Phát triển quỹ ETF, còn nhiều việc phải làm

 Tuy đã có những tín hiệu về triển vọng phát triển của quỹ hoán đổi danh mục (ETF), nhưng Phó chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) Nguyễn Thành Long cho rằng, để thúc đẩy quỹ ETF phát triển, hiện còn nhiều việc phải làm.

Phát triển quỹ ETF, còn nhiều việc phải làm

UBCK yêu cầu đưa ETF gần hơn tới NĐT

Theo kế hoạch, quỹ ETF nội địa đầu tiên - Quỹ ETF VFMVN30, do CTCP Quản lý quỹ Đầu tư Việt Nam (VFM) quản lý, sẽ niêm yết và giao dịch trên Sở GDCK TP. HCM trong tháng 9 tới. Được biết, quỹ ETF nội địa thứ hai đang được Công ty TNHH Quản lý quỹ SSI, thuộc CTCK Sài Gòn (SSI) xúc tiến thành lập, dựa trên chỉ số HNX30.

Diễn biến trên cùng với việc đông đảo CTCK, công ty quản lý quỹ tới tham dự Hội thảo “Giới thiệu về sản phẩm đầu tư mới: Quỹ hoán đổi danh mục ETF”, do Trung tâm Nghiên cứu khoa học và Đào tạo chứng khoán phối hợp với Vụ Quản lý quỹ (UBCK) tổ chức ngày 21/8 để tìm kiếm cơ hội đầu tư, phần nào cho thấy những tín hiệu lạc quan bước đầu về triển vọng phát triển của quỹ ETF.

Tuy nhiên, từ phát biểu tại Hội thảo, Phó chủ tịch UBCK Nguyễn Thành Long cho rằng, để phát triển quỹ ETF, còn nhiều việc phải làm. Điều này xuất phát từ thực tế, việc phổ biến kiến thức, nâng cao nhận thức của công chúng đầu tư đối với quỹ ETF hiện chưa được phổ cập rộng rãi.

Tìm hiểu của ĐTCK cho thấy, hiện phần lớn sự quan tâm tới quỹ ETF chủ yếu tập trung ở khối NĐT tổ chức là các CTCK. Trong khi đó, các hoạt động tuyên truyền, đào tạo về quỹ ETF đã được các Sở GDCK quan tâm triển khai thời gian qua, nhưng mức độ thu hút sự quan tâm và tham gia của các NĐT cá nhân nhỏ lẻ còn hạn chế.

Để đưa quỹ ETF gần hơn tới công chúng đầu tư, ông Long cho biết, UBCK yêu cầu các Sở GDCK, Trung tâm Lưu ký chứng khoán (VSD) tăng cường các hình thức đào tạo, phổ biến về tính năng, cũng như cách thức giao dịch ETF, qua đó dần thu hút đông đảo NĐT tham gia, hỗ trợ cho sự phát triển của quỹ ETF trong thời gian tới.

“Hội thảo được UBCK tổ chức ngày 21/8 nằm trong nỗ lực từng bước đưa quỹ ETF gần hơn tới rộng rãi NĐT”, ông Long nói và cho rằng, việc thúc đẩy phát triển quỹ ETF không chỉ đáp ứng tốt hơn nhu cầu đầu tư ngày càng đa dạng của NĐT, mà còn góp phần thúc đẩy tái cơ cấu TTCK, khi sản phẩm này đồng thời đáp ứng cả hai yêu cầu của quá trình tái cơ cấu thị trường là đa dạng hóa sản phẩm đầu tư và phát triển NĐT tổ chức, khuyến khích NĐT cá nhân.

Thành viên lập quỹ gặp khó

Tại Hội thảo, nhiều câu hỏi cũng như những vướng mắc phát sinh qua thực tiễn tham gia quỹ ETF đã được các CTCK, công ty quản lý quỹ nêu ra cho lãnh đạo UBCK, với mong muốn giúp các tổ chức kinh doanh chứng khoán giải tỏa những khó khăn đang gặp phải, đồng thời định hướng phát triển quỹ ETF sao cho hiệu quả.

Qua thực tế chuẩn bị dịch vụ để cung cấp cho giao dịch quỹ ETF, nhất là triển khai 2 nghiệp vụ là thành viên lập quỹ và tạo lập thị trường, ông Nguyễn Khắc Hải, Phó tổng giám đốc Công ty TNHH Quản lý quỹ SSI cho biết, tuy Sở GDCK và VSD đang nỗ lực hoàn thiện các quy trình, quy chế, phần mềm, hệ thống giao dịch, nhưng cũng chỉ đáp ứng được các điều kiện tối thiểu để quỹ ETF nội địa đầu tiên có thể bắt đầu vận hành. Hiện vẫn còn tồn tại một số vướng mắc, khó khăn cho các CTCK muốn làm thành viên lập quỹ và tổ chức tạo lập thị trường.

Cụ thể, CTCK sẽ gặp khó khăn khi thực hiện các giao dịch Arbitrage (hoạt động giao dịch dựa trên sự chênh lệch giữa giá thị trường và giá trị tài sản ròng chứng chỉ quỹ ETF). Lý do là hệ thống của VSD chỉ thực hiện thanh toán chứng khoán thứ cấp tại ngày T+3. Do đó, muốn thực hiện giao dịch Arbitrage có hiệu quả, thành viên lập quỹ phải mua chứng khoán cơ cấu để hoán đổi chậm nhất vào ngày T-1, hoặc phải thực hiện nghiệp vụ vay chứng khoán cơ cấu. Trong khi đó, Hệ thống vay và cho vay chứng khoán (SBL) đang được xây dựng và cần thời gian để có thể vận hành hiệu quả.

