Sẽ không có cửa để các bộ, ngành bổ sung thêm ngành nghề có điều kiện

Từ ngày 1/7/2015, các quy định của Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp 2014 sẽ được thực hiện ngay, kể cả khi chưa có nghị định hướng dẫn.

Sẽ không có cửa để các bộ, ngành bổ sung thêm ngành nghề có điều kiện

Không thể du di

Trong văn bản Rà soát điều kiện kinh doanh (ĐKKD) triển khai thực hiện Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp (DN) 2014 vừa gửi Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh đã đề nghị thành lập Tổ công tác nhằm giám sát và thực thi đầy đủ các thay đổi đột phá của hai luật.

Cùng với đó, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh cũng kiến nghị Thủ tướng yêu cầu các bộ, cơ quan ngang bộ, UBND các tỉnh, thành phố phải nghiên cứu, hiểu rõ những đổi mới cơ bản của Luật DN, Luật Đầu tư; chấm dứt ngay việc soạn thảo và ban hành các quy định về ĐKKD.

Không phải ngẫu nhiên, Bộ trưởng Vinh phải có báo cáo riêng về vấn đề này. Ngay trong văn bản gửi Thủ tướng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã nhắc tới tình trạng một số bộ vẫn tiếp tục soạn thảo, ban hành các thông tư, trong đó quy định về ĐKKD.

Ví dụ điển hình là Bộ Xây dựng đang soạn thảo Thông tư quy định việc cấp chứng chỉ hành nghề môi giới bất động sản... Không ít nội dung của dự thảo Thông tư nói trên, nếu được ban hành sẽ trái thẩm quyền theo quy định của Luật Đầu tư 2014.

Luật Đầu tư 2014 đã xác định danh mục 267 ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện. Sẽ không có cửa để các bộ, ngành bổ sung thêm ngành nghề có điều kiện nào nếu không có sự tham gia của Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong cơ chế sửa đổi, bổ sung ngành nghề kinh doanh có điều kiện mới.

Nhưng, có vẻ các bộ, ngành này chưa nắm bắt rõ quy định của Luật Đầu tư 2014 về việc họ không có thẩm quyền ban hành quy định về ĐKKD.

Theo thống kê của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, hiện nay, số lượng ĐKKD đang quy định tại các thông tư, quyết định của các bộ đang chiếm quá nửa tổng số ĐKKD hiện hành. Cụ thể, trong số 5.826 điều kiện đầu tư, kinh doanh, có 2.833 điều kiện hiện quy định tại các thông tư, quyết định. Theo Luật Đầu tư 2014, chúng sẽ đương nhiên hết hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/7/2016.

Thực thi theo luật

Chỉ còn 2 ngày nữa là Luật Đầu tư và Luật DN 2014 có hiệu lực, nhưng các văn bản hướng dẫn vẫn chưa được ban hành. Rõ ràng, lo ngại của DN về tính khả thi của các điều luật chưa thể thuyên giảm.

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, ông Quách Ngọc Tuấn, Phó vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết, các dự thảo Nghị định đã hoàn tất và trình Chính phủ xem xét. Nhưng phần lớn quy định của Luật Đầu tư và Luật DN đã rõ ràng và có thể thực hiện ngay. “Văn bản hướng dẫn sẽ quy định biểu mẫu và làm rõ hơn một số nội dung của luật. Riêng quy định về ĐKKD, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang tích cực làm việc để bảo đảm ngày 1/7/2015, tất cả điều kiện này sẽ được công bố trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký DN”, ông Tuấn cho biết.

Đặc biệt, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành tập hợp, phân loại ĐKKD trong ngành, lĩnh vực thuộc thẩm quyền; đồng thời, nghiêm túc bãi bỏ hoặc đình chỉ áp dụng các quy định về ĐKKD không đúng thẩm quyền theo quy định của Luật Đầu tư, Luật DN.

Cùng với đó, hệ thống đăng ký kinh doanh theo Luật DN 2014 đã sẵn sàng triển khai. Từ ngày 1/7, DN sẽ chỉ mất khoảng 3 ngày để đăng ký thành lập mới, không phải hỏi ý kiến nếu đăng ký ngành nghề chưa có tên trong các danh mục.

Nguồn Tin nhanh chứng khoán