Ở bên tây lại nhớ bên đông

 “Đứng núi này trông núi nọ” luôn làm cho người trong cuộc cảm thấy không bao giờ thỏa mãn với tình cảnh hiện tại của mình. Trong sự ăn, sự ở, lại càng thêm sự chiêm nghiệm lẽ đời.

Ở bên tây lại nhớ bên đông

1. Tôi vừa có chuyến công tác tại Myanmar. Sau 3 năm hội nhập, Myanmar như cô gái ở lứa tuổi 20. Còn rất trẻ trung và đầy sức sống. Cách nay 6 năm, khi tôi tới Myanmar lần đầu tiên, chưa có đường bay thẳng, nên phải transit tại Thái Lan. Xe chạy trên phố không hề biết tới kẹt đường, vì phố xá thưa vắng, ít người qua lại tại thủ đô Yangon. Thời ấy không có nhiều người mua nhà để làm khách sạn như bây giờ. Và nhà cao tầng thì nói theo kiểu của người Bắc thời trước, như mì chính cánh! Nghĩa là hiếm hoi lắm lắm.

John, anh chàng người Myanmar kể rằng, rất nhiều người dân tại Myanmar hiện nay vô cùng thích các căn hộ cao cấp của Hoàng Anh Gia Lai xây tại Yangon. Hình như cũng đã xây tới 3 dự án rồi. Thật sự xin lỗi, tôi không muốn nhắc nhiều tới việc này, vì không muốn mang tiếng viết quảng cáo cho Hoàng Anh Gia Lai. Nhưng chuyện bên đó thì có sao nói vậy.

Ở Sài Gòn, có nhiều dự án của tập đoàn này đã đưa vào sử dụng cả chục năm nay, nhưng người trong nước không tới mức phải hâm mộ. Họ có nhiều sự lựa chọn khác. Nhưng ở Yangon thì không có nhiều lắm. Một làn gió mới thổi tới, được hoan nghênh là sự đương nhiên. Đôi khi cũ người thì mới ta. Miễn sao người trong cuộc cảm thấy ổn, thấy hay, là được.

Giống như nhiều thành phố ở các quốc gia khác, Yangon có các khu downtown, nhà cửa lâu đời, giá nhà đương nhiên phải mắc hơn nơi khác. Tập quán nhà phố, bán hàng trong nhà, trước cửa vẫn là sự chọn lựa hay và dễ dàng. Ai đó nói thời càng hiện đại, càng phát triển, các Mall, các siêu thị, các văn phòng tập trung vào những tòa nhà chọc trời, thì nhà phố sẽ không phải là số 1 nữa, rất cần coi lại. Con người ta luôn có xu hướng chọn sự tiện lợi. Ngay tại châu Âu, các quán cà phê góc phố luôn đông nghẹt khách và những cửa hàng kiểu siêu thị mini 24/7 luôn trong trạng thái đi kiếm mặt bằng.

Bởi vậy, dù cho Yangon đã cấm xe gắn máy từ hơn chục năm trước, đường phố chỉ toàn xe hơi, thì nhà phố nơi đây giá vẫn mắc lắm. Trung bình lương của nhà báo tại Yangon chỉ chừng 200 USD/tháng, mà căn nhà rộng chừng 100 m2 khu trung tâm có giá tới 50.000 USD, cũng quả là nhiều khó khăn cho người có nhu cầu.

2. Tôi có nhóm bạn, cứ mỗi lần gặp nhau là nói tới nói lui, rồi thành cuộc tranh luận gay gắt. Người ở chung cư thì không thích nhà phố. Người ở nhà phố thì không thích biệt thự. Người ở trung tâm thì chê bai villa ngoại thành. Người ở ngoại thành thì nói nhà trong trung tâm bé tí và ngột ngạt không sao thở nổi. Cứ như vậy mà nói hoài không dứt.

Sự ở cũng giống sự ăn. Người khoái bún mắm, nhưng người lại chỉ thích bún bò. Đó là khẩu vị, là sự quen thuộc. Đôi khi người ta ăn, hoặc ở là vì kỷ niệm. Gia đình đã ở quen nơi chốn ấy. Hoặc vì cô hàng xóm quá xinh đẹp lại độc thân nên khiến người ta chẳng muốn rời đi. Lý do nhiều lúc lãng xẹt vậy đó. Mà sao phải bắt tôi giống anh, anh giống bạn tôi!?

Cũng như người Myanmar mê các căn hộ cao cấp của 1 tập đoàn Việt Nam, nhưng ở trong nước thì lại mê các dự án của “ông” khác. Vòng quanh rồi lại vòng quanh, miễn sao thấy vừa, thấy đủ, thấy yêu, thấy thích, với bản thân mình, là được!

Nhưng nếu vậy, có hơi “dễ tính” quá không ta?

Nguồn Tin nhanh chứng khoán