Phúc thẩm đại án nghìn tỷ tại Tây Nguyên

Sáng nay (6/8/2014), TAND Tối cao tại Đà Nẵng mở phiên tòa theo trình tự phúc thẩm, xét xử vụ đại án nghìn tỷ ở Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB).

Phúc thẩm đại án nghìn tỷ tại Tây Nguyên

Phiên tòa dự kiến diễn ra trong 1 ngày và có khoảng 20 luật sư tham gia. 9 trong số 13 bị cáo có đơn kháng cáo trong đó Vũ Việt Hùng, bị cáo chính, một mực kêu oan.

Nguyên Giám đốc chi nhánh Đắc Nông – Đắc Lắc Vũ Việt Hùng (SN 1957 tại Nam Định) đã bị Tòa án nhân dân tỉnh Đắc Nông đưa ra xét xử sơ thẩm vào hồi tháng 3 năm nay và nhận bản án tử hình vì đã phạm các tội Nhận hối lộ, Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, Vi phạm các quy định về cho vay của các tổ chức tín dụng.

Bị cáo Vũ Việt Hùng còn bị tuyên phạt bồi thường 10 tỷ đồng về tội nhận hối lộ và bị tịch thu một số tài sản để đảm bảo công tác thi hành án.

12 bị cáo khác gồm 5 nữ doanh nhân, 6 cán bộ ngân hàng và 1 cò tín dụng đã phải ra trước vành móng ngựa vì đã thực hiện hoặc tiếp tay cho thủ đoạn gian dối, lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Trong đó, Cao Bạch Mai (SN 1949 tại An Giang), Trần Thị Xuân (SN 1964 tại Lâm Đồng) bị tuyên phạt mức án chung thân vì phạm tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, Đưa hối lộ.

Nhóm các bị cáo phạm tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản gồm Nguyễn Thị Vân (SN 1958 tại Hà Nội) bị tuyên phạt chung thân, Đặng Thị Ngân (SN 1957 tại Thái Bình) và Nguyễn Thị Kim Loan (SN 1960 tại Hải Phòng) bị tuyên phạt 20 năm tù giam; Nguyễn Văn Khánh (SN 1966 tại Cần Thơ) bị tuyên phạt 12 năm tù giam.

Nhóm các bị cáo là cán bộ ngân hàng phạm tội Vi phạm các quy định về cho vay dẫn đến hậu quả nghiêm trọng gồm Tạ Xuân Ý (SN 1979 tại TP Hồ Chí Minh) bị tuyên phạt 8 năm tù giam.

Lâm Hữu Hạnh (SN 1951 tại TP Hồ Chí Minh); Trần Xuân Lộc (SN 1956 tại Quảng Ngãi); Võ Tiến Đạt (SN 1979 tại Quảng Ngãi) bị tuyên phạt 5 năm tù giam.

Trương Đình Hải (SN 1971 tại Hà Nội) bị tuyên phạt 10 năm tù giam và Nguyễn Thị Hồng Liên (SN 1985 tại Đắc Lắc) bị tuyên phạt 3 năm án treo.

Tóm tắt vụ án:

Khoảng tháng 8/2008, Cao Bạch Mai, Giám đốc Công ty TNHH Minh Nhật, đã lợi dụng chính sách cho vay vốn tín dụng xuất khẩu với lãi suất thấp, chỉ cần tài sản bảo đảm bằng 15% vốn vay để lập hợp đồng khống rút ruột ngân hàng hàng nghìn tỷ đồng.

Bà Mai đã đến gặp Vũ Việt Hùng, Giám đốc VDB – chi nhánh Đắc Nông, Đắc Lắc nhờ giúp đỡ và được Vũ Việt Hùng hứa hẹn giúp vay vốn.

Do thủ tục vay vốn chỉ cần có hợp đồng kinh tế với đối tác nước ngoài và hồ sơ pháp lý của công ty là được, bà Mai đã ra cửa khẩu Móng Cái (Quảng Ninh) nhờ một số đối tượng tại khu vực cửa khẩu ký tên, đóng dấu pháp nhân khống của một số công ty Trung Quốc.

Sau đó, bà Mai sử dụng những tờ giấy A4 này để lập các hợp đồng giả, kèm theo phương án kinh doanh, bảng kê chi phí sản xuất, bảng kê giải trình vốn tự có… để làm hồ sơ vay vốn tại VDB – Đắc Nông, Đắc Lắc.

Quá trình vay vốn và giải ngân, hồ sơ của Công ty Minh Nhật có nhiều vấn đề nhưng đều được Vũ Việt Hùng chỉ đạo cấp dưới phải xử lý cho vay bằng được.

Thậm chí, Cao Bạch Mai sang tận Trung Quốc cùng với Nguyễn Thị Kim Loan, Giám đốc Công ty TNHH xuất nhập khẩu Phát Long và nhờ cháu của Loan thành lập một công ty Trung Quốc, sản xuất hàng loạt tờ giấy ký, đóng dấu khống.

Tổng cộng Cao Bạch Mai đã dùng các hợp đồng xuất khẩu giả để vay 1.005 tỷ đồng tại VDB khu vực Đắc Nông, Đắc Lắc trong đó khoảng 800 tỷ đồng dùng để đáo hạn nợ, trả lãi vay… còn chiếm đoạt 155,1 tỷ đồng.

