dung và hình thức khiến nhiều người Sài Gòn chưa kịp thích ứng. Phía bên ngoài Đại lộ Lê Lợi rộng lớn là thế, giờ được bao phủ bằng hình thức của đại công trường.

Thiên hạ chen chân xếp hàng mua giày dép, mũ nón, quần áo. Người ta tiến sát gần hàng chữ Thương xá Tax để chụp hình lưu niệm. Rồi mai đây vĩnh viễn không còn tên gọi này nữa. Có nhiều người lý giải, chữ Tax ở đây được hiểu theo nghĩa là thuế.

Khi vừa mới được xây dựng trong thời thuộc Pháp, tòa nhà này được mang tên Les Grands Magazins Charner (GMC). Cho tới đầu thập niên 60 của thế kỷ 20, tòa nhà GMC được Hội Mậu dịch đổi tên thành Thương xá Tax, là nơi buôn bán hàng cao cấp nhập khẩu, do vậy, hàng hoá bị đóng thuế rất cao.

“Có thể đây chính là lý do người ta đặt tên tòa nhà là Thương xá Tax, tức là cửa hàng bán những món đồ đã có đóng thuế”, họa sĩ Đỗ Duy Ngọc lý giải.

Trở về nỗi niềm của người dân, đã và đang sống tại Sài Gòn, có 2 luồng tư duy. Một bên cho rằng, tòa nhà Thương xá Tax qua nhiều thời kỳ đã bị thay đổi kiến trúc, không giữ được đường nét tuyệt đẹp như ban đầu nữa. Hiện nay, chất lượng công trình đã xuống cấp nhiều, nên rất cần sự “thay máu”.

Bên đối lập cho rằng, Thương xá Tax cùng quần thể kiến trúc kiểu Pháp như UBND TP. HCM, chợ Bến Thành, Nhà hát Thành phố, Nhà thờ Đức Bà, Bưu điện Thành phố…, đã tạo nên vẻ đẹp riêng của Sài Gòn, là biểu tượng của Sài Gòn. Đập phá công trình này đi, chẳng phải uổng phí lắm sao.

Cho dù thế nào, chỉ còn gần 1 tháng nữa, Thương xá Tax cũng yêu cầu tiểu thương rời khỏi vị trí buôn bán này, để bắt đầu vào công việc thay đổi. Nhà ga tàu điện ngầm được xây dựng nơi đây, đánh dấu bước phát triển lớn cho giao thông Sài Gòn.

Hãy chụp hình để lưu giữ nếu bạn thấy cần lưu giữ. Có những điều không thể khác được, thì chúng ta nên chấp nhận. Nhà cửa, xét cho tới cùng, vẫn là thứ động, chứ không phải là tĩnh, là bất biến.

Theo Nhà thơ Đinh Thu Hiền
Báo Đầu tư Bất động sản

{fcomment}