Mâu thuẫn nội bộ Prosimex không đàm phán được là... lên sàn?

 Tranh chấp kéo dài của nội bộ cổ đông CTCP Sản xuất kinh doanh xuất nhập khẩu Prosimex (Prosimex) đang ảnh hưởng tới việc bán Dự án Riverside Garden. Tới nay, vẫn chưa có giải pháp nào cho những mâu thuẫn này.

Mâu thuẫn nội bộ Prosimex không đàm phán được là... lên sàn?

Cuối tuần trước, một nhóm cổ đông Prosimex đã tập trung tại buổi giới thiệu thông tin về Dự án Riverside Garden, do Prosimex và một đơn vị liên doanh thực hiện, tại số 349 Vũ Tông Phan (Hà Nội) khuyến cáo khách hàng không nên mua căn hộ tại dự án do đang có tranh chấp đất đai.

Prosimex tiền thân là Công ty Sản xuất gia công hàng xuất khẩu Prosimex được thành lập từ năm 1989. Năm 2006, Công ty chuyển đổi thành Công ty cổ phẩn Sản xuất kinh doanh xuất nhập khẩu Prosimex - Bộ Công thương, vốn nhà nước chiếm 56,6%. Từ sau cổ phần hóa đến nay, Công ty thường xuyên thua lỗ, tồn tại nhiều công nợ.

Tài sản giá trị nhất của Prosimex là hơn 8.800 m2 đất thuê của Nhà nước tại số 349 Vũ Tông Phan (Hà Nội). Năm 2014, Đại hội đồng cổ đông của Prosimex đã thông qua chủ trương liên doanh liên kết để thực hiện dự án nhà ở kết hợp văn phòng, dịch vụ.

Trong quá trình thực hiện dự án, một nhóm cổ đông nhỏ của Prosimex cho rằng, Công ty đã bán thanh lý tài sản là giá trị lợi thế khu đất trên, với tổng số tiền thu về là 75 tỷ đồng và 1.000 m2 sàn văn phòng làm việc. Tuy nhiên, tại các cuộc họp Đại hội đồng cổ đông, HĐQT, Ban lãnh đạo Công ty không đề cập việc bán thanh lý, chỉ trình chủ trương xin chuyển đổi mục đích sử dụng đất, liên doanh liên kết để xây dựng tòa nhà văn phòng cho thuê và xây căn hộ để bán.

Trao đổi với Báo Đầu tư Chứng khoán, ông Lữ Văn Sơn, Chủ tịch HĐQT Prosimex cho rằng, việc một số cổ đông quá khích, ngăn cản liên doanh thực hiện bán hàng là việc làm trái pháp luật. Việc cổ đông đặt câu hỏi liên doanh hay bán tài sản đã được giải thích nhiều lần, bằng văn bản.

Cụ thể, ngay sau Đại hội đồng cổ đông năm 2016, Công ty đã có văn bản gửi tới từng cổ đông nói rõ việc hợp tác thực hiện theo đúng Nghị quyết Đại hội đồng cổ đông 2014, không có chuyện bán đất. Toàn bộ số tiền ứng trước 75 tỷ đồng đã được chuyển vào ngân hàng, thể hiện trên các báo cáo tài chính hàng năm, được kiểm toán, được gửi tới các cổ đông.

Ông Sơn cho biết thêm, Đại hội thường niên năm 2014, ông được bầu làm thành viên HĐQT và sau đó là Chủ tịch HĐQT. Trước khi bầu HĐQT mới, Đại hội đã bỏ phiếu thông qua chủ trương liên doanh liên kết thực hiện dự án và 99,28% cổ đông đã thông qua tờ trình, trong đó có cả các cổ đông đã căng băng rôn cản trởdự án.

Cũng theo ông Sơn, sau khi vào Công ty, ông đã triệu tập cuộc họp với các trưởng phòng/ban nhưng không ai đến dự, cán bộ công nhân viên chỉ trông chờ vào việc cho thuê đất lấy tiền trả lương, Công ty không có hoạt động gì.

Trả lời Đầu tư Chứng khoán về giải pháp vực dậy hoạt động kinh doanh nhằm đảm bảo quyền lợi cổ đông, ông Sơn cho biết, hiện Công ty chỉ có vài người, không có hoạt động kinh doanh, định hướng hoạt động phải đợi sau khi giải quyết xong mâu thuẫn nội bộ cổ đông.

Đối với yêu cầu công ty mua lại cổ phần, theo quy định, khi cổ đông không đồng thuận với chiến lược, kế hoạch kinh doanh hoạt động thì cổ đông có thể thoái vốn. Nhưng do Công ty đang thua lỗ nên không đủ điều kiện mua lại cổ phần của cổ đông. Đối với việc tìm kiếm nhà đầu tư mua lại số cổ phần (hơn 163.000 cổ phần) của 57 cổ đông, ông Sơn cho biết, nếu nhóm cổ đông có thiện chí, ông sẵn sàng đàm phàn hoặc giới thiệu người muốn mua.

“Trong văn bản chào bán cổ phần cổ đông gửi tới, họ cho rằng chúng tôi đã bán trụ sở làm việc là tài sản của Công ty, cũng là tài sản của cổ đông. Chúng tôi khẳng định không bán, tiền hợp tác liên doanh đã chuyển về tài khoản và được hạch toán. Công ty thua lỗ bao nhiêu năm, không hết lỗ thì không thể chia cổ tức”, ông Sơn nói.

Trao đổi với Đầu tư Chứng khoán, chị Phương, một trong số các cổ đông kể trên cho biết, cổ đông yêu cầu Ban lãnh đạo Prosimex làm rõ quyền lợi của cổ đông nếu khu đất này là liên doanh, hoặc đã bán đi. Hơn 10 năm trước, cổ đông mua cổ phiếu với giá 10.000 đồng/cổ phiếu, hiện tại Công ty trả 10.900 đồng/cổ phiếu là không được, bởi tài sản của Công ty rất lớn, không chỉ có đất ở dự án này mà còn đất ở Hải Phòng, một số gian ở phố Ngô Quyền (Hà Nội).

Về quy định buộc phải niêm yết hoặc đăng ký giao dịch UPCoM đối với các công ty sau cổ phần hóa, ông Lữ Văn Sơn cho biết đã xem xét giải pháp này. Nếu không thể có giải pháp thỏa thuận được với các cổ đông, Công ty sẽ sớm đăng ký giao dịch để cổ đông thuận tiện trong việc giao dịch, bán cổ phiếu.

Đại diện Công ty Videc, bên liên doanh với Công ty Prosimex thực hiện Dự án Riverside Garden cho biết, Dự án đang ở giai đoạn triển khai mở bán, hiện đã làm xong móng và tuân thủ theo đúng quy định của pháp luật, cũng như thực hiện tất cả thỏa thuận hợp tác liên doanh giữa hai bên.

Dự án đã có Quyết định số 7219/QĐ-UBND ngày 28/12/2016 về việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất, có Giấy phép xây dựng số 17/GPXD-SXD ngày 18/3/2016, có văn bản chấp nhận đăng ký hợp đồng mẫu số 4037/SCT-KHTC ngày 17/8/2016, có văn bản số 9098/SXD-QLN thông báo đáp ứng đủ điều kiện ký hợp đồng mua, thuê mua, có thư bảo lãnh bán nhà hình thành trong tương lai của ngân hàng.

Nguồn Tin nhanh chứng khoán