Được Cao Bạch Mai “giúp đỡ”, cung cấp các tờ giấy A4 dùng làm hợp đồng khống, Trần Thị Xuân, Giám đốc Công ty TNHH TMDV Nhật Tân, sử dụng 65 hợp đồng giả vay 938,5 tỷ đồng dùng vào việc trả nợ đáo hạn, trả lãi vay, sử dụng làm tài sản cầm cố tại VDB - Chi nhánh Đắc Nông, Đắc Lắc. Xuân còn chiếm đoạt 202,5 tỷ đồng.

Ngân hàng lừa ngân hàng:

Vào cuối năm 2010, nhóm 5 bị cáo khi đó là chủ doanh nghiệp gồm Cao Bạch Mai, Trần Thị Xuân, Nguyễn Thị Vân (nguyên chủ nhiệm HTX Sông Cầu), Đặng Thị Ngân (Giám đốc Công ty TNHH Thủy Ngân) và Nguyễn Thị Kim Loan (Giám đốc Công ty TNHH Dịch vụ XNK Phát Long) rơi vào tình trạng không trả được nợ cho VDB – Chi nhánh Đắc Nông, Đắc Lắc.

Vũ Việt Hùng yêu cầu các DN này phải tìm nguồn trả nợ quá hạn, trả nợ xong Hùng sẽ cho vay tiếp.

Do đó, nhóm 5 bị cáo nói trên đã tìm đến các đối tượng chuyên môi giới vay vốn ngân hàng và lập khống các báo cáo tài chính, hợp đồng kinh tế xuất khẩu để vay tiền sau đó chiếm đoạt tổng cộng 580 tỷ đồng của Ngân hàng OCB và Ngân hàng Nam Á.

Vũ Việt Hùng đã có hành vi giúp sức cho các bị cáo này bằng cách ký khống các hợp đồng tiền gửi của các bị can trong khi biết rõ 5 bị cáo này không có khả năng trả nợ, ký cam kết và các giấy tờ liên quan, khẳng định 5 bị cáo không có nợ xấu tại VDB – Chi nhánh Đắc Nông, Đắc Lắc. Nhờ đó, 5 bị cáo nói trên chiếm đoạt được số tiền 580 tỷ đồng của OCB và Nam Á.

Xe sang hối lộ chỉ là đi mượn

Tháng 9/2009, Vũ Việt Hùng thông báo sẽ giảm hạn mức tín dụng 2 công ty của Cao Bạch Mai và Trần Thị Xuân từ 350 tỷ đồng xuống còn 250 tỷ đồng. Với hạn mức này hai công ty sẽ không đủ để đáo hạn nợ, các khoản nợ cũ không thể trả sẽ “lòi” ra. Do đó, Cao Bạch Mai và Trần Thị Xuân phải “xin” Vũ Việt Hùng giữ nguyên hạn mức. Đổi lại, hai “quý bà” sẽ tặng Vũ Việt Hùng một chiếc xe ô tô.

Theo cáo trạng, Vũ Việt Hùng, nguyên Giám đốc Ngân hàngVDB chi nhánh Đắk Nông - Đắk Lắk yêu cầu hai “quý bà” là Trần Thị Xuân và Cao Bạch Mai, những người muốn vay tiền của VDB, có tặng xe nào thì tặng “đừng có giống người khác”.

Tháng 11/2009, Mai và Xuân đã góp tổng số tiền 3,2 tỷ đồng để đi TP. HCM mua tặng Hùng một chiếc BMW - X6, chiếc xe thuộc hạng “siêu” xe trên thị trường lúc bấy giờ.

Sau khi nhận xe và giấy đăng ký, Vũ Việt Hùng bảo Xuân và Mai yêu cầu người đứng tên trên đăng ký, viết giấy tặng xe cho con trai của Hùng. Xuân và Mai đã làm theo yêu cầu của Hùng và đưa giấy tặng xe cho Hùng.

Tại phiên tòa sơ thẩm, Hùng không thừa nhận việc đòi hối lộ xe sang, mà khai rằng, Mai, Xuân cho mượn. Hùng không nhận tiền, không hưởng khoản hoa hồng nào từ các hợp đồng vay vốn và đáo hạn. Chiếc BMW-X6 “mượn” của Mai đã được Hùng tự nguyên mang đến Cơ quan điều tra Công an tỉnh giao nộp khi thấy có dấu hiệu bất thường.

Ngoài ra, các bị cáo còn khai, phải chi trả 3-5% “hoa hồng” trên mỗi hợp đồng vay vốn, tặng Hùng một chiếc nhẫn kim cương trị giá 25.000 USD, 100.000 USD tiền mặt.

Tổng số các khoản tiền hoa hồng, quà tặng cho Hùng khoảng 130 tỷ đồng. Tuy nhiên, các lời khai của các bị cáo không có cơ sở để chứng minh, nên HĐXX sơ thẩm chỉ xác định Vũ Việt Hùng nhận hối lộ xe BMW - X6.

Trước đó, ngày 13/3, tại phiên sơ thẩm, Hội đồng xét xử Tòa án Nhân dân tỉnh Đắk Lắk tuyên Vũ Việt Hùng 20 năm tù về tội Vi phạm các quy định về cho vay, chung thân về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, tử hình về tội Nhận hối lộ. Tổng hợp hình phạt là Tử hình. Trong khi Cao Bạch Mai và Trần Thị Xuân bị tuyên phạt mức án chung thân. Các bị cáo khác bị xử phạt mức án từ 3 năm đến 20 năm. Sau phiên sơ thẩm, nhiều bị cáo đã có đơn kháng cáo.

Hoàng Duy

{fcomment}