Rà soát hàng loạt các dự án "bất động ven biển"

Bộ Kế hoạch và Đầu tư được giao chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan và 7 địa phương giải quyết dứt điểm tình trạng "bỏ hoang" hàng loạt dự án bất động sản ven biển.

 

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải yêu cầu các địa phương tổ chức kiểm tra, rà soát quy hoạch và việc triển khai các dự án ven biển, có biện pháp chấn chỉnh kịp thời, bảo đảm nhu cầu sử dụng không gian biển lâu dài cho cộng đồng.

Phó Thủ tướng giao Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường và các cơ quan liên quan, đề xuất giải pháp về quản lý quy hoạch, đầu tư xây dựng và quản lý đất đai theo hướng hạn chế triển khai tối đa các dự án sát bờ biển, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 30/10/2014.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan và 7 địa phương Đà Nẵng, Quảng Nam, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Kiên Giang, Bà Rịa - Vũng Tàu có dự án, có giải pháp chấn chỉnh, xử lý dứt điểm đối với những dự án đã được cấp Giấy chứng nhận đầu tư, bàn giao đất nhưng không triển khai thực hiện; có triển khai nhưng cầm chừng;

Bên cạnh đó, có biện pháp xử lý dứt điểm những dự án chậm tiến độ, chậm nộp tiền thuê đất; những dự án được cấp ưu đãi đầu tư không đúng quy định pháp luật; những dự án xác định tiền thuê đất chưa phù hợp; những dự án không thực hiện đúng nội dung Giấy chứng nhận đầu tư; những dự án chuyển nhượng vốn, chuyển nhượng quyền sử dụng đất không đúng quy định pháp luật.

Việt Nam được đánh giá là có tiềm năng lớn về phát triển du lịch nghỉ dưỡng, du lịch khách sạn. Hiện nay có khá nhiều nhà đầu tư đang triển khai dự án, cụ thể như Rockefeller mới đầu tư 2,5 tỷ đô vào dự án tại Vũng Rô - Phú Yên, nhà tỷ phú Israel Igal Ahouvi với dự án Alma Resort tại Bãi Rồng – Cam Ranh trị giá 300 triệu USD...

Tuy nhiên, một thực trạng đáng buồn diễn ra nhiều năm nay là việc hàng loạt các dự án khu du lịch, khu đô thị trên các bãi biển đẹp trải dài từ Đà Nẵng, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận cho đến Bà Rịa - Vũng Tàu, Phú Quốc nằm "đắp chiếu" chờ chủ đầu tư "khởi động".

Dọc các bãi biển miền Trung, nhiều dự án đầu tư khu biệt thự ven biển, khu du lịch bị bỏ hoang. Thậm chí còn có thống kê cho thấy, trong tổng số 403 dự án du lịch còn hiệu lực đầu tư (tổng diện tích lên đến 7.667 ha, đều là đất ven biển) ở tỉnh Bình Thuận, chỉ có 158 dự án triển khai, hoạt động; 90 dự án đang xây dựng. Còn lại 155 dự án chưa triển khai với diện tích hàng nghìn héc ta đất ven biển bỏ hoang.

Trong khi đó, tại Phú Quốc, hòn ngọc trên biển Việt Nam, cũng không thoát cảnh tương tự vì dự án “treo”. Đến nay, mới có 13/94 dự án trong các khu quy hoạch ở Phú Quốc đi vào hoạt động; 16 dự án đang triển khai thực hiện và số còn lại chỉ lập dự án, lo thủ tục xong rồi để đó.

Mới đây nhất, UBND thành phố Đà Nẵng phải ra văn bản đề nghị chủ đầu tư 7 dự án du lịch ven biển phải có văn bản cam kết tiến độ triển khai thực hiện. Trong số đó có những cái tên nổi bật như: Công ty CP Biển Tiên Sa, Công ty TNHH Du lịch và Đầu tư xây dựng Sơn Hải, Tập đoàn VinaCapital, Công ty TNHH Xây dựng, Thương mại và Dịch vụ 55, Công ty TNHH Khách sạn và Biệt thự Nam Phát, Công ty TNHH Future Property Invest và Công ty CP Quốc Cường Gia Lai.

Hay như tại Bà Rịa - Vũng Tàu vừa qua cũng nổi lên với thông tin về một siêu dự án tỷ đô "đắp chiếu" ven biển. Dự án này là dự án Saigon Atlantis Hotel do Công ty TNHH Winvest Investment Việt Nam làm chủ đầu tư, với tổng vốn 4,1 tỷ USD, được cấp giấy chứng nhận đầu tư từ năm 2007. Tuy nhiên, kể từ khi được cấp giấy chứng nhận đầu tư đến nay, dự án liên tục gặp các khó khăn, vướng mắc khiến cho chủ đầu tư chưa thể khởi động dự án. Trong khi chờ các giải pháp "gỡ khó" cho dự án này, Saigon Atlantis Hotel đã nằm "bất động" tới 7 năm và chưa biết đến bao giờ sẽ tái khởi động.

Đà Nẵng hay các thành phố ven biển ở trên vốn thu hút hàng ngàn lượt khách du lịch và số lượng khách tăng dần lên theo từng năm đã mang đến choViệt Nam cơ hội lớn về phát triển du lịch nghỉ dưỡng, du lịch khách sạn.

Một chuyên gia trong ngành từng nhìn nhận: "Tôi thấy có khá nhiều quỹ đầu tư nước ngoài hiện xem xét khả năng đầu tư tại Việt Nam vì họ thấy được tiềm năng, họ nhìn vào điều gì? Họ nhìn vào tiềm năng tăng trưởng, tiềm năng phát triển của thị trường. Nếu như tiềm năng phát triển tăng, nhu cầu tăng, tỉ lệ hấp thụ tăng, thời gian hoàn vốn ngắn thì đương nhiên khả năng dự án được đầu tư sẽ rất cao".


Theo vị này, khó khăn hiện nay chính là môi trường kinh doanh ở Việt Nam, vì đang là thị trường mới nổi, chưa phát triển nên phần lớn chính sách, quy trình vẫn thường xuyên được thay đổi và chưa mang tính thống nhất, rõ ràng và minh bạch như những gì các nhà đầu tư kỳ vọng. Ví dụ như quy trình đăng ký kinh doanh, quá trình vận hành có những khó khăn hay thuận lợi gì…đây cũng là những điều mà các nhà đầu tư phải nghiên cứu và chiêm nghiệm trong thời gian dài trước khi quyết định.

Nguồn: Dân trí


{fcomment}