Nợ xấu cao phủ bóng lên chỉ tiêu lợi nhuận ngân hàng

 Nhiều ngân hàng cho biết, với kết quả đạt hơn 50% chỉ tiêu lợi nhuận nửa đầu năm thì việc hoàn thành kế hoạch lợi nhuận cả năm không quá khăn. 

Nợ xấu cao phủ bóng lên chỉ tiêu lợi nhuận ngân hàng

Tuy nhiên, theo nhận định của các chuyên gia, với việc phân loại nợ và trích lập dự phòng theo quy định mới tại Thông tư 02 và 09, nợ xấu sẽ tăng cao hơn trong nửa cuối năm. Điều đó cũng đồng nghĩa với lợi nhuận thu hẹp do chi phí dự phòng cao.

Ông Đỗ Tuấn Anh, Quyền Tổng giám đốc Techcombank cho biết, tổng tài sản của Ngân hàng tính đến cuối tháng 7/2014 là 170.000 tỷ đồng; dư nợ cho vay hơn 69.000 tỷ đồng (tăng 8 - 9% so với đầu năm); tổng nguồn vốn huy động đạt trên 120.000 tỷ đồng, đạt 90 - 95% kế hoạch năm. Bảy tháng đầu năm, Techcombank đạt 955 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, hoàn thành 85% kế hoạch năm.

Theo kế hoạch, trong năm 2014, Techcombank sẽ bán khoảng 1.600 tỷ đồng nợ xấu cho VAMC. Tám tháng đầu năm nay, Ngân hàng đã bán được 800 tỷ đồng nợ xấu. Trong thời gian còn lại của năm, ông Tuấn Anh cho biết, Ngân hàng sẽ xem xét bán tiếp khoảng 1.500 - 1.800 tỷ đồng nợ xấu cho VAMC.

Cùng với đó, Techcombank đang tăng cường tự xử lý nợ xấu, với con số đã xử lý được khoảng 500 tỷ đồng trong 8 tháng đầu năm, cũng như trích dự phòng đầy đủ. Do đó, Techcombank cũng không quá lo ngại trong việc thực hiện các quy định của Thông tư 02 có hiệu lực kể từ ngày 1/6 vừa qua và Ngân hàng cũng nỗ lực hoàn thành chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế năm nay ở mức 1.181 tỷ đồng so với mức vốn điều lệ xấp xỉ 9.000 tỷ đồng.

Còn theo tổng giám đốc một ngân hàng cổ phần quy mô lớn, 6 tháng đầu năm, ngân hàng này đã hoàn thành phân nửa chỉ tiêu lợi nhuận, nên kế hoạch gần 1.200 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế năm nay hoàn thành không quá khó. Nhưng cũng như Techcombank, vốn điều lệ của nhà băng này hiện đã chạm mức 10.000 tỷ đồng, nên chỉ tiêu lợi nhuận đưa ra còn khá thấp so với mức vốn điều lệ. Trong khi những năm trước, lợi nhuận trước thuế của nhà băng này đã đạt đến 2.000 - 3.000 tỷ đồng.

Trong khi đó với, Kienlongbank, ông Võ Quốc Thắng, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng cho biết, Kienlongbank tự tin đang đi đúng mục tiêu đề ra. Có thể thấy qua kết quả hoạt động 6 tháng đầu năm 2014, lợi nhuận trước thuế của Kienlongbank đạt 211,86 tỷ đồng (50,56%). HĐQT Kienlongbank tự tin hoàn thành mục tiêu đặt ra năm 2014: tổng tài sản 23.842 tỷ động (tăng 12%), huy động vốn 19.595 tỷ đồng (tăng 11%), dư nợ cho vay 13.341 tỷ đồng (tăng 10%), lợi nhuận trước thuế 419 tỷ đồng (tăng 7% so với 2013).

Tuy nhiên, thách thức vẫn chực chờ các ngân hàng trong những tháng cuối năm khi nợ xấu tăng lên do phải thực hiện phân loại nợ theo quy định mới của Thông tư 02 và 09. Theo quy định mới, các ngân hàng phải khai báo đầy đủ nợ xấu, đồng thời, việc áp dụng các quy định mới khiến các NHTM phải trích lập dự phòng lớn hơn.

Cụ thể, phân loại nợ xấu từ nhóm 1 đến 5, loại 1 không bị trễ trong thanh toán; nhóm 2 là trễ 90 ngày; nhóm 3 trễ 180 ngày; nhóm 4 trễ 360 ngày và nhóm 5 coi như là mất vốn. Đi cùng với phân loại nợ, các NHTM phải trích lập dự phòng rủi ro cao hơn. Nếu trễ 90 ngày, phải dự phòng 5%; trễ 180 ngày 20%; trễ 360 ngày 50% và kể như mất vốn thì phải dự phòng 100%.

Thực tế hiện nay cho thấy, các NHTM đang phải đối mặt với thách thức lớn là huy động về không thể cho vay ra, song nhiều nhà băng còn cho biết “thà để tiền trong kho còn hơn cho vay ra để gánh nợ khó đòi”.

Trong khi đó, nguồn thu đóng góp chính vào tổng lợi nhuận của ngân hàng vẫn từ tín dụng, chiếm đến 80 - 90%. Đồng thời, biên lợi nhuận trong cho vay đang dần thu hẹp khi chênh lệch lãi suất đầu vào và đầu ra thu hẹp dần. Do đó, để đạt được chỉ tiêu lợi nhuận năm nay cũng không dễ.

Các ngân hàng khi xây dựng chỉ tiêu lợi nhuận trình ĐHCĐ hồi đầu năm chỉ tăng khoảng 10 - 15% so với năm trước, thậm chí một số đơn vị còn thấp hơn. Chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế cho 2014 của nhiều ngân hàng sụt giảm mạnh, nhưng kết quả kinh doanh sau thuế còn thấp hơn khi chi phí dự phòng tăng cao.

Đơn cử như VIB, 6 tháng đầu năm 2014, lợi nhuận trước thuế, trước dự phòng rủi ro lên tới 598 tỷ đồng (tăng 26% so với năm 2013). Tuy nhiên, do rủi ro từ tín dụng ngày một tăng, đòi hỏi trích dự phòng của VIB lớn, nên lợi nhuận trước thuế còn lại chỉ đạt 151 tỷ đồng. Vì thế, con số chỉ tiêu lợi nhuận 323 tỷ đồng vẫn là thách thức đối với VIB.

Ông Lê Anh Tuấn, Kinh tế trưởng, Giám đốc Khối nghiên cứu Dragon Capital cho rằng, trước tình hình hiện nay, chỉ tiêu lợi nhuận chưa phải là ưu tiên hàng đầu, mà vấn đề trọng yếu nhất với các ngân hàng là phải trích dự phòng đầy đủ, đảm bảo an toàn hoạt động.

Thùy Vinh

{fcomment}