Sadec District và hành trình sáng tạo của những điểm nhấn văn hóa

Với những người yêu sự sáng tạo, yêu thích những sản phẩm thủ công mang đậm nét dân tộc của các vùng miền dọc sông Mekong thì Sadec District là một sự lựa chọn lý tưởng

Không gian Sadec – Những người tạo ra Sadec kỳ vọng thiết lập được mối giao hòa với những người sẵn sàng đón nhận tinh thần đương đại.


Sadec District chỉ là một cửa hàng nghệ thuật, nơi bán hàng trăm các sản phẩm thủ công mỹ nghệ đặc trưng của các nước vùng sông Mekong, nằm trong một khu gọi là “Nhà ga 3A” (TP.HCM) với quy mô khoảng 1.000m2. Nhưng để có thể đưa cửa hàng nghệ thuật ấy đi vào hoạt động là cả một cuộc hành trình.

Ngược dòng Mekong

Anh Hà Tân Cương, thành viên sáng lập của Sadec District cho biết, Sadec là một trong những điểm cuối sông Mekong ở Việt Nam. Anh và đồng sự chọn nó để đặt tên cho cửa hàng như một điểm mốc để từ đó có thể ngược sông tìm kiếm những sản phẩm mang đậm chất văn hóa của từng miền. Bên cạnh đó, Sadec cũng là một cái tên mang tính giao hòa văn hóa vùng miền (cũng có giả thiết cho rằng, hai tiếng Sa – Đéc xuất phát từ âm Phsa dek của người Khmer hạ, tên của một vị thủy thần gốc Khmer – PV) rất đặc trưng của các vùng Mekong, nó có tính phóng khoáng miền Tây, phù hợp với khái niệm kinh doanh và tinh thần của Sadec Shop.


Ngược dòng ký ức, anh Cương cho biết, những ngày cuối năm 2013, khi đi trên phà An Hòa, Long Xuyên (An Giang), một thành viên trong nhóm nhìn thấy những người dân vận chuyển các đồ vật bằng mây tre lá thủ công qua phà. Lần thứ 2, khi đi qua phà Neak Leung, tại Pnompenh (Campuchia), anh cũng đã bắt gặp lại hình ảnh ấy. Cuộc gặp gỡ ấy đã thôi thúc anh đi tìm hiểu xem họ đến từ đâu. Trong những chuyến đi tiếp theo, anh cùng với các bạn đã nhận ra rằng, đời sống văn hóa sinh hoạt của vùng châu thổ sông Mekong (bao gồm cả Việt Nam, Thái Lan, Cambodia, Lao, Myanmar…) vô cùng phong phú, đặc biệt là ở các làng nghề thủ công truyền thống có rất nhiều sản phẩm chưa được “khai quật”. Và cũng từ đây, ý tưởng kinh doanh những món đồ có tính mỹ thuật cao, phù hợp với đời sống hiện đại đã ra đời.

Để có được nguồn hàng, 7 thành viên của Sadec đã chia thành các đội nhỏ cùng với chuyên gia am hiểu văn hóa, các ngành hàng thủ công, am hiểu địa phương đã “lục tung” các làng nghề, chợ địa phương ở miền Bắc, miền Nam Việt Nam, từ Bát Tràng, Đan Phượng, Ninh Bình đến Lái Thiêu, Bình Dương, Củ Chi, Long An, Tiền Giang… Rồi mỗi cuối tuần trong nhiều tháng trời, họ lại lên đường lăn lộn khắp Thái Lan, Campuchia, Philippines để trải nghiệm, khám phá và thu thập nguồn hàng. Hiện nay các thành viên của Sadec đang tiếp tục tìm kiếm thị trường tại Lào, Myanmar và vùng thượng nguồn sông Mekong ở Trung Quốc với mong muốn làm đầy hơn nữa bộ sưu tập của mình và có thể chia sẻ với mọi người đầy đủ nhất những vật phẩm mang đậm nét văn hóa của vùng châu thổ sông Mekong.

