Quảng bá sản phẩm ngân hàng thời tin nhắn rác

 Nhiều ngân hàng không chỉ dán tờ rơi ngoài đường mà còn chủ động gửi tin nhắn qua điện thoại hay địa chỉ mail mời gọi khách hàng vay vốn…   

Quảng bá sản phẩm ngân hàng thời tin nhắn rác

Những hoạt động này là một xu hướng tất yếu khi các dịch vụ ngân hàng ngày càng phổ cập và đa dạng trong xã hội. Nhưng trên thực tế, hoạt động quảng bá dịch vụ ngân hàng một cách quá tự phát cũng tồn tại không ít rủi ro, cần được giới hạn bởi những hành lang pháp lý.

Mọi lúc, mọi nơi

Từ đầu tháng 8 đến nay, chị Bùi Thu Hà ở Ba Đình, Hà Nội liên tục nhận được các tin nhắn cho vay mua nhà với đủ các điều kiện ưu đãi hấp dẫn. Tin mới nhất được gửi đến chị Hà với nội dung: lãi suất vay vốn ngân hàng uy tín, thấp nhất chỉ từ 0,62%/tháng, không phí dịch vụ, xét duyệt nhanh, thời hạn vay tối đa 20 năm, có hoa hồng nếu giới thiệu được khách vay, liên hệ…

Vừa trao đổi trên một diễn đàn dành cho các bà mẹ về ý định mua một căn nhà, ngay trong đêm, chị Hà đã nhận được tin nhắn gửi đến: “Em là chuyên viên kinh doanh tại Ngân hàng T. (Kinh doanh = Huy động + Cho vay + Các sản phẩm dịch vụ ngân hàng khác). Em thấy có topic vay vốn nên vào đăng tin chút. Mẹ có nhu cầu về các dịch vụ ngân hàng, đặc biệt là vay vốn thì alô em số 091… Em tư vấn nhiệt tình và giúp các bác hết mình trong quá trình vay vốn tại ngân hàng mà không lấy hoa hồng…”.

Đang triển khai chương trình cho vay “Ngàn tỷ ưu đãi, lãi suất tự chọn”, LienVietPostBank cũng gửi thư điện tử đến chị Hà với những giới thiệu rất cụ thể, chi tiết. Theo đó, khách hàng có thể tự lựa chọn 3 phương án: lãi suất 0%/năm trong 2 tháng đầu tiên; 6,5%/năm trong 6 tháng đầu tiên; 9%/năm trong 12 tháng đầu tiên. Lãi suất sau thời gian ưu đãi = lãi suất tiết kiệm 13 tháng trả sau + 4%/năm…

Thậm chí, trong cuộc đua “kêu gọi khách hàng tiêu tiền” này còn xuất hiện cả ngân hàng 100% vốn nước ngoài tại Việt Nam dán tờ rơi cho vay vốn với lãi suất ưu đãi, thủ tục nhanh, gọn, không phí dịch vụ… trên các cột điện, đèn xanh đỏ, đặt tại các phòng giao dịch khu dân cư… “Đó là chưa kể các cuộc điện thoại mời phát hành thẻ tín dụng của ANZ rồi kèm tư vấn tiêu dùng… với tần suất ngày vài lần”, chị Hà cho biết.

Thị trường bán lẻ: mảnh đất màu mỡ

Mới đây, EY Việt Nam công bố “Khảo sát ngành ngân hàng tại các thị trường mới nổi - Đầu tư để thành công”, với sự tham gia của 50 lãnh đạo cao cấp của các ngân hàng, 11 quốc gia mới nổi trong đó có Việt Nam và hơn 9.000 khách hàng cá nhân. Khảo sát cho thấy, các ngân hàng Việt Nam trông đợi nhu cầu tăng nhiều nhất đối với cho vay tiêu dùng và thẻ tín dụng.

Cụ thể, 7 trong số 16 ngân hàng Việt Nam trông đợi nhu cầu cho vay tiêu dùng và thẻ tín dụng tăng nhiều, 8 ngân hàng cho rằng tăng nhẹ và 1 không có ý kiến. Báo cáo khảo sát Ngân hàng tiêu dùng toàn cầu của EY cũng cho thấy, 41% khách hàng Việt Nam có kế hoạch mở hoặc chuyển sang dùng loại thẻ tín dụng khác trong năm tới (so với 10% ở Nigeria và 18% ở Kenya).

Khảo sát “Đầu tư để thành công” nhận định, hoạt động mở rộng kinh doanh của các ngân hàng sẽ được thúc đẩy thông qua việc tăng cường bán thêm nhiều loại dịch vụ và sản phẩm cho những khách hàng hiện hữu. Theo đó, phát triển những kênh bán hàng và dịch vụ mới cho khách hàng và triển khai các sản phẩm tính phí mới cũng có tính quyết định đối với tăng trưởng của ngân hàng.

“Các ngân hàng Việt Nam hiện trông đợi nhu cầu tăng mạnh nhất ở các lĩnh vực cho vay bán lẻ, sản phẩm tiêu dùng, dịch vụ thương mại…”, ông Keith Pogson, lãnh đạo phụ trách dịch vụ tài chính - ngân hàng E&Y châu Á -Thái Bình Dương nói.

Trong khi đó, ông Friedrich Weiss, Chủ tịch Hội đồng thành viên kiêm Tổng giám đốc Home Credit tại Việt Nam nhận định, thị trường cho vay tiêu dùng ở Việt Nam mới đi những bước đầu tiên. Nếu so sánh tín dụng tiêu dùng ở khu vực châu Á thì Việt Nam chỉ đứng hơn Lào và Campuchia. Trong khi chỉ số tiêu dùng/GDP rất cao, vay để tiêu dùng còn rất thấp. Người Việt Nam sẵn sàng chi tiêu nhưng không sẵn sàng vay tiêu dùng, mà thường chỉ chi tiêu tiêu dùng khi tích cóp đủ tiền.

