Nông thôn vẫn khó với tới ngân hàng

 Hiện tại, 2/3 người dân ở nông thôn chưa có cơ hội tiếp cận các dịch vụ ngân hàng vì hầu hết ngân hàng “cắm chốt” ở thành thị. Vì vậy, việc nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ ngân hàng có lẽ phải bắt đầu từ chính các ngân hàng.

Nông thôn vẫn khó với tới ngân hàng

Tại hội nghị trực tuyến triển khai thực hiện “Đề án nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ ngân hàng cho nền kinh tế” do Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa tổ chức, ông Nguyễn Kim Cương, Phó giám đốc NHNN tỉnh Đắk Lắk cho biết, Đắk Lắk là địa bàn có diện tích rộng thứ 4 trên cả nước, số dân hơn 1,8 triệu người, có khoảng 43 đầu mối quỹ tín dụng, 31 chi nhánh cấp 1 của các ngân hàng thương mại, 193 điểm giao dịch của các đơn vị.

“Tuy nhiên, mạng lưới các tổ chức tín dụng trên địa bàn hiện nay còn mỏng, chưa đủ để phủ sóng đến hết khu vực dân cư”, ông Kim Cương nói.

Trong khi đó, theo Phó thống đốc NHNN Nguyễn Kim Anh, chiến lược phát triển khu vực dịch vụ của nền kinh tế nói chung, trong đó có chiến lược bộ phận phát triển dịch vụ ngân hàng và nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ ngân hàng đối với doanh nghiệp và người dân trong nền kinh tế là rất quan trọng trong quá trình tái cơ cấu nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng. Phát triển và nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ ngân hàng cho nền kinh tế là một trong những đề án bộ phận cốt lõi để thực hiện Chiến lược tổng thể về phát triển hệ thống ngân hàng đến năm 2025.

“Cần thay đổi căn bản diện mạo hoạt động của hệ thống ngân hàng, từ chỗ kinh doanh chủ yếu dựa vào tín dụng chuyển sang phát triển kinh doanh đa dạng về dịch vụ, tăng doanh thu từ dịch vụ, giảm bớt rủi ro từ tín dụng và nợ xấu”, ông Kim Anh nói.

Về vấn đề này, Phó giám đốc NHNN tỉnh Đắk Lắk Nguyễn Kim Cương cho rằng, cần mở rộng mạng lưới cung ứng dịch vụ ngân hàng của các tổ chức tín dụng trên địa bàn nông thôn. Theo đó, NHNN khuyến khích các ngân hàng thương mại thành lập mới các phòng giao dịch tại các huyện phát triển của địa phương bởi nhiều huyện mới chỉ có chi nhánh của Agribank và phòng giao dịch của Ngân hàng Chính sách xã hội. Bên cạnh đó, mở rộng việc phân bổ máy ATM. Tại nhiều huyện của Đắk Lắk hiện chỉ có 1 - 2 máy ATM của Agribank, khiến người dân khó tiếp cận tiện ích ngân hàng.

Đồng thời, các tổ chức tín dụng nâng cao chất lượng dịch vụ, quy trình hoạt động gọn nhẹ, tiện lợi cho khách hàng, cải thiện hạ tầng công nghệ, giảm thiểu chi phí dịch vụ và lãi suất của sản phẩm tín dụng.

Ngoài ra, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến để người dân có sự hiểu biết nhất định và tìm hiểu các sản phẩm dịch vụ của ngân hàng; động viên người dân tham gia các tổ chức hội, đoàn thể thông qua liên kết của ngân hàng

Tại hội nghị, Phó thống đốc NHNN Nguyễn Kim Anh chỉ đạo, mỗi tổ chức tín dụng trên địa bàn có phương án phát triển dịch vụ sản phẩm ngân hàng, kênh bán hàng, cải tiến thủ tục giao dịch, nâng cao chất lượng dịch vụ tư vấn đối với người dân, doanh nghiệp; chủ tịch HĐQT, Hội đồng thành viên, tổng giám đốc, giám đốc các tổ chức tín dụng xây dựng phương án, triển khai cụ thể về phát triển sản phẩm dịch vụ ngân hàng của đơn vị mình theo hướng đơn giản, tiện lợi, dễ tiếp cận nhưng an toàn, có kế hoạch ưu tiên dành nguồn lực tài chính đầu tư cho phát triển công nghệ thông tin hiện đại...

Ông Nguyễn Kim Anh chia sẻ, NHNN là cơ quan quản lý nhà nước, xây dựng những văn bản pháp quy để phát triển hoạt động ngân hàng nói chung và sản phẩm dịch vụ ngân hàng nói riêng. Song hành với đó là đưa “luật chơi” vào cuộc sống, đồng thời tiến hành công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý để đảm bảo cho những sản phẩm dịch vụ phát triển theo đúng quy định.

Nguồn Tin nhanh chứng khoán