Giá trị của sự sáng tạo

 Sản phẩm của Sadec District 

Nói về các sản phẩm của mình, anh Cương cho biết, khu vực châu thổ sông Mekong đang sở hữu một di sản làng nghề và các sản phẩm mỹ thuật thủ công vô cùng giá trị. Anh bảo mặc dù những sản phẩm này mang tính truyền thống, nhưng rất phù hợp với cuộc sống hiện tại. Bên cạnh đó với sự tham gia của lực lượng các nghệ sĩ, các nhà thiết kế chuyên nghiệp (mỹ thuật công nghiệp), sản phẩm thủ công quanh khu vực vẫn kế thừa được những giá trị truyền thống và nhiều sản phẩm được nâng lên thành tác phẩm, kể cả tính mỹ thuật và ứng dụng đều cao. Đơn cử như tại Campuchia, những chiếc đĩa, tô gốm của người Khmer là sản phẩm độc bản, tất cả các quy trình đều được làm bằng tay với kỹ thuật thô sơ tạo hình bay bổng, bên ngoài là lớp hoa văn Jeans hiện đại. Kỹ thuật nung gốm cổ của người Khmer vốn đã bị thất truyền khi phần lớn các nghệ nhân của họ bị giết trong thời Polpot. Hiện nay, các nghệ nhân đến từ Bỉ, Pháp và Thổ Nhĩ Kỳ đang cùng với các người thợ bản địa lành nghề quyết tâm tạo dựng lại lò gốm thủ công, phục hưng công nghệ gốm nung Khmer. Và đây là sản phẩm rất đặc trưng cho tinh thần của Sadec.

Nói sâu hơn về tinh thần của sản phẩm mà Sadec mang đến, anh Cương bảo, cảm hứng để anh cùng các bạn lập ra cửa hàng này là tinh hoa văn hóa của làng nghề địa phương dọc sông Mekong, nhưng yếu tố chủ đạo lại chính là cảm xúc đương đại. “Những sản phẩm thủ công truyền thống, có sự tham gia của những nghệ sĩ, nhà thiết kế mỹ thuật công nghiệp chuyên nghiệp ở một khâu nào đó, như tạo hình, tạo màu sắc mới, tạo nên tinh thần sản phẩm mới, ứng dụng một kỹ thuật mới, tạo ra một sản phẩm với công năng mới, mang trên mình một xu hướng trào lưu mới phù hợp với lối sống hiện đại chính là lựa chọn của Sadec”, anh Cương lý giải. Như những món đồ gốm Khmer đã nói ở trên, anh bảo nếu chỉ cốt gốm, kỹ thuật nung hoàn toàn truyền thống thì chưa đủ. Tinh thần đương đại nằm ở hoa văn Jeans và sự trân trọng cái mộc mạc (sản phẩm có độ méo mó, cong vênh) của tạo hình. Những người sáng tạo ra Sadec kỳ vọng thiết lập được mối giao hòa với người trẻ đầy nhiệt huyết, những người sẵn sàng đón nhận tinh thần đương đại và trân trọng các giá trị truyền thống và văn hóa đa chiều.

Tinh thần của doanh nhân sáng tạo

Sadec District là đứa con tinh thần của 7 người, nhưng không một ai trong số đó là doanh nhân đúng nghĩa (có người là họa sĩ, người là nhiếp ảnh gia, người làm báo, người làm tài chính, người là hotblogger). Họ lập ra Sadec District trước hết là vì niềm vui thú, sau là lợi nhuận và phải tìm mọi cách để cân bằng chúng.

Khi được hỏi về triết lý kinh doanh, anh Cương chỉ cười bảo rằng, Sadec District vẫn đang trong giai đoạn khởi đầu. Tuy nhiên, anh khẳng định, xuyên suốt từ khởi đầu cho tới sau này, trên mỗi sản phẩm mà Sadec Distric mang tới cho công chúng đều mang tinh thần chia sẻ và làm lan tỏa cái đẹp.

Bích Ngọc
Chuyên mục được thực hiện với sự cộng tác của 

CLB Doanh nhân Sáng tạo VCE CLUB