“Nhưng xu hướng sẽ thay đổi, giới trẻ Việt Nam cũng sẽ giống như Thái Lan sẵn sàng vay để mua hàng rồi trả góp và việc tăng trưởng tiêu dùng sẽ ảnh hưởng tích cực đến nền kinh tế”, ông Friedrich Weiss nói.

Ông Rahn Wood, Giám đốc Khối Ngân hàng bán lẻ VIB chia sẻ, thị trường ngân hàng bán lẻ Việt Nam sẽ phát triển mạnh trong vài năm tới. Với quy mô thị trường 90 triệu dân sẽ mở ra cơ hội lớn cho các NHTM nhằm giúp người tiêu dùng gia tăng giá trị tài sản và quản lý tốt hoạt động kinh doanh của mình, cũng như thực hiện các hoạt động thanh toán hàng ngày.

Cần đường ray hoạt động

Lãnh đạo cao cấp một ngân hàng TMCP chia sẻ, khi nghĩ đến ngân hàng, đa số người dân thường hình dung ra những tòa nhà hoành tráng, đồ sộ và sự chặt chẽ, nguyên tắc. Người dân có tiền nhàn rỗi thường “gõ cửa” ngân hàng gửi tiền, chứ ít ai nghĩ đến một khía cạnh rằng, dân chúng chính là người cho vay ngân hàng và ngân hàng là con nợ của dân chúng. Trong khi đó, từ những năm 60 của thế kỷ XX, tại Mỹ, các ngân hàng đã chủ động đi tìm khách hàng với phương châm “ngân hàng là người đi vay dân chúng”.

Tại Việt Nam, mặc dù nền kinh tế đã chuyển sang hoạt động theo cơ chế thị trường, nhưng tư duy của một bộ phận xã hội còn nặng tính bao cấp. Không ít người dân vẫn định hình rằng, cơ sở tài chính là nơi họ phải tìm đến, chứ nhân viên ngân hàng không phải người đi bán dịch vụ, cần đi sâu, sát, chủ động giới thiệu sản phẩm. “Việc các ngân hàng chủ động đến gần với người dân hơn là xu hướng hợp lý trong quá trình phát triển. Ngân hàng cũng giống như các thành phần kinh tế khác, cần phải trực tiếp đi bán hàng”, vị lãnh đạo trên nói.

Luật sư Trần Minh Hải, Giám đốc Công ty Luật Basico phân tích, kinh doanh ngân hàng trong giai đoạn trước đã hằn sâu khái niệm cung thì ít, cầu lại nhiều, nên ngân hàng có một vị thế lớn. Tuy nhiên, hiện nay, các ngân hàng đang hoạt động trong bối cảnh khả năng huy động vốn dễ thở hơn, trong khi cho vay ra đang bị sụt giảm nhiều.

“Các ngân hàng đang tranh nhau những khách hàng tốt, bởi các DN có nhu cầu vốn thực sự mà lại có phương án kinh doanh hiệu quả là rất hiếm. Do đó, việc ngân hàng chủ động tiếp cận, mời gọi khách hàng ca nhân vay vốn là điều dễ hiểu”, Luật sư Trần Minh Hải nói.

Xét về rủi ro tín dụng, nếu cho vay tiểu thương, cá nhân, cán bộ nhân viên… có nhu cầu thì khả năng trả nợ bảo đảm hơn, giúp cho ngân hàng giải ngân mà không cần bảo đảm nếu “chốt” được nhân thân, năng lực trả nợ. Muốn biết điều này thì buộc ngân hàng phải đi tiếp cận thay vì ngồi một chỗ, mà để tiếp cận khách hàng hiệu quả, nhân viên ngân hàng phải có một quá trình tìm kiếm trước đó. Khách hàng khi nhận được tin nhắn hay điện thoại mời vay vốn thì ít nhất, họ cũng đã được cập nhật trong danh mục điều tra sơ bộ của ngân hàng là có nhu cầu vay và nhất là khả năng trả nợ.

Luật sư Trần Minh Hải nêu quan điểm, ở khía cạnh khách quan, việc ngân hàng tiếp cận gần hơn với khách hàng thể hiện sự tích cực trên góc độ kinh doanh.

Tuy nhiên, cũng rất dễ bộc lộ những nhược điểm của ngân hàng và có thể gây phản cảm. Bởi có những đơn vị chuyên nghiệp trong hoạt động, nền tảng nhân sự bán lẻ tốt, nhưng cũng không ít nhân viên bán lẻ chào mời quá rát, khiến khách hàng cảm thấy phiền hà, lợi bất cập hại đến hình ảnh thương hiệu của ngân hàng.

Bên cạnh đó, khâu kiểm soát rủi ro cá nhân với những đại diện ngân hàng giao dịch nếu không cẩn trọng, cũng rất dễ xảy ra tình trạng lợi dụng danh nghĩa cán bộ ngân hàng lừa đảo người có nhu cầu vay vốn, làm phát sinh những hậu quả pháp lý…

“Thúc đẩy hoạt động thị trường bán lẻ là điều đáng mừng nhưng bên cạnh đó, cơ quan quản lý cũng cần lưu tâm đến hoạt động đang nở rộ này để đặt ra những đường ray pháp lý, giúp các ngân hàng và khách hàng an toàn hơn trong hoạt động vay và cho vay”, Luật sư Trần Minh Hải nhấn mạnh.

Hồng Dung

{fcomment}