Các CTCK cũng sẽ không mạo hiểm để triển khai mạnh nghiệp vụ tạo lập thị trường, do Việt Nam chưa có TTCK phái sinh nên không có công cụ để các nhà tạo lập thị trường phòng ngừa rủi ro cho nghiệp vụ này.

Mặt khác, quy định hiện hành cho phép thành viên lập quỹ hỗ trợ NĐT thực hiện giao dịch mua chứng chỉ quỹ sơ cấp bằng tiền mặt, thông qua cơ chế NĐT thanh toán tiền cho thành viên lập quỹ, để thành viên này thực hiện mua danh mục chứng khoán cơ cấu cho NĐT. Tuy nhiên, thực tế triển khai có vướng mắc, vì chứng khoán cơ cấu dùng để hoán đổi vẫn phải đứng tên NĐT, nên thành viên lập quỹ không thể nhận tiền của NĐT để mua chứng khoán cho NĐT. Điều này gây khó cho các NĐT trong việc mua đủ danh mục chứng khoán cơ cấu nhằm hoán đổi lấy lô chứng chỉ quỹ.

Để tạo điều kiện cho các CTCK thực hiện các nghiệp vụ của thành viên lập quỹ và tạo lập thị trường, ông Hải đề nghị, cơ quan quản lý cần rút ngắn thời gian thanh toán chứng khoán về T+2, đồng thời hoàn thiện hệ thống cho vay mượn chứng khoán để các thành viên lập quỹ có thể thực hiện được các giao dịch Arbitrage nhanh và linh hoạt nhất. Cơ quan quản lý cũng cần sớm hoàn thiện khung pháp lý về TTCK phái sinh để tạo điều kiện cho hoạt động tạo lập thị trường. Bên cạnh đó, có cơ chế cho phép thành viên lập quỹ hỗ trợ NĐT mua đủ danh mục chứng khoán cơ cấu để hoán đổi thông qua việc thành viên lập quỹ được nhận tiền mặt từ NĐT, sau đó mua danh mục chứng khoán cơ cấu để hoán đổi mà không cần phải đứng tên NĐT.

“Tham gia quỹ ETF, NĐT được nhận lợi tức bằng tiền hoặc chứng chỉ quỹ”

Ông Nguyễn Thành Nam, Phó vụ trưởng Vụ Quản lý quỹ, UBCK

Một câu hỏi mà giới đầu tư quan tâm là tham gia quỹ ETF, NĐT được thụ hưởng những lợi ích gì? Vấn đề này đã được quy định cụ thể tại Thông tư 229/2012/TT-BTC. Theo đó, NĐT được nhận lợi tức từ quỹ ETF theo chính sách phân phối lợi nhuận quy định tại điều lệ quỹ và theo phương án phân chia đã được Đại hội NĐT gần nhất thông qua. Lợi tức chi trả cho NĐT được trích từ lợi nhuận trong kỳ, hoặc lợi nhuận lũy kế sau khi trích lập đầy đủ các quỹ (nếu có) theo quy định tại điều lệ quỹ và hoàn tất mọi nghĩa vụ thuế, tài chính theo quy định của pháp luật.

Lợi tức có thể được thanh toán bằng tiền, bằng chứng chỉ quỹ phát hành thêm. Việc chi trả lợi tức quỹ bảo đảm nguyên tắc: phù hợp với chính sách phân chia lợi nhuận quy định tại điều lệ quỹ và đã công bố tại bản cáo bạch; sau khi chi trả, quỹ vẫn phải bảo đảm có nguồn vốn để thanh toán đủ các khoản nợ, nghĩa vụ tài sản khác đến hạn và bảo đảm giá trị tài sản ròng không thấp hơn 50 tỷ đồng… Mức chi trả lợi tức do Đại hội NĐT, hoặc Ban đại diện quỹ quyết định, phù hợp với mục tiêu đầu tư, các quy định tại điều lệ quỹ về chính sách phân chia lợi nhuận của quỹ. Ngân hàng giám sát có trách nhiệm chi trả lợi tức ngay cho NĐT, thành viên lập quỹ vào tài khoản của chính các tổ chức, cá nhân này theo chỉ thị của công ty quản lý quỹ.

“Hệ thống SBL phục vụ cho giao dịch của quỹ ETF”

Ông Phạm Trung Minh, Trưởng phòng Lưu ký chứng khoán, VSD

Các tổ chức kinh doanh chứng đặt câu hỏi: hệ thống SBL mà VSD đang xây dựng, ngoài phục vụ cho hoạt động giao dịch của quỹ ETF, có cho phép áp dụng đối với hoạt động mua bán chứng khoán khi NĐT không có chứng khoán trong tài khoản hay không? Chúng tôi khẳng định, hệ thống SBL chỉ phục vụ cho giao dịch của quỹ ETF và giúp các thành viên giao dịch sửa lỗi, chứ không phục vụ cho các hoạt động giao dịch khác. Theo đó, việc xây dựng SBL là để đáp ứng nhu cầu vay và cho vay chứng khoán cơ cấu, cũng như chứng chỉ quỹ ETF trong quá trình thực hiện giao dịch hoán đổi từ chứng khoán cơ cấu sang chứng chỉ quỹ ETF và ngược lại.

Hữu Hòe

{fcomment}