Những nhân tố ảnh hưởng đến kinh tế toàn cầu năm 2015

Động thái của Nga, cuộc chiến dầu mỏ tại Trung Đông, hoạt động của nhóm khủng bố ISIS và căng thẳng địa chính trị Trung Quốc - Nhật Bản sẽ được giới đầu tư chú ý trong năm nay.

1. Nga

putin-jpeg-5884-1419935912.jpg

Các động thái của ông Putin sẽ có tác động đến kinh tế toàn cầu năm tới. Ảnh: Reuters

Có lẽ không một nhân vật chính trị nào được quan tâm trong năm 2014 như Tổng thống Nga -Vladimir Putin, CNN nhận xét. Sau vụ sáp nhập Crimea, có vẻ mọi thứ đang tuột khỏi tầm kiểm soát của ông. Các lệnh trừng phạt nặng nề từ phương Tây và giá dầu tuột dốc đã khiến Moscow chìm vào cuộc khủng hoảng đồng rouble tồi tệ.

Giới phân tích lo ngại ông Putin sẽ tìm ra một biện pháp mạnh mẽ khác để đánh lạc hướng người Nga khỏi những rối loạn về kinh tế. "Nga nguy hiểm ở chỗ họ là một con gấu bị thương", Ed Yardeni - Chủ tịch hãng tư vấn Yardeni Research cho biết.

Họ cho rằng ông Putin có thể sẽ lặp lại sự đe dọa đối với các nước Liên Xô cũ có cộng đồng dân cư Nga đông đảo như Estonia và Latvia. các nước này đều là thành viên của Khối quân sự Bắc Đại tây dương (NATO).

2. Trung Đông

Khi giá dầu đang lao dốc thì cuộc chiến giành quyền thống trị trong khu vực giữa Ảrập Xêút và Iran có thể nổ ra dữ dội hơn trong năm 2015. Những năm gần đây, sự tập trung cũng đang dồn vào các nước như Bahrain, Iraq, Syria và Yemen.

Quyết định của OPEC về việc giữ nguyên sản lượng dầu thô đã tạo ra áp lực tài chính nặng nề cho Iran. Việc này đang làm tăng nguy cơ cạnh tranh tại Trung Đông sẽ vượt ra ngoài tầm kiểm soát. Iran có thể tìm đến sự trợ giúp hơn từ Nga - nước cũng đang cần đẩy giá dầu lên cao.

"Người Ảrập đã khiến Iran và Nga bị đặt vào thế khó trong 6-8 tháng tới", ông Michael Moran – CEO hãng tư vấn Control Risks cho biết.

3. ISIS và các nhóm khủng bố khác

Một năm trước, ISIS còn là cái tên khá xa lạ. Nhưng hiện tại, nhóm khủng bố này đã phủ bóng đen lên toàn cầu. Dù các chiến dịch không kích của Mỹ đã làm suy yếu phần nào tầm kiểm soát của ISIS ở Iraq, nhóm này vẫn rất nguy hiểm.

"Chúng là mối nguy hại lớn cho sự ổn định của các nước lân cận như Jordan, Lebanon, Ảrập Xêút và Thổ Nhĩ Kỳ" Moran nhận định. Bên cạnh đó, những kẻ khủng bố trở về Châu Âu, Bắc Mỹ và các nước phương Tây khác cũng có khả năng thực hiện các cuộc tấn công đe dọa du lịch và thương mại toàn cầu.

4. Sự cạnh tranh của Châu Á

Châu Á có rất nhiều cường quốc kinh tế. Nhưng sự bất hòa giữa họ cũng đã tồn tại từ rất lâu. Tiêu biểu là tranh chấp lãnh thổ giữa Trung Quốc và Nhật Bản, nền kinh tế lớn thứ hai và thứ ba thế giới.

Thế giới sẽ gặp rủi ro, bởi cả hai quốc gia Đông Á này đều nằm ở trung tâm chuỗi cung ứng toàn cầu. "Mọi thứ có thể đóng băng rất nhanh. Hoạt động kinh tế sẽ bị gián đoạn trên toàn cầu" Moran dự đoán.

Không chỉ ở trung Quốc, sự rút lui của quân đội Mỹ khỏi Afghanistan cũng có thể tạo ra biến động tại đất nước này. Tình hình ở Afghanistan sẽ thu hút sự chú ý lớn của Pakistan và Ấn Độ, những quốc gia mạnh về hạt nhân đang ngày càng phát triển theo hướng đối lập nhau.

Bất chấp nạn nghèo đói và tham nhũng, "Ấn Độ đang trở thành một nước có nền kinh tế và quân sự mạnh vào bậc nhất", Moran nói, " trong khi đó, Pakistan đang càng ngày càng chìm sâu vào thuyết cấp tiến".

5. Tình huống bất chợt

Những sự kiện địa chính trị lớn nhất thường lại là những việc mà rất ít người cho là sẽ xảy đến. Moran cho rằng các nhà đầu tư nên chú ý đến sự ảnh hưởng của cải cách năng lượng Mỹ đến các nước châu Phi. Những quốc gia như Nigeria, Algeria và Angola từng xuất khẩu một lượng lớn dầu sang Mỹ, nhưng giờ lại bị cách mạng dầu đá phiến ở đây chặn lại. Việc này có thể dẫn đến tình trạng bất ổn về chính trị.

Khác với Ảrập Xêút, các nước này không có quỹ dự trữ quốc gia và dự trữ ngoại tệ khổng lồ để trông cậy trong thời kỳ khủng hoảng. Nigeria cũng đang chịu sức ép từ Boko Haram - một nhóm khủng bố đang hoạt động rất mạnh tại nước này.

Triều Tiên cũng là mối lo tiềm tàng khi vài tháng lại có căng thẳng với Hàn Quốc và phương Tây. Vụ Sony bị hacker tấn công cũng được cho là thực hiện bởi quốc gia này. Điều này cũng chứng minh khả năng công nghệ  ngày càng mạnh của Triều Tiên.

"Triều Tiên là cái nhọt của địa chính trị. Thỉnh thoảng nó sưng tấy lên và sau đó ngủ yên. Chuyện này rất phiền hà" Moran nói.

...Vì vậy, theo CNN, nhà đầu tư nên mua vào khi giá giảm. Những người bán cổ phiếu ngay khi có dấu hiệu rối loạn địa chính trị năm nay sẽ phải hối hận. Những mối lo từ Crimea đến ISIS đã khiến chứng khoán Mỹ bất ổn trong thời gian ngắn. Nhưng sau đó đã nhanh chóng phục hồi. Dow Jones đã tăng tới 421 điểm chỉ trong vài ngày, sau khi giá dầu làm chao đảo các thị trường.

"Dĩ nhiên những điều đó sẽ làm cho nhà đầu tư sợ hãi. Nhưng nếu không ảnh hưởng đến các yếu tố nền tảng, đó sẽ là cơ hội", Kristina Hooper - chiến lược gia đầu tư thị trường Mỹ tại Allianz Global Investors cho biết. Quý tộc nổi tiếng người Anh - Baron Rothschild cũng từng nói: "Thời điểm mua vào là khi máu đổ khắp các con đường".

Thiều Linh

Theo Vnexpress