Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: DN nhỏ và vừa vẫn khó vay vốn

Ngành ngân hàng đã điều chỉnh giảm lãi suất phù hợp với diễn biến vĩ mô và lạm phát; mặt bằng lãi suất hiện nay bằng khoảng 40% so với năm 2011. Tuy nhiên nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ vẫn khó tiếp cận vốn.

Sáng 16-11, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã thay mặt Chính phủ báo cáo tình hình thực hiện các nghị quyết của Quốc về giám sát các chuyên đề và chất vấn từ đầu nhiệm kỳ khóa XIII đến nay.

Về lĩnh vực ngân hàng, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết thị trường tiền tệ dần ổn định, thanh khoản của nền kinh tế và toàn hệ thống được cải thiện. Điều hành chính sách tỉ giá linh hoạt, ổn định thị trường ngoại tệ, tăng dự trữ ngoại hối. Dư nợ tín dụng đối với nền kinh tế giai đoạn 2011-2014 tăng 12,6%/năm; dự kiến năm 2015 tăng khoảng 17%;từ năm 2011 đến tháng 9-2015, tổng doanh số cho vay đạt trên 171.000 tỉ đồng; tổng dư nợ cho vay trên 137.000 tỉ đồng với hơn 8 triệu khách hàng .

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: DN nhỏ và vừa vẫn khó vay vốn - 1

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại phiên họp sáng 16-11. Ảnh: QH

Tuy nhiên, theo Phó Thủ tướng, việc cơ cấu lại một số ngân hàng thương mại cổ phần yếu kém và xử lý nợ xấu còn khó khăn. Còn một số vụ việc vi phạm pháp luật nghiêm trọng trong hoạt động tín dụng, ngân hàng. Việc tiếp cận vốn tín dụng, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa còn khó khăn.

Về lĩnh vực đầu tư, tài chính, đại diện Chính phủ cho rằng việc chấp hành các quy định về quản lý đầu tư công ở một số nơi còn chưa nghiêm. Vẫn còn tình trạng điều chỉnh tăng tổng mức đầu tư. Tình trạng chậm tiến độ, nợ đọng xây dựng cơ bản ở một số nơi khắc phục chậm. Hiệu quả đầu tư công chưa cao. Tình hình quản lý và sử dụng NSNN ở một số bộ ngành, địa phương còn chưa chặt chẽ. Còn tình trạng thất thu, nợ đọng thuế, chuyển giá và lãng phí trong chi NSNN. Nợ công tăng nhanh, áp lực trả nợ lớn. Việc sử dụng các khoản vay do Chính phủ bảo lãnh và vay của chính quyền địa phương ở một số dự án hiệu quả còn thấp. Việc thực hiện lộ trình giá thị trường các hàng hóa, dịch vụ thiết yếu nhìn chung còn chậm.

Nguồn 24h